Ngoài dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, ngành y tế Hà Nội đang khẩn trương phòng chống dịch tay chân miệng khi còn 9 ổ dịch đang hoạt động. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi, với các triệu chứng như: sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối,...
Một bệnh nhi tên Tùng, 5 tuổi, ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1 khi gia đình đưa đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương. Quá trình điều trị tại nhà, cán bộ y tế xã Liên Hiệp đã giám sát, quản lý, tư vấn và hướng dẫn gia đình cách phòng bệnh tránh lây lan.
Chị Nguyễn Thị Lai, mẹ bệnh nhân nhi, chia sẻ: "Nhận được sự quan tâm của trạm y tế và uống thuốc ngoài bệnh viện nhi, đến hôm nay cháu gần như đã khỏi, các anh chị cháu cùng nhà không bị lây, rất biết ơn các bác sĩ".
Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 976 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 18 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 9 ổ dịch đang hoạt động tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Ba Vì, Hoài Đức, Hà Đông, Phúc Thọ. Trước tình hình này, Sở y tế chủ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Song song với đó, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, điều tra và xử lý ca bệnh theo quy định. Các nhà trường học thực hiện biện pháp phòng bệnh tay chân miệng như lồng ghép vào các giờ học, vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi,…
Cô giáo Nguyễn Thị Hải - Hiệu trưởng Trường mầm non Tích Giang, huyện Phúc Thọ cho biết: “Chúng tôi đã làm tốt công tác chỉ đạo các giáo viên, nhân viên; làm tốt công tác vệ sinh môi trường hàng ngày, đặc biệt là môi trường trong và ngoài lớp học luôn được đảm bảo sạch sẽ, cũng như vệ sinh môi trường trong lớp, đồ dùng, đồ chơi”.
Bác sĩ CKI Đinh Xuân Hanh - Trưởng Phòng Y tế huyện Phúc Thọ cho biết: “Đối với huyện, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo HDND, UBND huyện chỉ đạo các ngành từ xã đến thôn, cụm dân cư tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh, các cơ quan chuyên môn được chỉ đạo tiến hành điều tra tiến hành khử khuẩn”.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV AIDS, Trung Tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Trên địa bàn quận có 37 ca tay chân miệng, khi nhận được thông tin có ca bệnh, trung tâm có 2 đội đáp ứng nhanh xuống điều tra giám sát, phát hiện và đã xử lý kịp thời".
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Đa số bệnh tay chân miệng thường ở thể nhẹ song bệnh cũng có thể diễn biến nặng chỉ sau vài giờ. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức người dân trong phòng bệnh tay chân miệng là rất cần thiết.
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dich-tay-chan-mieng-de-bung-phat-khi-giao-mua-323163.htm