Có thể dùng tên của một trong những tên của các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, cũng có thể là theo danh nhân hoặc tên đơn vị hành chính của thành phố, thị xã cấp huyện.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu, sáng 28/4. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
“Việc đặt tên có gắn với con số hay không cũng do địa phương toàn quyền quyết định. Bộ Nội vụ cũng không đề xuất quy định cụ thể theo phương án nào. Làm thế nào để bảo đảm hiệu quả nhất trong quản lý và tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp”, ông Phan Trung Tuấn nói.
Nhiệm vụ của cấp huyện cơ bản sẽ chuyển về cho cấp xã
Theo phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 759/QĐ-TTg, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trước ngày 6/5 để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp sẽ được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp, phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Về nhiệm vụ của cấp tỉnh, ông Tuấn cho biết bước đầu sẽ giữ nguyên, còn nhiệm vụ của cấp huyện cơ bản sẽ chuyển về cho cấp xã, chỉ một số ít nhiệm vụ do cấp tỉnh quản lý.
“Ví dụ các bệnh viện, các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang tổ chức địa bàn liên huyện sau này sẽ thuộc cấp tỉnh quản lý, còn cơ bản các nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về cho cấp xã. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội tới đây đang theo hướng thiết kế như vậy”, ông Tuấn dẫn chứng.
Thông tin về tổ chức Trung tâm hành chính công, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay, trong đề án của Đảng ủy Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương có dự kiến ban đầu thành lập một số cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND cấp xã, dự kiến lúc đầu là 3 phòng và 1 Trung tâm phục vụ hành chính công. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất ban đầu và Trung ương mới cho chủ trương định hướng, còn sau này sẽ được cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp xã, sẽ có thay đổi và sẽ quy định cụ thể từ đánh giá các yếu tố quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đặc thù quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo ngành, lĩnh vực của từng địa bàn để tính toán, đề xuất cấp có thẩm quyền về tổ chức cơ quan chuyên môn giúp việc của cấp xã, trong đó có Trung tâm phục vụ hành chính công.
“Thành phố Hà Nội hiện nay đang có 12 Trung tâm phục vụ hành chính công tổ chức theo khu vực, liên khu vực. Còn việc tổ chức cơ quan này ở cấp xã sắp tới thế nào thì trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ từng mô hình của các địa phương hiện nay, kể cả Hà Nội, Đà Nẵng và lấy ý kiến thực tiễn từ các địa phương để đề xuất mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cho phù hợp. Bởi vì mô hình này gắn với chức năng, nhiệm vụ và gắn với việc đảm bảo yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Tuấn thông tin.
Chỉ kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Ông Phan Trung Tuấn cũng cho biết, chủ trương của Trung ương là kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Bộ đang yêu cầu các địa phương báo cáo để tổng hợp lại số liệu cán bộ dôi dư, kể cả số liệu người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, và những người đang làm việc ở cấp xã hiện nay.
Liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hiện chúng ta đang phân loại xã khi bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Loại 1 có 14 người, loại 2 có 12 người, loại 3 có 10 người. “Như vậy, trung bình mỗi xã có khoảng 12 người hoạt động không chuyên trách, trong khi chúng ta đang có hơn 10.000 xã; sơ bộ có thể tính được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay”, theo ông Tuấn.
Vụ trưởng Phan Trung Tuấn cũng khẳng định “chỉ kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, còn ở thôn và tổ dân phố thì giữ nguyên, chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc dừng hoạt động của nhóm đối tượng này”.
Về lâu dài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, dự kiến năm 2026 sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó có chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Chu Thanh Vân (TTXVN)