Địa phương toàn quyền quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã

Địa phương toàn quyền quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 28-4, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà - Người phát ngôn của Bộ Nội vụ chủ trì buổi họp cung cấp thông tin báo chí.
Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin báo chí. Ảnh: Hiền Thu
Đã có 20 địa phương gửi hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Trả lời vấn đề báo chí quan tâm về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn khẳng định, đây là đề án rất lớn, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hình thành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo lộ trình, dự kiến thông qua trong tháng 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.
Đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành đề án xây dựng việc sắp xếp đối với các đơn vị thuộc diện sắp xếp (52 tỉnh, thành phố). Các đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của từng địa phương cũng đã cơ bản hoàn thành.
"Tính đến 28-4-2025, chúng tôi đã nhận được 20 hồ sơ đề án của 20 địa phương. Chúng tôi đang khẩn trương làm ngày làm đêm, xuyên nghỉ lễ 30-4, 1-5, để tập trung tối đa bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phấn đấu trước ngày 10-5 sẽ hoàn thiện được toàn bộ hồ sơ đề án cấp tỉnh và cấp xã trong cả nước; 15-5 sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án Chính phủ trình Quốc hội”, ông Phan Trung Tuấn thông tin.
Tinh thần của Trung ương là các cấp xã phải gần dân nên quy mô không được quá lớn. Tổng số giảm chung trong cả nước là 60-70%. Theo số liệu tổng hợp ban đầu của các địa phương sau sắp xếp giảm khoảng 67%; số ĐVHC cấp xã mới còn khoảng 3.300.
Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, hiện Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và đề xuất thống nhất trong hệ thống công vụ các cấp ở địa phương. Như vậy, sau này sẽ có hệ tiêu chí chung tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cấp xã. Sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) ban hành thì Bộ Nội vụ sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định những tiêu chuẩn cụ thể.
Cơ bản các nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết: Đối với cấp tỉnh, cơ bản trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay, đối với cấp huyện sẽ chuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về cấp xã hình thành mới sau sắp xếp. Về phương án nhân sự, thực hiện theo Kết luận số 150-KL/TW ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: Hiền Thu
“Tinh thần là đang thực hiện nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương chỉ chỉ đạo về chủ trương, nên địa phương sẽ toàn quyền quyết định trong việc bố trí nhân sự của ĐVHC cấp xã”, ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết, trong đề án Chính phủ trình, cơ bản trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế như hiện nay. Theo lộ trình 5 năm sẽ ban hành quy định mới định biên biên chế cấp tỉnh và cấp xã. Bộ Nội vụ cũng sẽ báo cáo Chính phủ, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại toàn bộ tổng biên chế của cả nước, trên cơ sở đó đề xuất cụ thể về khối chính quyền cấp tỉnh và cấp xã, báo cáo Bộ Chính trị quyết định.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp huyện, cấp xã, hiện Bộ Nội vụ đang yêu cầu các địa phương tổng hợp lại số cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hiện cấp xã có 3 loại I, II, III, tính trung bình mỗi xã khoảng 12 người (hiện cả nước có hơn 10.000 ĐVHC cấp xã). Để giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng này, sẽ có Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể. Từ ngày 1-7-2025, chỉ kết thúc hoạt động của cán bộ không chuyên trách cấp xã, chứ không kết thúc hoạt động của nhóm đối tượng hoạt động không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố.
Về nhiệm vụ của cấp tỉnh và cấp xã, cơ bản bước đầu nhiệm vụ của cấp tỉnh sẽ giữ nguyên; các nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã; chỉ còn một số nhiệm vụ sẽ do cấp tỉnh quản lý.
Đối với Trung tâm hành chính công, ông Tuấn cho biết, dự kiến ban đầu thành lập một số cơ quan chuyên môn giúp việc của cấp xã. Tuy nhiên, sau này sẽ được cụ thể hóa trên cơ sở đánh giá tổng thể các yếu tố về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý…, theo từng địa bàn để tính toán đề xuất cấp thẩm quyền về các cơ quan chuyên môn giúp việc của cấp xã, trong đó có Trung tâm Phục vụ hành chính công.
“Hiện thành phố Hà Nội có Trung tâm Phục vụ hành chính công đang tổ chức theo khu vực. Việc tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công ở cấp xã sắp tới thế nào thì trong quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ từng mô hình của các địa phương hiện nay và sẽ lấy ý kiến từ các địa phương để đề xuất mô hình phù hợp”, ông Phan Trung Tuấn thông tin.
Hiền Thu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dia-phuong-toan-quyen-quyet-dinh-viec-bo-tri-nhan-su-cap-xa-700634.html