Địa phương nào làm tốt việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo?

Địa phương nào làm tốt việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo?
2 giờ trướcBài gốc
Thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 9 tháng đầu năm, các tỉnh đã và đang hỗ trợ cho 17.072 hộ, đạt 53% kế hoạch năm 2024 (32.123 hộ).
Số liệu này được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (dự án 5) do Bộ Xây dựng tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì hội nghị
Kết quả giải ngân vốn được cấp từ ngân sách trung ương là khoảng 449,35 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch năm 2024; vốn ngân sách địa phương đã giải ngân là 18,469 tỷ đồng.
Một số tỉnh thực hiện hỗ trợ, giải ngân tốt như: Hà Giang 3.801 hộ đạt 93% kế hoạch (giải ngân 74%), Quảng Ngãi 1.490 hộ đạt 97% kế hoạch (giải ngân 40%), Yên Bái (100%), Ninh Thuận (100%).
Một số tỉnh thực hiện hỗ trợ, giải ngân thấp như: Lạng Sơn: 64 hộ (giải ngân 2%), Thanh Hóa: 375 hộ (giải ngân 6%), Đăk Nông: 50 hộ (giải ngân 17,8%), Bắc Kạn: 123 hộ (giải ngân 14%), Lai Châu (giải ngân 18,3%), Sơn La (giải ngân 21,9%), Đăk Lắk (giải ngân 17,8%). Các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, An Giang chưa thực hiện giải ngân.
Lũy kế kết quả thực hiện dự án 5 từ đầu Chương trình đến nay, các tỉnh trên cả đã hỗ trợ cho 43.754 hộ, đạt 47,5% (43.754/92.117 hộ) so với số liệu Đề án của các tỉnh; đạt 34,51% (43.754/126.780 hộ) so với kế hoạch giai đoạn 2022-2025 của Chương trình. Số vốn cấp từ ngân sách Trung ương đã giải ngân khoảng 1.208 tỷ đồng, đạt 51,93% (1.208/2.326 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện hỗ trợ của cả chương trình còn thấp, chưa đồng bộ với kết quả hỗ trợ. Công tác phân bổ vốn hỗ trợ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã vẫn còn chậm, nhiều địa phương mất thời gian từ 3-5 tháng.
Việc đối ứng của ngân sách địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Hhuy động các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế. Một số nhà ở còn chưa đảm bảo chất lượng theo quy định.
Tại hội nghị, đại diện tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương gặp khó khăn do phần lớn hộ dân là dân tộc thiểu số, dẫn đến sai lệch thông tin về tên và năm sinh. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có chính sách riêng cho hộ nghèo tại các huyện nghèo để vay vốn ưu đãi.
Tuyên Quang kiến nghị thay đổi đối tượng thụ hưởng trong công tác hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2023 – 2025; đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ ngân sách xã hội, đồng thời xem xét hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo.
Theo đại diện tỉnh Nghệ An, địa phương gặp khó trong việc thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở do số nhà dột nát gia tăng, nguồn vốn thiếu hụt và mức hỗ trợ xây dựng thấp. Giá vật tư tăng cao và điều kiện vận chuyển từ trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa khiến mức hỗ trợ 40 triệu đồng trở nên khó thực hiện. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động, trình độ hạn chế dẫn đến tiến độ triển khai chậm.
Để khắc phục khó khăn, Nghệ An kiến nghị giao cho huyện điều chỉnh đề án cho phù hợp với thực tế; đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội nâng mức hỗ trợ và phê duyệt sớm Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; rà soát lại danh sách đối tượng được hỗ trợ.
Đồng tình với ý kiến của tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa mong muốn Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ mở rộng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ để tăng số lượng được thụ hưởng, mức hỗ trợ để thụ hưởng.
Một số địa phương như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lạng Sơn cũng đề xuất có hướng dẫn để giao UBND cấp huyện thực hiện rà soát các đối tượng được hỗ trợ; xem xét, đánh giá tổng thể chương trình có thể tăng mức hỗ trợ; cần có sự linh hoạt trong Đề án…
Để dự án 5 được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát lại số lượng, danh mục đối tượng thụ hưởng, hình thức hỗ trợ trong năm 2024 và cho toàn bộ Chương trình.
Đồng thời rà soát toàn bộ nội dung Đề án, có sự điều chỉnh, làm rõ, khẩn trương phê duyệt lại đảm bảo đúng thời gian, quy định. Xem xét lại vốn ngân sách đã được phân bổ, cần phân bổ nguồn vốn đến từng xã, huyện và kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội cùng chung tay hỗ trợ đa dạng bằng nhiều cách khác nhau như góp công, góp vật chất, vật liệu… Trong đó, chú ý sắp xếp thứ tự ưu tiên trong hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo theo quy định hiện hành, nhất là những người thực sự khó khăn về nhà ở.
Về mức hỗ trợ, Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của các địa phương, sẽ có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, từ đó điều chỉnh tổng thể, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với những vấn đề khác còn khó khăn, các địa phương cần trao đổi trực tiếp với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dia-phuong-nao-lam-tot-viec-ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-can-ngheo-post392270.html