Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: Tạ Nguyên
Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Trong đó, 75 trường hợp dưới 9 tháng (29,0%); 47 trường hợp 9 - 11 tháng (18,1%), 85 trường hợp 1 – 5 tuổi (32,8%), 21 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,1%), 31 trường hợp trên 10 tuổi (12,0%).
Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tạ phường Thượng Thanh, quận Long Biên; phường Xuân La, Tây Hồ; La Khê, Hà Đông...
Trong tuần này, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng; xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh; phường Nhân Chính, Thanh Xuân; Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm.
CDC Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% ca nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn chưa tiêm đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh.
Theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trong năm 2024 đã được triển khai tại 18 tỉnh, thành phố nguy cơ cao, rất cao. Đến nay, chiến dịch này đã đạt 98%; hơn 1,2 triệu liều vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ đã tiêm hết. Tuy nhiên, có tới 27,2% số ca mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm chủng). Bộ Y tế sẽ mở rộng độ tuổi tiêm từ 6 - 9 tháng tuổi.
Có 4 biện pháp chủ động, đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh sởi hiện nay:
_ Thực hiện chủ động việc tiêm ngừa bệnh sởi: theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đủ 9 tháng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh sởi miễn phí tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, để đảm bảo tạo ra miễn dịch bền vững cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
_ Thực hiện tốt việc cách ly trẻ bệnh: bệnh sởi lây lan rất nhanh nên khi phát hiện trẻ bệnh cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị, đồng thời cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho cộng đồng.
_ Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế và người nhà: đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ bệnh, đây cũng là biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các trẻ khác tại các bệnh viện có bệnh nhân mắc sởi.
_ Rửa tay sạch sẽ, đầy đủ các bước rửa tay thường quy được hướng dẫn trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh với mục tiêu phòng ngừa sự lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 59 trường hợp so với tuần trước), 30 trường hợp tay chân miệng (tăng 4 trường hợp so với tuần trước)và 1 trường hợp mắc ho gà tại huyện Thạch Thất là bé trai 1 tháng tuổi.
Các dịch bệnh khác như: liên cầu lợn, viêm màng não mô cầu, Covid-19, uốn ván… không ghi nhận ca bệnh trong tuần.
Mây Hạ