Chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, không dịch bệnh.
Ngày 23/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị “Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật”. Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021–2025. Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) hai chỉ tiêu rất quan trọng: Tăng trưởng đạt 4% và xuất khẩu đạt 64–65 tỷ USD, phấn đấu 70 tỷ USD. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông lâm ngư nghiệp, nên đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành.
NGÀNH CHĂN NUÔI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN
Báo cáo về ngành chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng cho ngành chăn nuôi trong năm 2025 phải đạt mức tăng từ 5,7 đến 5,98%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành chăn nuôi và thú y vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5,3%. Với mức tăng trưởng này, đã vượt kịch bản Cục đề ra (5,28%), nhờ sự bứt phá trong quý 2 (tăng 5,55%), tạo đà hoàn thành mục tiêu cả năm.
Việc hợp nhất hai Cục Chăn nuôi và Thú y trong thời gian vừa qua được ông Thắng gọi là "một bước đi lịch sử". Đến nay, Cục mới có 24 đầu mối, gồm 11 phòng, 7 chi cục và 6 trung tâm. Từ ngày 1/7, toàn bộ 7 chi cục vùng và hai trung tâm chẩn đoán trung ương đã vận hành theo cơ chế mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Dương Tất Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: Chu Khôi.
Về tình hình dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết năm 2024 thế giới ghi nhận 9.255 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 44 quốc gia, với hơn 3,3 triệu con lợn mắc bệnh, hơn 390.000 con bị chết, tiêu hủy. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có hơn 5.800 ổ dịch tại 22 quốc gia, tiêu hủy hơn 194.800 con lợn.
Tại Việt Nam, năm 2024 ghi nhận 1.609 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 48 tỉnh, làm chết và tiêu hủy 89.580 con lợn. Từ đầu năm đến 22/7/2025, có 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, hơn 42.000 con lợn mắc bệnh, hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy. Hiện còn 256 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 26 tỉnh. Tuy vậy, so với cùng kỳ 2024, số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy đã giảm hơn 34%.
Ông Minh nhận định bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chủ yếu tái phát tại các ổ dịch cũ, phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Nguy cơ dịch bùng phát và lây lan vẫn cao, do: chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến, không đảm bảo an toàn sinh học; người nuôi chủ quan, chưa tiêm phòng dù đã có vaccine. Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng giấu dịch, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác ra môi trường. Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở còn mỏng, nhiều xã không có cán bộ thú y, ảnh hưởng đến công tác giám sát, xử lý ổ dịch.
Ông Phùng Đức Tiến: "Hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp". Ảnh: Chu Khôi.
Đề cập đến dịch bệnh đe dọa ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Sau dịch tả lợn châu Phi, quy mô chăn nuôi trang trại tăng, nhưng hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 50% (trước đây là 70%). Cách đây vài năm, dịch tả lợn châu Phi từng gây thiệt hại 30.000 tỷ đồng, Chính phủ phải hỗ trợ hơn 3.200 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Vừa qua, mưa lũ làm tình hình thêm nghiêm trọng. Xác lợn nổi trên kênh nước, xâm nhập vào nhà máy nước sạch ở Nghệ An; nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đều xuất hiện ổ dịch. Thực tế đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ, Cục, Chi cục vùng, Chi cục tỉnh.
VÌ SAO VACCINE TỐT MÀ NGƯỜI DÂN KHÔNG TIÊM CHO LỢN?
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện Việt Nam có 3 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi được cấp phép: NAVET-ASFVAC (Navetco), AVAC ASF LIVE (AVAC Việt Nam), và Dacovac-ASF2 (Dacovet). Đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 7,8 triệu liều, trong đó Navetco sản xuất 2,5 triệu liều (xuất khẩu 7.000 liều), AVAC sản xuất trên 4,4 triệu liều (xuất khẩu 516.000 liều). Từ năm 2023 đến 2025, 45 tỉnh đã tiêm vaccine cho hàng triệu con lợn, tỷ lệ chết sau tiêm rất thấp, chỉ 0,1%. Các kết quả cho thấy vaccine có hiệu lực cao, giúp kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng đàn.
Chia sẻ tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam, cho hay từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2025, 64 quốc gia đã báo cáo sự xuất hiện của virus dịch tả lợn châu Phi (ASF), chủ yếu là genotype II. Tại Việt Nam, chủng virus lưu hành chính cũng là genotype II, nhưng từ cuối năm 2023, đã xuất hiện chủng tái tổ hợp giữa genotype I và II (GI/II).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chu Khôi.
Theo ông Điệp, vaccine AVAC ASF Live, được phát triển bởi Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, đã được lưu hành từ tháng 7 năm 2022. Vaccine này có dạng bào chế đông khô, với các đặc tính nổi bật: An toàn cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; Khả năng bài thải virus và truyền ngang thấp; Tạo miễn dịch bảo vệ cao sau 4 tuần, với tỷ lệ bảo hộ trên 80% đối với virus genotype II; Thời gian bảo hộ lên đến 5 tháng mà không ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của lợn.
Tính đến tháng 7/2025, đã có 4,1 triệu liều vaccine AVAC ASF Live được xuất ra thị trường, trong đó khoảng 3,5 triệu liều được tiêu thụ nội địa. Vaccine đã được tiêm đại trà tại nhiều tỉnh, giúp giảm thiểu đáng kể số ca nhiễm và thiệt hại do dịch bệnh.
“Vaccine được coi là giải pháp chủ động và hiệu quả nhất trong việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Việc tiêm phòng không chỉ giúp giảm nguy cơ bùng phát dịch mà còn giảm thiệt hại khi dịch xảy ra và ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển động vật”, ông Điệp nêu rõ.
Đề cập vấn đề sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm từng cấp: Vì sao vaccine tốt mà người dân không tiêm? Vaccine là niềm tự hào của Việt Nam, cả thế giới không làm được thì ta làm được. Vaccine giờ là "lá chắn thép", giá còn 62.000 – 63.000 đồng/lọ mà vẫn khó tiếp cận được với người chăn nuôi lợn.
“Hiện giá thịt lợn hơi cao, bán ra hơn 62.000 đồng/kg mà vẫn than lỗ, không tiêm phòng? Vậy ta cần phân tích, giải quyết căn cơ. Trách nhiệm là của chúng ta. Nếu không giải quyết dứt điểm dịch tả châu Phi, khó đạt mục tiêu 70 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 4%; chăn nuôi tăng 5,75%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Thứ trưởng nhấn mạnh.
“Nhập hai Bộ lại, khối lượng công việc không giảm mà tăng gấp đôi. Công tác giết mổ hiện do công an, quản lý thị trường phát hiện vi phạm là chính, không thấy thú y đâu. Cần rà soát lại vai trò, trách nhiệm các cấp ngành. Có Quyết định 44 về hệ thống thú y, chi cục thú y vùng đã rõ nhiệm vụ. Vậy các đơn vị đang ở đâu? Khó khăn ở đâu?".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng khi bộ máy đã kiện toàn không thể tiếp tục tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, mà phải rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm, từ nghị định, thông tư đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, ngành phải chủ động nắm bắt thực trạng, tham mưu kịp thời, không để tình trạng “địa phương mặc kệ”, gây thiệt hại cho nông dân.
Đề cập đến công tác quản lý vaccine, thuốc thú y, Thứ trưởng yêu cầu xây dựng thể chế đủ mạnh và nguồn lực tài chính vững chắc để ngăn chặn thuốc giả, vaccine kém chất lượng. Đồng thời, ông nhấn mạnh xúc tiến thương mại cần đi vào thực chất, tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.
Chu Khôi