Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - Ảnh: WSJ.
Tại đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway vào cuối tuần vừa rồi, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett tuyên bố sẽ rời cương vị CEO. Khi không còn là người điều hành cao nhất của Berkshire, Buffett sẽ để lại một di sản đầu tư không ai sánh kịp.
Nhưng sự nghiệp đầu tư lừng lẫy của ông Buffett cũng có cả những vụ đầu tư thất bại. Buffett không bao giờ phủ nhận hay lảng tránh những thất bại này, và luôn coi đó là những bài học đắt giá.
Tờ báo Wall Street Journal đã điểm lại một số vụ đầu tư thành công và thất bại lớn nhất của Buffett:
THÀNH CÔNG: COCA-COLA
Khi Buffett lần đầu đầu tư vào công ty nước giải khát Coca-Cola vào năm 1988, ông đã nói với các cổ đông Berkshire rằng ông dự định sẽ nắm giữ cổ phiếu này trong một thời gian dài. “Khi chúng ta sở hữu những doanh nghiệp xuất sắc với đội ngũ quản lý xuất sắc, thì thời gian nắm giữ yêu thích của chúng ta là mãi mãi”, ông Buffett viết trong bức thư thường niên gửi cho các cổ đông vào năm đó.
Đúng như lời Buffett, gần 40 năm sau, Coca-Cola vẫn là một cổ phiếu trong danh mục của Berskhire. Đến cuối năm 2024, cổ phần của Berkshire trong Coca-Cola có trị giá khoảng 25 tỷ USD. Cổ tức của Coca-Cola, vốn đã tăng hàng năm trong nhiều thập kỷ, đã mang về cho Berkshire khoảng 770 triệu USD chỉ riêng trong năm 2024.
Trong suốt chặng đường, cổ phiếu này đã trở thành một điều có ý nghĩa lớn lao đối với Berkshire và các cổ đông của công ty, thay vì chỉ đơn thuần chỉ là một nguồn thu nhập ổn định. Ông Buffett là cổ đông lớn nhất của Coca-Cola, từng có thời thời là thành viên hội đồng quản trị hãng này, và luôn là một nhà tiếp thị sản phẩm cho hãng. Ông thường nói rằng mình uống 5 lon Cherry Coke mỗi ngày và sự tận tâm của ông đối với loại nước ngọt yêu thích này đã trở thành một phần trong câu chuyện hút hàng nghìn người hâm mộ đến Omaha để tham dự đại hội cổ đông hàng năm của Berkshire.
Khoản đầu tư của Berkshire vào Coca-Cola, cùng với các công ty khổng lồ khác như American Express và Apple, cũng cho thấy triết lý đầu tư của Buffett đã thay đổi ra sao từ những ngày đầu khi ông còn chuộng cổ phiếu giá rẻ. Chính Charlie Munger, cộng sự lâu năm của Buffett, đã thúc giục ông thay vào đó hãy xem xét các công ty chất lượng cao hơn với mức giá hợp lý.
THẤT BẠI: SALOMON BROTHERS
Berkshire đã mua cổ phiếu ưu tiên của Salomon Brothers vào năm 1987, khi ngân hàng đầu tư này vẫn là một trong những công ty lớn nhất Phố Wall. Tuy nhiên, vào năm 1991, một vụ bê bối đã bao trùm Salomon Brothers khi các nhà giao dịch của công ty bị cáo buộc gian lận trong một cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ. Buffett buộc phải vào cuộc dọn dẹp mớ hỗn độn, và vụ việc đã kết thúc khi công ty thương lượng để khép lại một loạt các cuộc điều tra của Chính phủ.
Salomon không bao giờ phục hồi hoàn toàn và vào năm 1997, công ty đã bán mình cho Travelers Group - công ty dịch vụ tài chính sau này trở thành Citigroup. Thỏa thuận đó đã giúp cứu vãn khoản đầu tư của Berkshire, nhưng những gì đã qua cũng đã gây ra những tổn thất không nhỏ. Trong những thập kỷ sau đó, Buffett và Munger - những người từng là thành viên hội đồng quản trị của Salomon - thường nói về vụ đầu tư này như một câu chuyện cảnh báo và lý do để cảnh giác với Phố Wall.
“Tôi có thể xử lý tin xấu nhưng tôi không muốn giải quyết sau khi tin xấu đã âm ỉ trong một thời gian”, Buffett đã viết trong bức thư gửi cho các cổ đông của Berkshire năm 2010. “Sự miễn cưỡng đối mặt ngay với tin xấu đã biến một vấn đề tại Salomon từ một sự cố có thể dễ dàng giải quyết thành một nguyên nhân gần như gây ra sự sụp đổ của một công ty có 8.000 nhân viên.”
