Cao nguyên Đồng Cao được ví như “cánh đồng nghiêng” với khí hậu mát mẻ quanh năm ở Bắc Giang
Nằm cách TP Hà Nội khoảng 150km, cao nguyên Đồng Cao (thuộc địa bàn xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) vài năm gần đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nhờ cảnh quan xanh mát, địa hình đa dạng, thuận tiện cho hoạt động dã ngoại và vui chơi.
Theo người dân địa phương, Đồng Cao có nhiều đồng cỏ rộng, trải dài nối tiếp nhau, xen kẽ là núi cao với những phiến đá lớn nhấp nhô, hình thù lạ mắt. Xa xa là những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Dân cư quanh cao nguyên còn thưa thớt, chưa khai thác nhiều dịch vụ du lịch nên khung cảnh vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp bình dị, hoang sơ
Nhờ tựa lưng vào núi, phía trước hướng ra những thung lũng theo hình lòng chảo, nơi đây đã trở thành địa điểm “chữa lành”, cắm trại yêu thích của du khách gần xa.
Bên cạnh đó, vì nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển nên cao nguyên Đồng Cao cũng là tọa độ lý tưởng cho khách du lịch trải nghiệm săn mây, săn dải ngân hà về đêm.
Theo kinh nghiệm của nhiều du khách, Đồng Cao là một trong số những điểm đến hiếm hoi thích hợp ghé thăm vào cả 4 mùa. Song, thời điểm lý tưởng nhất là dịp cuối thu, đầu đông, từ tháng 9 đến tháng 12.
Khi ấy, thời tiết khô ráo, mát mẻ hoặc hơi se lạnh, phù hợp cho các hoạt động dựng lều, đốt lửa trại hay tiệc nướng ngoài trời.
Cùng bạn bè cắm trại qua đêm ở cao nguyên Đồng Cao hồi tháng 9, anh Hoàng Minh Đức (ở Hà Nội, nhiếp ảnh gia tự do) thấy ấn tượng trước không gian rộng thoáng, xanh mát và yên tĩnh ở đây.
“Một địa điểm đủ tốt để tận hưởng không khí. Chỉ cần trời không mưa thì du khách ghé thăm Đồng Cao vào thời gian nào cũng có trải nghiệm vui”, anh Đức nhận xét.
Từ Hà Nội, nhóm của anh Đức di chuyển quãng đường khoảng 150km đến cao nguyên Đồng Cao. Đường đi thuận tiện nhưng nhiều đèo dốc, ô tô hay xe máy đều có thể tiếp cận tận nơi.
Để tới đây, du khách có thể di chuyển từ Hà Nội tới TP Bắc Giang, theo Quốc lộ 31 qua thị trấn An Châu, xã Vân Sơn hoặc xã An Lập. Một lựa chọn khác, theo gợi ý của người dân địa phương là đến cầu Cẩm Đàn (huyện Sơn Động) rồi rẽ trái.
Theo anh Đức, ở cao nguyên Đồng Cao chưa có dịch vụ ăn uống và lưu trú nên du khách muốn nghỉ qua đêm tại đây phải tự cắm trại, dựng lều, nấu ăn…
“Các bạn có thể tự chuẩn bị đồ cắm trại hoặc thuê dịch vụ của người dân ngay dưới cao nguyên và phải liên hệ trước để họ chuẩn bị chu đáo”, nhiếp ảnh gia trẻ gợi ý.
Để có trải nghiệm thú vị, du khách cần lưu ý theo dõi thời tiết trước chuyến đi, chuẩn bị đầy đủ lều, túi ngủ, đồ dùng cho buổi cắm trại, đồ ăn thức uống, vật dụng cá nhân… nếu lưu trú qua đêm.
Đặc biệt, không xả rác hay đốt lửa bừa bãi và thu dọn mọi thứ trước khi rời đi, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan tự nhiên.
Làng cổ Bắc Hoa
Nếu có dịp tới cao nguyên Đồng Cao, du khách có thể kết hợp khám phá một số điểm đến của huyện Sơn Động như rừng nguyên sinh Khe Rỗ, hồ Khuôn Thần, thác Ba Tia ở chân núi Yên Tử… hay ghé làng cổ Bắc Hoa (thuộc xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn).
Ảnh: Hoàng Minh Đức
Thảo Trinh