Dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp

Dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
7 giờ trướcBài gốc
Trước đó, ngày 14-7, Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Trung ương II đã có kết quả xét nghiệm, xác nhận 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ các hộ ở phường Quảng Phú đều dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả, phường Quảng Phú khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và rắc vôi bột xung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Phường cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tái đàn trong thời gian tới để bảo đảm an toàn. Đồng thời, chính quyền địa phương đã phối hợp vận động, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo mắc bệnh còn lại của hộ bà Nguyễn Thị Đào và ông Nguyễn Thế Chánh tại khối phố Ngọc Mỹ, với tổng số 28 con, trọng lượng hơn 643 kg.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi tiêu hủy heo bệnh. Ảnh: TỬ TRỰC
Không chỉ Đà Nẵng, dịch tả heo châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 15-7, dịch đã xuất hiện tại 184 cơ sở chăn nuôi, thuộc 78 thôn ở 15 xã, phường. Tổng cộng gần 1.300 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.
Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết trước tình hình dịch lan nhanh và khó lường, chi cục đã phân công lãnh đạo, công chức chuyên môn phối hợp cùng các địa phương kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch.
Đơn vị đã cấp tạm ứng 500 lít hóa chất để các địa phương khẩn trương triển khai tiêu độc, khử trùng. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiêu hủy heo bệnh triệt để, tỉnh sẽ tăng cường vệ sinh môi trường, quản lý chặt việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, kiểm tra hoạt động vứt xác heo ra môi trường, bố trí các khu vực tiêu hủy bảo đảm cách xa khu dân cư, nguồn nước để tránh gây ô nhiễm. Riêng tại các xã chưa xuất hiện dịch, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng phó khi cần thiết.
Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng hàng loạt xác heo vứt bừa bãi, trôi nổi trên tuyến kênh Văn Phong qua các xã Bình Hiệp và Bình An đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng vớt xác heo, xử lý đúng quy định về môi trường, đồng thời yêu cầu các địa phương lân cận tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn người dân tiếp tục vứt xác động vật ra sông, suối. Mặc dù nguyên nhân heo chết chưa được xác định rõ là do dịch tả heo châu Phi hay bệnh khác, ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động cấp hóa chất khử trùng diện rộng, lấy mẫu kiểm tra, tầm soát virus để phòng ngừa.
Ông Lê Hà An, Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, cho biết chính quyền đã huy động thanh niên, dân quân tự vệ, công an thu gom, xử lý ô nhiễm; đồng thời lập các tổ tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân, trang trại để vận động không vứt xác heo ra sông, suối.
Tại phường Bồng Sơn, ông Trương Nam Phong, Chủ tịch UBND phường, cho biết từ đầu tháng 7 đã liên tục huy động lực lượng thu gom xác heo, đến nay cơ bản đã xử lý xong các điểm ô nhiễm. Trước diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đang nỗ lực kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch tiềm tàng, đồng thời hướng dẫn người dân cách xử lý heo chết đúng quy định để không gây ô nhiễm môi trường.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân nếu phát hiện gia súc chết cần thông báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để được xử lý đúng quy trình. Việc tự ý vứt xác động vật ra môi trường không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
Trần Thường - Đức Anh - Tử Trực
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dich-ta-heo-chau-phi-van-dien-bien-phuc-tap-196250716212624813.htm