Trong năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã tích cực tham gia đấu thầu quốc tế và trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn.
Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HoSE). Tại cuộc họp, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết doanh thu năm 2024 của công ty ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, lãi ròng dự kiến giảm tới 14%, ước đạt 1.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với kế hoạch kinh doanh cả năm đã đề ra, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ước tính vượt 55% mục tiêu doanh thu và 28% mục tiêu lãi cả năm nay.
Trong đó, mảng dịch vụ cơ khí dầu khí có doanh thu đi ngang so với năm 2023. Trong khi đó, các mảng khác đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo ngoài khơi với doanh thu tăng 32% so với năm trước, theo ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Về kế hoạch phát triển trong năm 2025, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đặt mục tiêu doanh thu đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 40% so với kế hoạch kinh doanh năm 2024, và tiếp tục tăng cường đầu tư và dự kiến lợi nhuận của công ty sẽ duy trì ở mức ổn định.
Hiện nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động kinh doanh, tập trung vào mảng năng lượng tái tạo ngoài khơi với các dự án điện gió.
Năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã tích cực tham gia đấu thầu quốc tế và trúng thầu dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) tại Đài Loan. Dự án này có tổng công suất 920 MW, là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ chế tạo và cung cấp 33 chân đế tại trang trại điện gió ngoài khơi CHW2204 cho Tập đoàn Orsted (Đan Mạch).
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Bên cạnh đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng trúng vị trí tổng thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo cho 04 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) có công suất 375 MW mỗi trạm và 04 hệ thống khung hỗ trợ cho dự án Baltica 2 OWF. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới nằm tại khu vực biển Baltic (Ba Lan).
Liên quan đến việc phát triển mảng năng lượng tái tạo ngoài khơi, vào đầu tháng 12, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tạo điều kiện để công ty phát triển dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu sang Singapore. Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí định hướng đây sẽ là dự án thí điểm, đặt trọng tâm hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, tính đến cuối quý 3/2024, công ty đã ký được hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ USD đến từ điện gió ngoài khơi và 1 tỷ USD đến từ Lô B.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một số hãng chứng khoán nhận định hoạt động kinh doanh của công ty sẽ tăng trưởng tích cực nhờ loạt dự án dầu khí lớn đang triển khai như dự án Lạc Đà Vàng; dự án Nam Du - U Minh; chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn...
Duy Quang