Điểm hay từ hòm thư 'Kết nối hậu phương, xây dựng tình yêu thương đồng đội'

Điểm hay từ hòm thư 'Kết nối hậu phương, xây dựng tình yêu thương đồng đội'
5 giờ trướcBài gốc
Một ngày đầu tháng 10, cuối giờ thứ tám, tôi có dịp cùng tổ công tác của Trung đoàn 2 kiểm tra hoạt động mô hình hòm thư “Kết nối hậu phương-xây dựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội”.
Thiếu tá Trần Văn Thông, Phó chủ nhiệm chính trị giới thiệu: “Mô hình này hoạt động tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị của gia đình quân nhân; mọi gia đình quân nhân công khai phản ánh ý kiến, nguyện vọng với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; việc tiếp nhận, xử lý và công bố kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị được công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) mở hòm thư “Kết nối hậu phương-xây dựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội”.
Được biết, Trung đoàn giao cho cơ quan chính trị trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động này. Định kỳ, vào 9 giờ sáng ngày Chủ nhật hằng tuần, khi thân nhân chiến sĩ lên thăm con em mình, sẽ vào đăng ký đón tiếp khách tại phòng trực ban nội vụ. Tại đây, đại diện mỗi gia đình quân nhân nhận được một phiếu xin ý kiến dân chủ. Trong quá trình thăm con em mình, thân nhân nắm được thông tin gì thì phản ánh trong phiếu, trước khi ra về thì bỏ phiếu vào hòm thư. 18 giờ cùng ngày, bộ phận chuyên trách (gồm thủ trưởng cơ quan chính trị, trợ lý dân vận, trực ban nội vụ đơn vị) tiến hành mở hòm thư. Khi tiếp nhận thư phản ánh, bộ phận chuyên trách tổng hợp thành biên bản báo cáo chỉ huy đơn vị. Đây là một trong những căn cứ để Trung đoàn nắm, dự báo một cách toàn diện sâu sắc về diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của bộ đội cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có biện pháp xử lý kịp thời, chính xác.
Hòm thư được mở ra, chúng tôi cùng xem những ý kiến, tâm tình, kiến nghị được gói gọn trong trang giấy. Có rất nhiều ý kiến thắc mắc cần giải đáp của các thân nhân chiến sĩ, như: Mối quan hệ của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị; chế độ phép, tranh thủ; chính sách hậu phương quân đội, bảo hiểm y tế của thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ; chế độ, tiêu chuẩn bảo đảm đời sống, vật chất, tinh thần; quy định đối với gia đình khi lên thăm quân nhân… Tôi thật sự ấn tượng với những dòng sẻ chia chân tình của chị Phạm Thị Nhã, quê ở xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Chị viết: “Mấy lần lên thăm con trai, đến cổng doanh trại, tôi thấy các đồng chí chiến sĩ vệ binh tuổi đời còn trẻ, song rất chững chạc, trang phục chỉnh tề, đứng gác trong tư thế nghiêm túc nhưng vẫn niềm nở, tận tình, chu đáo, đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai”.
Trung tá Bùi Anh Minh, Chính ủy Trung đoàn 2 (tác giả của mô hình hòm thư “Kết nối hậu phương-xây dựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội”) cho biết: “Những năm qua, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp, mô hình mới, sáng tạo như: “Nhóm Zalo- Đồng hành cùng chiến sĩ”; "Tổ 3 người cùng tiến”; “Lá thư từ Sư đoàn 3-Sao Vàng”, “Lớp học 3H”, “Chuyện ở đại đội”, các trang, nhóm Facebook “Bản tin Sao vàng”, “Đoàn An Lão anh hùng”... Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm, quản lý tư tưởng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của quân nhân đối với bản thân, gia đình và đồng chí đồng đội, Trung đoàn tổ chức thực hiện mô hình hòm thư “Kết nối hậu phương-xây dựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội” với mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị với gia đình, người thân trong quản lý, giáo dục quân nhân, nhất là trao đổi các thông tin, tiếp thu ý kiến phản ánh từ phía gia đình với đơn vị”.
Mô hình trên của Trung đoàn 2 mới đưa vào hoạt động nhưng đã có những phản hồi tích cực từ cấp ủy chính quyền địa phương và gia đình các quân nhân, là “cầu nối” gắn kết và để chỉ huy đơn vị lắng nghe ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, thậm chí những điều “khó nói” mà người dân, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ mong muốn gửi gắm, thiết thực trong giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội cũng như giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị.
Bài ảnh: HOÀNG HANH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-hay-tu-hom-thu-ket-noi-hau-phuong-xay-dung-tinh-yeu-thuong-dong-doi-797905