THÀNH CÔNG: BYD
Buffett ghi nhận việc ông Munger đã phát hiện ra BYD - khi đó còn là một nhà sản xuất pin ít được biết đến ở Trung Quốc - và khuyến khích Berkshire mua 10% cổ phần của công ty vào năm 2008. Trong vòng 2 năm, khoản đầu tư 230 triệu USD đã được định giá gần 2 tỷ USD.
Cổ phiếu của BYD tiếp tục tăng - nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu ô tô điện - cho đến năm 2022. Đó là thời điểm Berkshire bắt đầu cắt giảm nắm giữ cổ phiếu của công ty này.
THẤT BẠI: USAIR
Berkshire đã chi 358 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi của hãng hàng không USAir vào năm 1989. Đến giữa những năm 1990, Buffett đã đánh tụt 75% giá trị khoản đầu tư này và đưa ra lời xin lỗi với cổ đông.
“Khi ông Richard Branson, người chủ sở hữu giàu có của hãng Virgin Atlantic Airways, được hỏi làm thế nào để trở thành triệu phú, ông đã trả lời nhanh chóng: ‘Thực sự không có gì đặc biệt cả. Hãy bắt đầu với tư cách là một tỷ phú và sau đó mua một hãng hàng không’”, ông Buffett viết trong bức thư gửi các cổ đông năm 1996. “Không muốn tin vào những lời này của Branson, Chủ tịch của các bạn đã quyết định thử nghiệm vào năm 1989 bằng cách đầu tư 358 triệu USD vào 9,25% cổ phần ưu tiên của USAir”.
Buffett thừa nhận rằng ông đã đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng mà việc nới lỏng quy chế giám sát ngành hàng không Mỹ có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của USAir. Từ năm 1990 đến năm 1994, USAir báo cáo tổng khoản lỗ là 2,4 tỷ USD. Hãng này cuối cùng đã trở thành US Airways, sau đó sáp nhập với American Airlines.
THÀNH CÔNG: MIDAMERICAN ENERGY
Ông Buffett mua cổ phần 75% trong công ty tiện ích MidAmerican Energy vào năm 1999 theo lời kêu gọi của Walter Scott - một người bạn thân lâu năm đã gia nhập hội đồng quản trị của Berkshire vào cuối thập niên 1980.
MidAmerican, sau này đổi tên thành Berkshire Hathaway Energy (BHE), đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi gia nhập Berkshire bằng chiến lược tránh trả cổ tức và tái đầu tư lợi nhuận của công ty vào hoạt động kinh doanh thông qua các vụ mua lại và đầu tư vốn cổ phần. Đến nay, BHE đã trở thành một trong bốn trụ cột của Berkshire, cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm, đường sắt và cổ phần của công ty tại Apple. Lợi nhuận hoạt động hàng năm của công ty đã tăng lên gần 4 tỷ USD từ 122 triệu USD vào năm 2000.
Thỏa thuận này cũng đưa Greg Abel vào đội ngũ Berkshire Hathaway. Ông Buffett hiện có ý định chuyển giao vị trí CEO cho ông Abel vào cuối năm nay.
THẤT BẠI: BERKSHIRE HATHAWAY
Vào tháng 5/1964, giám đốc điều hành của một công ty dệt đang gặp khó khăn có tên là Berkshire Hathaway đã viết thư cho các nhà đầu tư để đề nghị mua cổ phiếu của công ty với giá 11,375 USD/cổ phiếu một cổ phiếu. Ông Buffett, một cổ đông lớn của Berkshire khi đó, đã kỳ vọng bán với mức giá 11,5 USD/cổ phiếu. Khi Berkshire chào mức giá thấp hơn, “tôi đã nổi giận… và đã không bán cổ phiếu của mình”, Buffett đã viết trong bức thư gửi cổ đông và năm 2014.
“Đó là một quyết định cực ngốc”, ông thừa nhận.
Berkshire tiếp tục suy yếu cùng với phần còn lại của ngành dệt may New England, đóng cửa các nhà máy và gánh chịu tổn thất. Nhưng Buffett, do bị kích động bởi hành động chào giá cổ phiếu thấp hơn kỳ vọng của Berkshire, đã bỏ qua triển vọng ảm đạm của công ty và thay vào đó tiếp tục mua thêm cổ phiếu. Đến tháng 5/1965, ông tiếp quản Berkshire, và đây là một nước cờ mà ông vẫn hối tiếc.
“Hành động trẻ con của tôi… đã dẫn tới việc rót vốn vào một công ty tồi tệ mà tôi không am hiểu”, ông viết trong lá thư gửi cổ đông năm 2014.
Tuy nhiên, Buffett vẫn duy trì hoạt động kinh doanh hàng dệt trong nhiều năm. “Nhưng sự ương bướng - hoặc có thể là ngốc nghếch - cũng có giới hạn của nó. Vào năm 1985, cuối cùng tôi đã đóng cửa mảng kinh doanh này”.
An Huy