Dịch tả lợn châu Phi bùng phát: Vì sao vaccine tốt mà không tiêm?

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát: Vì sao vaccine tốt mà không tiêm?
một ngày trướcBài gốc
Ngành chăn nuôi lao đao vì dịch bệnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng cho ngành chăn nuôi trong năm 2025 phải đạt mức tăng từ 5,7 đến 5,98%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành chăn nuôi và thú y vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5,3%. Bên cạnh những tín hiệu tích cực theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Tiêm phòng vaccine là giải pháp hiệu quả để phòng, chống dịch. Ảnh: Chu Khôi
Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, từ đầu năm đến ngày 22/7, có 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, hơn 42.000 con lợn mắc bệnh, hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy. Hiện còn 256 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 26 tỉnh. Ông Minh nhận định, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50-60 con/ ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, nguyên nhân chủ yếu do chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, không bảo đảm an toàn sinh học. Đáng chú ý, theo ông Minh, mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vaccine của Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy lợn, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng. Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở còn mỏng, nhiều xã không có cán bộ thú y, ảnh hưởng đến công tác giám sát, xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, trong đó có tới 18.102 cơ sở (chiếm 73%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Vẫn còn tâm lý chủ quan, trông chờ
Đề cập đến dịch bệnh đe dọa ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo ông Tiến, hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Vừa qua, mưa lũ làm tình hình thêm nghiêm trọng. Xác lợn nổi trên kênh nước, nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đều xuất hiện ổ dịch.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện Việt Nam đã sản xuất thành công 3 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi với tổng cộng gần 8 triệu liều cung ứng ra thị trường, tỷ lệ chết sau tiêm cực thấp, hiệu lực bảo hộ cao, giúp nhiều địa phương kiểm soát ổn định dịch bệnh. Giá vaccine chỉ khoảng 62.000 - 63.000 đồng/lọ, tương đương giá 1 kg lợn hơi. Dẫn chứng, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 đã có 1.047.097 con lợn được tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại 45 tỉnh, thành phố. Số lợn bị chết sau khi tiêm phòng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,1% (988 con lợn). Nguyên nhân là phần lớn số lợn này đã nhiễm vi rút thực địa từ trước hoặc sức đề kháng bị suy giảm.
“Kết quả sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của các địa phương thời gian qua cho thấy vaccine có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh, nhờ đó đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn và tăng tái đàn, cung ứng sản phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng” - ông Minh nhấn mạnh.
Thực tế nhiều người chăn nuôi vẫn chưa tiếp cận hoặc chưa sẵn sàng tiêm phòng cho đàn lợn. Một phần do tâm lý chủ quan, e ngại chi phí, một phần do chưa có sự hỗ trợ, hướng dẫn đồng bộ từ cơ sở. Trong khi đó, các ổ dịch mới vẫn tái xuất hiện, nhất là sau mưa lũ, gây nguy cơ lây lan diện rộng.
Đề cập vấn đề sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm từng cấp: Vì sao vaccine tốt mà người dân không tiêm? Vaccine giờ là "lá chắn thép", giá 62.000 - 63.000 đồng/lọ mà vẫn khó tiếp cận được với người chăn nuôi lợn. “Chúng ta cần phân tích, giải quyết căn cơ. Nếu không giải quyết dứt điểm dịch tả châu Phi, khó đạt mục tiêu 70 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 4%; chăn nuôi tăng 5,75%” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-vi-sao-vaccine-tot-ma-khong-tiem-10311214.html