Sau khi có thông tin các ổ dịch mới xuất hiện, ngành nông nghiệp và môi trường của tỉnh Quảng Trị đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các xã, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tham gia phòng chống dịch cùng các địa phương; đồng thời cấp gần 2.500 lít VIA-IODINE cho các địa phương tiêu độc khử trùng vùng dịch và vùng nguy cơ; tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn. Thành lập đội phản ứng nhanh tại các ổ dịch để tiêu hủy lợn, khử trùng. Một số xã lập chốt kiểm soát dịch như Tuyên Hóa, Tân Gianh, Phong Nha, Lệ Ninh…
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình thực tế về dịch tả lợn châu Phi để chỉ đạo phòng chống dịch.
Tại xã Quảng Trạch, nơi đang là ổ dịch lớn nhất tỉnh, công tác dập dịch vẫn đang được triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết: Ngay khi phát hiện heo chết, xã đã khẩn trương công bố dịch, huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với người dân phòng chống. Xã có địa bàn rộng, gồm 13 thôn, khi nhiều thôn cùng phát sinh dịch, xã đã chia lực lượng ra vì không thể dồn về một nơi, tránh lây lan chéo.
Theo tìm hiểu tại Quảng Trị, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ, trại chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài, khó áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Việc vận chuyển, lưu thông con giống và sản phẩm động vật không được kiểm soát chặt chẽ giữa các vùng dịch và địa phương lân cận đã tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và lây lan tại địa phương. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Quảng Trị kêu gọi người dân không giấu dịch, không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, chấp hành nghiêm quy trình tiêu hủy, báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện bất thường.
Lực lượng Công an Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi từ chuồng trại đến giết mổ, mua bán để phòng chống dịch.
Khi có thông tin, phát hiện một số nơi có hiện tượng vứt xác heo chết ra suối, ao, hồ… làm ảnh hưởng đến môi trường và làm lây lan dịch bệnh. Công an tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các phòng ban liên quan và Công an các xã trên địa bàn phải lập tức vào cuộc. Một mặt lực lượng Công an Quảng Trị cùng với chính quyền địa phương và người dân thu gom heo chết mang đi tiêu hủy.
Đồng thời, Công an các xã lập các chốt trên các trục đường tại các nơi dịch tả lợn châu Phi diễn biễn phức tạp để kiểm tra, cấm đưa heo trong vùng dịch sang các địa bàn khác, tăng cường xử lý hành vi vứt xác động vật chết. Công an nhiều xã ở Quảng Trị ra văn bản tuyên truyền, nêu xử phạt từ 5 đến 6 triệu đồng nếu phát hiện trường hợp vứt xác heo chết ra môi trường.
Công an các xã ở Quảng Trị nơi có các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã lập các chốt để phòng chống dịch.
Tại xã Lệ Ninh, xã Phong Nha, xã Đông Trạch… Công an các xã đã phối hợp với chính quyền địa phương lập các chốt kiểm soát, tuần tra liên tục trên các tuyến đường nông thôn, nơi từng xuất hiện tình trạng vứt xác heo chết ra môi trường. Theo Công an các xã, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, đã phát hiện một số trường hợp vứt heo chết ra khu vực vắng vẻ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau khi lực lượng Công an vào cuộc, tình trạng này đã giảm và chấm dứt hẳn.
Tại các chốt, lực lượng Công an xã phối hợp với các lực lượng liên quan chốt chặn 24/24h để thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống dịch.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở ngành, xã, phường, đặc khu tăng cường phòng chống dịch, kiểm soát dịch tái phát. Chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng dịch, duy trì trực 24/24 tại địa bàn có ổ dịch, xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Tổ chức bố trí nhân viên thú y nhằm bảo đảm lực lượng có chuyên môn ở cơ sở thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Quản lý hộ kinh doanh động vật, cam kết không vận chuyển lợn chưa kiểm dịch, tổ chức tiêu độc định kỳ bằng hóa chất.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND các xã, phường, đặc khu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; triển khai các đội phản ứng nhanh để rà soát từng hộ, từng chuồng nuôi và là lực lượng trực tiếp tiêu hủy nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Quảng Trị giao sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh chỉ đạo kiểm tra xử lý ổ dịch đúng quy định, hướng dẫn tiêu hủy đúng quy trình, không gây ô nhiễm. Tăng cường cán bộ hỗ trợ địa phương, kiểm tra tình hình tái đàn, không để tái đàn tràn lan khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Kiểm tra công tác phòng dịch tại cơ sở, chấn chỉnh nơi báo cáo chậm, chủ quan, lơ là. Các sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan của tỉnh phối hợp triển khai biện pháp phòng chống dịch. Kiểm soát vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ trái phép, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới.
Cơ quan chức năng ở Quảng Trị tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch bệnh để đảm bảo môi trường và tránh lây lan dịch.
Được biết, ổ dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Quảng Trị được phát hiện vào ngày 15/5/2025 tại xã Kim Phú, sau đó lan rộng ra các xã như Quảng Trạch, Tân Gianh, Tân Thành... Tính đến 25/7, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 16 xã có dịch với 4.626 con lợn buộc tiêu hủy, tổng trọng lượng 272.681,6 kg. Đến nay, xã Kim Phú đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới; còn lại 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày, tập trung tại các xã: Tân Thành, Phong Nha, Quảng Trạch, Tân Gianh, Đồng Lê, Tuyên Sơn, Tuyên Lâm, Trung Thuần, Cồn Tiên, Hòa Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Dân Hóa, Nam Gianh, Nam Ba Đồn.
Sông Lam