Mức sinh ở Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục, dưới mức sinh thay thế rất sâu (1,91 con/phụ nữ trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 con/phụ nữ) nếu không có giải pháp "khuyến sinh", dân số sẽ ngày càng giảm.
ức sinh giảm đã dưới mức sinh thay thế trong những năm gần đây
Để khuyến sinh, Bộ Y tế đang đề xuất các giải pháp để thúc đẩy mức sinh thay thế. Cụ thể, Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trước đó, năm 2020, Thủ tướng đã ban hành quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ở các vùng có mức sinh thấp.
Cụ thể, khen thưởng cá nhân sinh đủ 2 con trước tuổi 35. Đồng thời, yêu cầu bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên.
Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục; y tế,... đến việc sinh ít con.
Theo thống kê, vùng mức sinh thấp bao gồm 21 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp để nhằm thúc đẩy phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Mới đây, TP HCM (địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước) cũng đã ra hỗ trợ 3 triệu đồng với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi
Một số địa phương khác hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Riêng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...
Mặc dù vậy, mức sinh của các tỉnh thành có chính sách hỗ trợ cũng không tăng. Tỉ suất sinh tại tỉnh Hậu Giang từ năm 2021 đến 2023 vẫn duy trì ở 1,83 con.
Mức sinh ở Việt Nam thấp "chưa từng có" và đang tiếp tục giảm
Nói về việc thưởng tiền và hỗ trợ để sinh con, GS-TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho rằng tiền hỗ trợ này không đủ để các cặp vợ chồng quyết định sinh thêm một đứa con. Số tiền hỗ trợ mà các địa phương đang đề ra chỉ mang tính động viên về tinh thần, thể hiện sự quan tâm của địa phương.
Để thúc đẩy mức sinh, một số chuyên gia cho rằng cần giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7 - 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023).
N.Dung