Dịch cúm, đột quỵ - nỗi ám ảnh mùa lạnh

Dịch cúm, đột quỵ - nỗi ám ảnh mùa lạnh
3 giờ trướcBài gốc
Mùa đông, trẻ em dễ mắc bệnh cúm, hô hấp. Trong ảnh: Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khám cho bệnh nhi.
Gió lạnh về, bệnh ập tới
Theo thông tin từ ngành y tế, trên địa bàn tỉnh Bình Định có một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, nam bệnh nhân này nhiễm chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 và có tên là pandemic09 (pdm).
Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mãn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong liên quan cúm, trong đó cúm A/H1N1 là một trong các tác nhân phổ biến.
Thời tiết lạnh có thể làm co mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, trong đó đáng lo ngại là căn bệnh đột quỵ. Đột quỵ hiện nay là vấn đề rất lớn được nhiều người quan tâm. Số người mắc ngày càng gia tăng và trẻ hóa, tỷ lệ mắc khoảng gần 300 ca/100.000 dân.
Các chuyên gia cho biết, khi thời tiết lạnh, cơ thể có những phản ứng mang tính tự vệ như tiết ra nhiều hóc môn catecholamine làm co mạch nội biên, dồn áp lực mạch máu trung tâm tăng lên, gây tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh hay khi thời tiết thay đổi thất thường có xu hướng cao hơn ở những người lớn tuổi, mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì… Những người đang có yếu tố tiềm ẩn phình mạch, thành mạch ở não đã bị tổn thương rất dễ vỡ mạch gây xuất huyết não.
Vào mùa đông, mọi người thường ăn uống nhiều hơn, đặc biệt là chất béo để dự trữ năng lượng. Vận động ít hơn và uống nước ít hơn cũng dễ làm tăng huyết áp, tuần hoàn máu kém và tăng nguy cơ đột quỵ.
Chưa kể, trong mùa lạnh, nhiều người có xu hướng ít vận động, dẫn đến tình trạng cơ bắp và khớp yếu đi. Những người bị viêm khớp có thể cảm thấy cơn đau tăng lên khi thời tiết lạnh, do sự co thắt của mạch máu và giảm lưu lượng máu đến các khớp. Cảm giác cứng khớp và đau nhức có thể làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chủ động giảm thiểu nguy cơ
Để phòng chống dịch cúm bùng phát trong mùa lạnh, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Khi có triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt cao, đau nhức toàn thân, người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bác sỹ Nguyễn Thị An, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec khuyến cáo, tất cả mọi người từ trên 6 tháng tuổi nên chủng cúm hàng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hàng năm), đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, có bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mãn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai, nhân viên y tế.
Để phòng tránh đột quỵ xảy ra trong mùa đông, thời điểm giao mùa, việc tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ mà người bệnh không tự mình phát hiện ra. Chủ động tầm soát sẽ giúp mỗi người kịp thời phát hiện những yếu tố bất thường có thể gây ra đột quỵ tiềm ẩn trong cơ thể.
Các bác sỹ lo ngại, đa số người tăng huyết áp ban đầu không biết mình tăng huyết áp. Khi bị suy thận, suy tim, đột quỵ não rồi mới phát hiện ra bệnh. Người bị đái tháo đường tuýp 2 cũng không có triệu chứng rầm rộ như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều hay sụt cân để phát hiện sớm.
Nhiều người đến bệnh viện khi có những biến chứng nhiễm trùng, vết thương nhiễm trùng lâu lành hoặc đột quỵ mới biết nguyên nhân do tiểu đường. Theo thống kê, có khoảng 15-30% bệnh nhân đái tháo đường khi đến bệnh viện cấp cứu, điều trị vì đột quỵ mới được chẩn đoán mắc tiểu đường.
Chính vì vậy, việc phòng bệnh là vấn đề rất quan trọng. Nhận biết được các dấu hiệu sớm của đột quỵ, tới bệnh viện gần nhất để được can thiệp và điều trị trong “thời gian vàng” cứu não cũng quan trọng không kém.
Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là khoảng 3-4,5 giờ, còn với đột quỵ xuất huyết não là trong vòng 8 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng…
Tùy trường hợp, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.
Về các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi thời tiết lạnh, theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng.
Khi ra ngoài thì mặc ấm che chắn được gió lùa như mặc áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang... Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu sẽ làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein.
Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em, cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Riêng những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mãn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ.
Dương Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dich-cum-dot-quy---noi-am-anh-mua-lanh-d229215.html