Điểm chuẩn đại học có thể giảm, sắp xếp nguyện vọng ra sao cho chắc suất?

Điểm chuẩn đại học có thể giảm, sắp xếp nguyện vọng ra sao cho chắc suất?
5 giờ trướcBài gốc
Ngành hot vẫn giữ phong độ, ngành khác giảm sâu
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã khép lại với hơn 1,16 triệu thí sinh tham dự. Theo kế hoạch, điểm thi sẽ được công bố vào ngày 16/7, mở đầu cho giai đoạn điều chỉnh và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.
Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố đáp án chính thức, học sinh đã có thể ước tính điểm thi tốt nghiệp THPT để chuẩn bị xét tuyển đại học. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia và cơ sở đào tạo đại học, việc dự đoán điểm chuẩn năm nay trở nên khó khăn hơn so với các năm trước.
Dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ giảm so với năm trước, nhưng mức độ giảm sẽ khác nhau tùy theo từng ngành và nhóm trường.
Theo phân tích của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, phổ điểm năm nay có sự phân hóa rõ rệt, dẫn đến dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ giảm so với năm trước, nhưng mức độ giảm sẽ khác nhau tùy theo từng ngành và nhóm trường.
Dự kiến, phổ điểm sẽ tập trung ở mức 6,5 - 7 điểm, mức trung bình chung có thể thấp hơn những năm trước, vào khoảng 6 - 6,5 điểm. Đặc biệt, với các môn có tính phân hóa mạnh như Toán và tiếng Anh, điểm thi có thể giảm từ 0,5 - 1,5 điểm. Điều này tác động trực tiếp đến điểm chuẩn của các tổ hợp có liên quan.
Về dự báo điểm chuẩn, TS. Trần Thành Nam cho rằng một số ngành không thuộc nhóm cạnh tranh cao có thể giảm nhẹ từ 0,5 - 1 điểm. Trong khi đó, các ngành “hot”, top đầu hoặc có đông thí sinh đăng ký sẽ ít biến động, thậm chí giữ nguyên mức điểm như năm ngoái. Các trường thuộc nhóm giữa - không thuộc top đầu cũng không quá thấp, có thể ghi nhận mức giảm từ 1 - 1,5 điểm tùy ngành. Riêng các ngành ít cạnh tranh hoặc thuộc nhóm dưới, do điểm đầu vào vốn đã thấp nên mức giảm sẽ xoay quanh 0,75 - 1 điểm.
Điểm chuẩn cũng chịu ảnh hưởng từ tổ hợp xét tuyển: những tổ hợp có môn Toán, tiếng Anh vốn được đánh giá là khó sẽ có xu hướng giảm mạnh hơn. Các ngành như Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Marketing, đặc biệt ở các trường chưa thuộc nhóm đầu có thể giảm khoảng 0,75 điểm. Khối ngành công nghệ, kỹ thuật, công nghệ thông tin sẽ dao động theo từng nhóm trường: top cao, trung bình hay thấp. Ngành khoa học xã hội được dự báo giảm sâu hơn do thay đổi định hướng xét tuyển và một số biến động trong tuyển sinh.
Một giảng viên đại học phân tích thêm, các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, không phân chỉ tiêu cho từng phương thức và không còn xét tuyển sớm. Ngoài ra, cách quy đổi IELTS sang điểm xét tuyển năm nay cũng gây tranh cãi. Ví dụ, mức 6.5 IELTS có thể tương đương 10 điểm tiếng Anh, thậm chí được cộng thêm điểm thưởng ở một số trường. Trong khi đó, với đề thi tiếng Anh năm nay, học sinh có trình độ tương đương 6.5 chưa chắc đạt 8 điểm. Vì thế, dự báo điểm chuẩn sẽ giảm khoảng 1 - 2 điểm so với năm trước, đặc biệt ở các khối có môn Văn và tiếng Anh.
Đồng quan điểm, nhiều cơ sở giáo dục đại học khác cũng ghi nhận biến động điểm chuẩn. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, học viện sẽ có dải điểm chuẩn trải rộng từ 22 đến 28 điểm (thang 30), thay vì tập trung cao như năm trước (26,03 - 26,85). Một số ngành có thể giảm 3 - 4 điểm so với năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) nhận định điểm chuẩn năm nay có thể xét từ 16 -21 điểm ở một số ngành, phổ điểm dao động phổ biến từ 18 - 22 điểm ở tổ hợp A00, B00, D01.
Điểm số không phải tất cả, cần chiến thuật xét tuyển thông minh
Từ ngày 16/7 đến 28/7, thí sinh sẽ được đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Các trường sẽ công bố thông tin đầy đủ theo quy định để đảm bảo dữ liệu chính xác cho thí sinh.
Trong bối cảnh điểm chuẩn có xu hướng biến động và các phương thức xét tuyển đa dạng, việc sắp xếp nguyện vọng hợp lý trở thành yếu tố quyết định với mỗi thí sinh.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với nhiều đổi mới trong ra đề và xét tuyển. Một số trường đại học đã điều chỉnh phương án xét tuyển nhằm thích ứng với mặt bằng điểm mới.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng 95 - 99% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tổng hợp, tính theo thang điểm 100. Thí sinh chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên, không yêu cầu điểm tối thiểu cho từng thành phần học lực. Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) xét tuyển thí sinh đạt từ 700 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực hoặc từ 22,5 điểm thi tốt nghiệp THPT (riêng ngành thiết kế vi mạch yêu cầu Toán từ 8 điểm).
“Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, các em cần được hỗ trợ để có những quyết định đúng đắn, phù hợp với năng lực và xu hướng phát triển. Thí sinh cần xác định rõ định hướng nghề nghiệp, thay vì chỉ chọn nguyện vọng dựa vào điểm số”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.
Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc chia sẻ cho thí sinh những nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả khi sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học: Khi đã xác định được các ngành phù hợp với năng lực và sở thích, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn những năm trước và lựa chọn các ngành có mức điểm dao động quanh điểm xét tuyển của mình, khoảng từ ±1 đến 3 điểm. Các nguyện vọng nên được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Nguyện vọng đầu tiên có thể là những ngành mơ ước dù cơ hội trúng tuyển không cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là những nguyện vọng cuối cùng phải đảm bảo hai tiêu chí: Thứ nhất, đó phải là ngành học mà thí sinh thực sự có thể chấp nhận và sẵn sàng theo học nếu trúng tuyển. Thứ hai, đó phải là lựa chọn an toàn, tức khả năng trượt gần như không có.
“Sắp xếp hợp lý sẽ giúp thí sinh vừa nuôi dưỡng ước mơ, vừa đảm bảo chắc chắn có cơ hội bước vào giảng đường”- thầy Ngọc nhấn mạnh.
Từ thực tiễn tuyển sinh, các chuyên gia cũng cho rằng thí sinh nên có chiến lược sắp xếp linh hoạt, đảm bảo đủ các mức an toàn, phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và xu hướng thị trường lao động.
Trước những lo ngại về đề thi khó, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT sẽ song hành với các trường để đảm bảo quy trình xét tuyển công bằng, minh bạch, kể cả trong việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ hay quy đổi điểm xét tuyển. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là sự chủ động và chiến lược rõ ràng của thí sinh trong việc sắp xếp nguyện vọng. Cơ hội không nằm ở đề dễ hay khó, mà ở cách lựa chọn và điều chỉnh phù hợp với năng lực và xu hướng thị trường.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/diem-chuan-dai-hoc-co-the-giam-sap-xep-nguyen-vong-ra-sao-cho-chac-suat-post1213984.vov