Diễn biến dịch bệnh phức tạp
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, một số địa phương bắt đầu gia tăng số ca mắc COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Điều đáng lo ngại là diễn biến này xuất hiện ngay từ đầu tháng 5/2025, dù mùa mưa chưa bước vào cao điểm. Trong khi mùa hè 2025 cũng là cao điểm du lịch, nhu cầu đi lại, giao lưu tăng mạnh, làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm trên diện rộng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đã gia tăng số ca mắc COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh trong 2 tháng cao điểm là tháng 6 và 7/2025, với sự tham gia của chính quyền các cấp, các đoàn thể, ngành y tế, giáo dục và cộng đồng dân cư.
Để phòng ngừa COVID-19, Bộ Y tế khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết và tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo đẩy mạnh tuyên truyền và hành động thiết thực tại cộng đồng như lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy kín các bể chứa nước sinh hoạt, diệt muỗi, lăng quăng, sử dụng màn khi ngủ.
Với bệnh tay chân miệng, là bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, cần tăng cường vệ sinh tay cho trẻ tại các gia đình, nhà trẻ và trường tiểu học. Các cơ sở giáo dục phải bố trí đầy đủ phương tiện rửa tay, vệ sinh lớp học, bàn ghế và đồ chơi thường xuyên.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động xử lý môi trường sau mưa bão, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, đau mắt đỏ…
Ngành y tế sẵn sàng ứng phó
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các Sở Y tế g tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, cập nhật số liệu đầy đủ, giám sát viêm phổi nặng do virus, và phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị.
Các bệnh viện cần chuẩn bị tốt năng lực thu dung điều trị, tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chuyển tuyến kịp thời đối với các ca bệnh nặng.
“Các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện”- Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Các đội cơ động chống dịch tại tuyến huyện, xã cần thường trực, sẵn sàng hỗ trợ công tác xử lý dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai như mưa lũ, ngập úng, sạt lở đất.
Ngoài việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, báo chí phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, phù hợp với đặc điểm văn hóa – xã hội từng địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phòng chống dịch tại trường học, đặc biệt là với bệnh tay chân miệng; còn Sở Tài chính phải kịp thời cấp kinh phí phục vụ cho các hoạt động phòng dịch.
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố, đảm bảo công tác phòng chống dịch được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thanh Hằng