Với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động chất lượng và chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đến đầu tư, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Công ty Honda Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các địa phương, đối tác, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả. Đến hết 15/3, trên địa bàn tỉnh có 477 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 8,5 tỷ USD, trong đó, Nhật Bản có 62 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1,88 tỷ USD (đứng thứ 2 về vốn trong 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh), nhưng giá trị và hiệu quả kinh tế mà các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp cho ngân sách đứng thứ nhất tại tỉnh.
Các dự án đầu tư sản xuất của Nhật Bản tại tỉnh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy với các doanh nghiệp tiêu biểu như Toyota, Honda, Sumitomo, Hitachi Astemo, Sojitz….
Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, những năm qua, tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; thành lập Bộ phận Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc; thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền; thành lập Tổ công tác giữa tỉnh và Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất; tăng cường nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình tìm hiểu và đầu tư kinh doanh tại tỉnh; cập nhật, chia sẻ thông tin xúc tiến đầu tư Nhật Bản trên trang thông tin xúc tiến đầu tư của tỉnh; hỗ trợ các đối tác của Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và Tập đoàn Vinamilk nghiên cứu và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác với 2 địa phương của Nhật Bản là tỉnh Akita và tỉnh Tochigi.
Ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều thế mạnh trong thu hút đầu tư và có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng; đẩy mạnh cải cách hành chính; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Công ty Honda Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái với tổng công suất 8MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới quốc gia. Ảnh: Thế Hùng
Nhờ vậy, hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản đều thành công và liên tục mở rộng quy mô sản xuất, có đóng góp lớn cho phát triển KT-XH, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Ông Masayoshi Fujimoto, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của tỉnh trong quá trình tập đoàn triển khai dự án tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo. Đến nay, Nhà máy chế biến thịt bò với công suất 30 nghìn con/năm, tương đương sản lượng 10 nghìn tấn thịt/năm được đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến của châu Âu và kỹ thuật chế biến thịt của Nhật Bản, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn cao của thế giới.
Cùng với đó, hệ thống băng chuyền và đóng gói thông minh tại nhà máy giảm thiểu tiếp xúc tay người, giữ nguyên nhiệt độ và độ tươi ngon của thịt. Thịt bò được xử lý và bảo quản ở nhiệt độ 0 - 4 độ C trong suốt quá trình sản xuất và phân phối, giúp duy trì chất lượng dinh dưỡng và hương vị, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường lớn như Nhật Bản, EU. Qua đó tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng đi mới, nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo yếu tố bền vững.
Với phương châm “Doanh nghiệp thịnh vượng thì Vĩnh Phúc phát triển", tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hiệu quả hơn tại tỉnh; tiếp tục triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng các chương trình hợp tác hữu nghị, ngoại giao nhân dân với các địa phương của Nhật Bản, góp phần vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Mai Liên