Dịch sởi và ho gà đồng loạt tái bùng phát ở Đông Nam Bộ

Dịch sởi và ho gà đồng loạt tái bùng phát ở Đông Nam Bộ
3 ngày trướcBài gốc
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho trẻ em.
Cha mẹ lơ là, con lãnh hậu quả
Tại Bình Phước, theo bác sĩ La Văn Dầu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, toàn tỉnh cộng dồn đến ngày 14/3 ghi nhận 947 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7 ca dương tính, 1 ca tử vong tại thị xã Chơn Thành. Với dịch ho gà, Bình Phước cũng đang là “điểm nóng” với 16 ca mắc, trong đó 14 ca ở huyện Bù Đăng, 2 ca tại huyện Bù Gia Mập, 1 ca tử vong tại xã Bình Minh (huyện Bù Đăng). Tất cả đều là trẻ nhỏ, trong đó 15/16 trường hợp chưa được tiêm vắc xin, nhiều em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng.
Tại Bình Dương, một bé gái 8 tháng tuổi ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng chưa tiêm phòng và mắc hội chứng Prader Willi, đã tử vong sau khi nhiễm sởi. Theo điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế huyện ghi nhận bé gái thường xuyên ở trong nhà, sức khỏe yếu nên gia đình không đưa ra ngoài và không tiếp xúc với ai ngoài người trong gia đình. Khu vực xung quanh nhà bệnh nhân chưa ghi nhận ca mắc sởi hoặc sốt phát ban. Điều này chứng tỏ khả năng lây lan của dịch sởi rất mạnh.
Tại Đồng Nai, đã có 4 ca ho gà, trong đó 1 ca tử vong là bé gái 4 tuổi khi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) và tất cả đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, chỉ trong quý I/2025, cả nước ghi nhận hơn 42.000 ca nghi mắc sởi, trong đó trên 4.000 ca dương tính và 5 ca tử vong. TP HCM có hơn 8.000 ca, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia y tế, một số phụ huynh vẫn có quan niệm sai lầm “đợi con lớn rồi tiêm cũng chưa muộn”, hoặc lo ngại tác dụng phụ từ vắc xin nên chần chừ, mà không biết rằng việc này có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bên giường bệnh con trai đang thở oxy, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nghẹn ngào: “Tôi sai lầm nghe người ta nói tiêm sớm nguy hiểm, dễ bị sốc nên lần chần. Giờ con phải thở oxy cả tuần rồi, tôi chỉ mong cháu qua khỏi. Tôi tự trách bản thân rất nhiều”.
Một số giải pháp cấp bách
Theo bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc CDC Bình Dương, tại nhiều khu dân cư, tỷ lệ tiêm mũi sởi - rubella đầu tiên chỉ đạt hơn 50%, trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ này cần đạt tối thiểu 95% để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. “Chỉ một ca bệnh cũng có thể trở thành “mồi lửa” biến thành một ổ dịch nếu kháng thể trong cộng đồng không đủ”, bác sĩ Chung khuyến cáo.
Lực lượng y tế Bình Phước tới địa phương tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh trong bài: Quốc Toàn)
Hiện nay, tại Bình Dương, hơn 10.000 liều vắc xin sởi đã được phân bổ về 91 trạm y tế xã, phường để tiêm vét cho trẻ em trong nhóm nguy cơ. Mỗi trạm tổ chức ít nhất 3 buổi tiêm/tuần, kết hợp các điểm tiêm lưu động tại khu nhà trọ, khu công nhân. Tại Đồng Nai, ngành Y tế cũng đang khẩn trương rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm vét cho trẻ em trong tháng 4/2025.
Ngày 26/3, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt 3 nhóm giải pháp cấp bách. Thứ nhất là, đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu đúng về lợi ích của tiêm chủng, xóa bỏ tâm lý e ngại vắc xin. Thứ hai, tăng tốc các chiến dịch tiêm vét, tiêm bù vắc xin sởi, ho gà cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Thứ ba, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại cộng đồng, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngành Giáo dục được đề nghị phối hợp tổ chức tiêm phòng tại các trường mầm non, mẫu giáo và theo dõi sát sức khỏe học sinh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh truyền thông tại cơ sở, nhất là khu vực khó tiếp cận thông tin. Trung tâm Y tế các huyện, đặc biệt là huyện Bù Đăng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, khu cách ly và nhân lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Theo TS Đỗ Thiện Hải (Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương), do dịch bệnh ở từng thời điểm khác nhau nên các giải pháp phòng, chống dịch cũng phải thay đổi phù hợp với thực tiễn. Việc chỉ định tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi nhằm phòng dịch bệnh hiệu quả và hoàn toàn an toàn.
“Với nhóm đối tượng này, mũi tiêm vắc xin sởi vẫn có miễn dịch nhưng không bền, chứ không phải không tiêm được vắc xin sởi trong độ tuổi này. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn đang triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mũi tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi là mũi chống dịch, sau đó trẻ vẫn phải được tiêm thêm đủ các mũi sởi tiếp theo”, TS Hải nói.
Đặc biệt, trẻ bị phơi nhiễm sởi trong vòng 3 ngày vẫn tiêm được vắc xin sởi vì vẫn hiệu quả trong phòng bệnh diễn biến nặng, kháng thể của vắc xin vẫn có hiệu quả từ 60 - 70% sau 2 tuần, TS Hải cho hay.
Chuyên gia y tế này cũng lưu ý các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc sởi ở nhà, cần quan tâm về chế độ ăn, dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ. Đồng thời, chú ý trẻ dưới 1 - 2 tuổi, nhất là có bệnh nền, luôn có nguy cơ diễn biến nặng. Các biến chứng dễ nhận biết cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế như: sốt cao liên tục, bỏ ăn, mệt mỏi, li bì, khó thở…
Khi phát hiện trẻ mắc sởi, phụ huynh cần phải cho trẻ nghỉ học, để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp. Đồng thời, gia đình thông báo ngay cho nhà trường để phối hợp xử lý.
Quốc Toàn
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/dich-soi-va-ho-ga-dong-loat-tai-bung-phat-o-dong-nam-bo-post543833.html