Đích đến của hành trình hòa bình - thống nhất

Đích đến của hành trình hòa bình - thống nhất
14 giờ trướcBài gốc
Giai đoạn nửa sau thế kỷ XX trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù Sài Gòn là nơi chịu tác động gay gắt nhiều mặt của chiến tranh và chế độ cai trị thực dân cũ và mới, nhưng với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, cuộc đấu tranh dưới mọi hình thức của nhân dân Sài Gòn - Gia Định không ngừng nghỉ, không gián đoạn, luôn gắn bó chặt chẽ với phong trào Cách mạng cả nước.
Ngay sau ngày 30/4/1975, tại Sài Gòn, một Ủy ban Quân quản được thành lập để tiếp quản công việc quản lý, giữ an ninh trật tự cho thành phố. Ủy ban Quân quản cũng quyết định hợp nhất Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định thành TP.Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1976, UBND TP bắt đầu hoạt động. Ngày 02/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên thành phố “Sài Gòn - Gia Định” thành “TP.Hồ Chí Minh”.
Pháo hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sau những ngày hòa bình sôi nổi đầu tiên, Thành phố đối mặt với quá nhiều khó khăn. Giờ đây bình tĩnh nhìn lại, có thể nhận thấy không ít khó khăn đến từ chính chúng ta, do lần đầu tiên chưa và chưa từng có kinh nghiệm quản lý điều hành một thành phố vào loại lớn và phức tạp nhất của Đông Nam Á.
Từ năm 1975 đến 1990, Thành phố có chủ trương giảm áp lực dân số đô thị bằng cách đưa hàng triệu người về nông thôn sản xuất nông nghiệp và đi kinh tế mới. Thêm vào đó, những đợt “cải tạo tư sản”, “nạn kiều” cùng với tình trạng ồ ạt vượt biên ra nước ngoài khiến cho dân số Thành phố giảm đi đáng kể. Tình hình kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn khi các ngành sản xuất - dịch vụ trì trệ và hiện tượng “ngăn sông cấm chợ” gay gắt giữa các địa phương.
Sau khi chính sách “mở cửa” được tiến hành, cùng với sự “cởi trói” về kinh tế, Việt Nam chú trọng đến phát triển đô thị. Từ đó, làn sóng đô thị hóa diễn ra trên cả nước với tốc độ có khác nhau tùy từng địa phương, trong đó TP.Hồ Chí Minh được xem là đô thị có sức bật đáng kể nhất. Trải qua thời kỳ khó khăn (1975 đến cuối thập niên 1980), từ 1990, nhờ sự năng động và những cơ chế chính sách hợp lý, TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tiến trình đô thị hóa tiếp tục đẩy mạnh theo đà tăng trưởng của kinh tế. Từ năm 2000, TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa, mức độ đô thị hóa cao nhất nước, kéo theo sự thay đổi nhanh trong việc chuyển dịch cơ cấu, nâng cao tổng sản phẩm quốc nội. Sự tiến bộ ấy thể hiện bằng những thay đổi trong không gian đô thị qua hệ thống giao thông, không gian cư trú, các công trình kiến trúc hiện đại.
Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất ở Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa. Đây còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. TP.Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam cùng với Thủ đô Hà Nội. * Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và tính cách văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó.
Từ thế kỷ 18, khi Sài Gòn hình thành một đô thị là trung tâm của Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường (...), người Tây dương (...), Cao Miên, Đồ Bà (...) đến ngụ cư đông đúc xen lẫn, mà người các nước ấy thì y phục, đồ dùng đều theo kiểu của dân tộc họ” (sách Gia Định thành thông chí).
Những giai đoạn về sau cũng vậy, không chỉ là nơi tiếp nhận các cộng đồng dân cư khác nhau mà Sài Gòn còn tiếp nhận cách thức làm ăn, nghề nghiệp hay phương thức kinh tế mới đi cùng các cộng đồng đó. Sự giao lưu với các nền văn hóa trong đó có các yếu tố khoa học kỹ thuật mới - giúp Sài Gòn phát triển nhanh chóng so với khu vực.
Là trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiêùcộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhận những ngành nghề, phương thức kinh doanh mới, vì vậy trong hoạt động kinh tế ở Sài Gòn, tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau “buôn có bạn, bán có phường”, bảo đảm chữ “tín” trong làm ăn cũng là một truyền thống của mối quan hệ kinh tế Sài Gòn.
Người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng luôn học hỏi những cái hay, cái tiến bộ, sớm tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật của thế giới, đồng thời phân biệt rõ ràng bạn thù để mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan. Cho đến nay, TP.Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc tháo gỡ khó khăn, gạt bỏ những cản trở lỗi thời của tư duy và lối làm ăn bao cấp lạc hậu, thực hiện những biện pháp, phương thức kinh tế mới. Từ đó góp phần quan trọng về thực tiễn và tạo ra tiền đề lý luận cho công cuộc đổi mới của đất nước. Tính cách, lối sống năng động, sáng tạo của người Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh được coi là tiêu biểu cho người Nam Bộ.
Lịch sử của Thành phố tự nó đã giới thiệu quá trình luôn luôn chọn cái mới, luôn đổi mới. Lịch sử của Thành phố đồng thời tự nó đã giới thiệu con người Thành phố là tập thể cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước những gì trì trệ”. (Trần Bạch Đằng). Đặc trưng “quy tụ - lan tỏa” trong lịch sử phát triển của đô thị Sài Gòn được TP.Hồ Chí Minh hôm nay tiếp nối, phát triển mạnh mẽ nhưng không đánh mất bản sắc là một thành phố năng động, đổi mới, nghĩa tình.
Từ thời điểm 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn là nơi kết thúc chiến tranh thì TP.Hồ Chí Minh hôm nay phải là nơi thể hiện thành quả 50 năm hòa bình - thống nhất tiêu biểu nhất. Thành phố đã bảo toàn được khá nguyên vẹn sau những tháng ngày chiến tranh ác liệt cuối cùng, để giờ đây chúng ta có những di sản văn hóa độc đáo. Và sau 50 năm, di sản tinh thần quý giá nhất là Thành phố cần bảo tồn và phát huy, chính là sự đồng lòng, đồng tâm của người dân Thành phố, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, bắt đầu từ đoàn kết và hòa giải - hòa hợp dân tộc. Đó chính là tiềm năng, sức mạnh, là điểm tựa vững chắc để TP.Hồ Chí Minh cùng cả nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên hòa bình - thống nhất!
TS. NGUYỄN THỊ HẬU
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/dich-den-cua-hanh-trinh-hoa-binh-thong-nhat_177423.html