Điểm lại phản ứng từ ba đối thủ của Mỹ về dự án Vòm Vàng của Tổng thống Trump

Điểm lại phản ứng từ ba đối thủ của Mỹ về dự án Vòm Vàng của Tổng thống Trump
2 ngày trướcBài gốc
Tổng thống Trump công bố dự án phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) ngày 20/5. Ảnh chụp màn hình
Theo tờ Time ngày 27/5, Tổng thống Trump đã cam kết thiết lập một hệ thống Vòm Vàng nhằm bảo vệ nước Mỹ. Tuy nhiên, các đối thủ của Mỹ có cái nhìn khác về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên không gian này.
Triều Tiên
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 27/5, Bộ Ngoại giao nước này đã lên án đề xuất Vòm Vàng của ông Trump, gọi đây là kịch bản chiến tranh hạt nhân ngoài không gian nhằm củng cố chiến lược thống trị đơn cực của Mỹ, là sản phẩm điển hình của “nước Mỹ trên hết”.
Theo bản tin của truyền thông nhà nước về bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên liên quan đến Vòm Vàng, Mỹ đang dùng dự án phòng thủ để tìm cách quân sự hóa không gian và giành thế thượng phong quân sự một cách toàn diện.
Triều Tiên có lực lượng quân đội thuộc hàng lớn nhất thế giới với khoảng 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ. Triều Tiên thường xuyên tiến hành thử tên lửa, riêng trong năm 2024 đã có 47 vụ thử bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới lục địa Mỹ về mặt lý thuyết. Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington, D.C., Triều Tiên hiện có khoảng 70 - 90 đầu đạn hạt nhân và các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này vẫn đang tiếp tục mở rộng kho vũ khí.
Liên bang Nga
Đầu tháng này, trước khi Tổng thống Trump chính thức công bố dự án Vòm Vàng tại Phòng Bầu dục, Nga đã cùng Trung Quốc ra tuyên bố chung gọi chương trình này là một yếu tố gây mất ổn định nghiêm trọng. Trong tuyên bố, hai nước cho rằng Vòm Vàng là động thái bác bỏ hoàn toàn và triệt để việc công nhận mối quan hệ không thể tách rời giữa vũ khí chiến lược tấn công và vũ khí chiến lược phòng thủ. Tuyên bố cũng phản đối sử dụng không gian cho các hoạt động xung đột vũ trang, nhấn mạnh rằng hai nước sẽ cùng nhau chống các chính sách và hoạt động an ninh nhằm biến không gian thành chiến trường.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump trình bày thêm chi tiết về kế hoạch tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, Điện Kremlin đưa ra phản ứng nhẹ nhàng hơn. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói với truyền thông trong nước rằng dự án này là vấn đề chủ quyền của Mỹ, đồng thời khẳng định: “Nếu Mỹ cho rằng có mối đe dọa tên lửa thì đương nhiên họ sẽ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa”. Ông Peskov cũng cho biết Nga chưa đánh giá mối đe dọa đối với thế cân bằng hạt nhân với Mỹ, vì chi tiết dự án vẫn còn mơ hồ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng mặc dù Nga cần nghiêm túc xem xét dự án Vòm Vàng, nhưng ông cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định các hệ thống chiến lược của Nga được trang bị để có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào, kể cả hệ thống nhiều tầng.
Nhiều chương trình không gian của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng kho tên lửa của nước này vẫn là cảnh báo đáng kể. Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đến năm 2035, Nga có thể sở hữu 1.000 vũ khí siêu vượt âm, khoảng 5.000 tên lửa hành trình tấn công trên mặt đất và khoảng 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ vào tháng 5 cũng nêu rõ khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa Nga.
Trung Quốc
Sau tuyên bố chung với Nga, Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Mỹ về kế hoạch Vòm Vàng và kêu gọi Tổng thống Trump hủy bỏ dự án.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/5 nói: “Dự án này sẽ làm tăng nguy cơ biến không gian thành chiến trường, châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian và làm lung lay hệ thống kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế”.
Lầu Năm Góc xem Trung Quốc là quốc gia có năng lực phát triển tên lửa vượt bậc trong hai thập niên qua. Theo báo cáo năm 2024, Trung Quốc có kho vũ khí tên lửa siêu vượt âm lớn nhất thế giới, với hơn 600 đầu đạn hạt nhân và khoảng 400 ICBM. Theo Báo cáo Đánh giá Phòng thủ Tên lửa năm 2022 của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vừa sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không do Nga phát triển, vừa theo đuổi các năng lực nội địa ngày càng tinh vi.
Dự án Vòm Vàng
Ngày 20/5 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng với tổng kinh phí lên tới 175 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Tổng thống Trump nhấn mạnh hệ thống này sẽ được trang bị công nghệ thế hệ tiếp theo với khả năng đánh chặn các tên lửa từ mọi nguồn, trong đó có cả những tên lửa được phóng từ khoảng cách xa hoặc từ không gian.
Hệ thống Vòm Vàng sẽ được triển khai toàn diện trên đất liền, trên biển và trên không, để tạo thành một lá chắn phòng thủ hoàn chỉnh bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ phân bổ 25 tỷ USD từ ngân sách năm tới cho giai đoạn đầu xây dựng hệ thống.
Vòm Vàng, được mô phỏng theo hệ thống Vòm Sắt của Israel, sẽ bao gồm một mạng lưới các thiết bị đánh chặn, vệ tinh và cảm biến có khả năng đánh chặn tên lửa dù được phóng từ bên kia địa cầu.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là liệu hệ thống này có thực sự giúp nước Mỹ và thế giới an toàn hơn hay không. Các chuyên gia lo ngại rằng phát triển một lá chắn như vậy sẽ làm dấy lên nghi ngờ, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu và đẩy nhanh quá trình quân sự hóa không gian.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/diem-lai-phan-ung-tu-ba-doi-thu-cua-my-ve-du-an-vom-vang-cua-tong-thong-trump-20250528090707619.htm