Nhà máy Dược phẩm Tâm Bình ở Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)
Khát khao “làm thuốc cứu người”?
Theo giới thiệu, Công ty Dược phẩm Tâm Bình do Tổng Giám đốc, Dược sĩ cao cấp Lê Thị Bình sáng lập ngày 13/12/2010.
Ra đời trong bối cảnh thị trường dược cạnh tranh khốc liệt nhưng với khát khao “làm thuốc cứu người” và đặc biệt là cái “Tâm” và “Tầm” của người lãnh đạo, dược sĩ Lê Thị Bình đã vững tay chèo, đưa Tâm Bình trở thành thương hiệu đông dược uy tín, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề thuốc lâu đời cùng với vốn kiến thức được đào tạo bài bản tại trường Đại học Dược Hà Nội và 13 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty dược trong, ngoài nước, dược sĩ Lê Thị Bình đã lựa chọn cho mình hướng đi riêng để tìm chỗ đứng và khẳng định thương hiệu.
Đó là khai thác thế mạnh dược liệu có sẵn ở Việt Nam và phát huy bài thuốc cổ phương lâu đời, kết hợp với phương pháp sản xuất hiện đại cho ra đời các sản phẩm chất lượng.
TPBVSK Đại tràng Tâm Bình (ảnh chụp từ website: tambinh.vn)
Dược phẩm Tâm Bình không chỉ bán thực phẩm chức năng mà còn truyền tải một thông điệp chữa lành. Từ Viên Gout Tâm Bình đến Đại Tràng Tâm Bình, Thấp Diệu Nang Tâm Bình… mỗi hộp sản phẩm đều đi kèm một câu chuyện đầy hy vọng về thảo dược cổ truyền, về sự phối hợp giữa y học dân gian và hiện đại và cả lời hứa “hỗ trợ điều trị” mà chẳng ai hỏi “hỗ trợ đến đâu?”.
Gần 15 năm qua, Dược phẩm Tâm Bình đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: Viên khớp Tâm Bình, Đại tràng Tâm Bình, Gout Tâm Bình, Mỡ máu Tâm Bình, Viganam Tâm Bình, Bổ gan Tâm Bình, An thần ngủ ngon Tâm Bình… Đặc biệt, từng sản phẩm của Tâm Bình đều có một Slogan nổi bật đi kèm: “Bạn bị đau khớp ư? Có Viên Khớp Tâm Bình. Đại tràng khó ở? Có Đại Tràng Tâm Bình. Tăng axit uric? Viên Gout Tâm Bình “không phải thuốc”, nhưng việc quảng cáo của Dược phẩm Tâm Bình có đang gợi cảm giác như thuốc, khiến người tiêu dùng đôi khi quên mất mình chỉ đang uống thêm, chứ chưa điều trị gì?
Sản phẩm TPBSK Viên khớp Tâm Bình (ảnh chụp từ website: tambinh.vn)
Đơn cử, ghi nhận từ website tambinh.vn, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Viên khớp Tâm Bình được giới thiệu hỗ trợ giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp và viêm khớp; hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, đau mỏi cơ bắp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp; hỗ trợ mạnh gân cốt, tăng cường lưu thông khí huyết.
Tiếp đến, sản phẩm TPBVSK Đại tràng Tâm Bình được giới thiệu hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm đại tràng cấp và mạn tính, viêm đại tràng co thắt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy. Hay như sản phẩm, Gout Tâm Bình giúp hỗ trợ giảm triệu chứng đau do gout, hỗ trợ lợi tiểu, tăng đào thải acid uric dùng cho người bị bệnh gout cấp và mạn tính, có acid uric máu cao.
Ghi nhận từ một hiệu thuốc trên đường Đê La Thành, các sản phẩm của Dược phẩm Tâm Bình được đặt ở vị trí khá nổi bật, ngay gần khu vực thuốc điều trị. Khi được hỏi về mức độ tiêu thụ, dược sĩ N.T.H. chia sẻ: “Sản phẩm Tâm Bình bán rất đều, đặc biệt là viên Gout và đại tràng. Nhiều khách lớn tuổi đến hỏi thẳng tên sản phẩm”.
Dược sĩ H. cũng cho biết, khách thường có xu hướng tin dùng sản phẩm bởi chất lượng và một phần cũng bởi có hình ảnh bác sĩ hoặc người nổi tiếng trong quảng cáo. “Họ tin tưởng là vì sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, lại dễ mua, giá vừa phải”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc điều trị, dược sĩ H. cũng thừa nhận: “Không phải ai cũng để ý đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Có người nghĩ là thuốc, nhưng chúng tôi vẫn phải nhắc rõ là sản phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thay thế thuốc điều trị".
Ngày 15/5, theo ghi nhận tại nhà máy Dược phẩm Tâm Bình ở Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Phía bên ngoài, cổng chính khép hờ, không có nhiều xe cộ ra vào. Bên trong, không có tiếng máy móc vận hành, không bóng dáng công nhân qua lại.
Rà soát hoạt động quảng cáo
Vụ sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả vừa được Bộ Công an triệt phá đang gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Bên cạnh hậu quả mà nó gây ra, dư luận còn chú ý tới việc một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng thậm chí là người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm. Ngay sau đó, Bộ Y tế nhanh chóng lên tiếng khẳng định, các chuyên gia y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế cũng nằm trong danh sách không được sử dụng tên để quảng cáo.
Ngày 17/4/2025, Bộ Y tế có công văn số 2310/BYT-ATTP về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Bộ Y tế cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng xuất hiện cùng sản phẩm của Dược phẩm Tâm Bình (ảnh chụp từ website: tambinh.vn)
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm và báo cáo về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm). Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên.
Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đã lần lượt lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, phóng đại công dụng hoặc liên quan đến những thương hiệu bị điều tra, xử lý. Những lời xin lỗi nối tiếp nhau phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng.
Đáng lưu ý, không chỉ “bắt tay” với người nổi tiếng để thổi phồng sự thật, việc nhiều thương hiệu lớn hợp tác hoặc gắn những thông tin một cơ quan chuyên môn để quảng cáo, in nội dung “thần thánh” trên bao bì sản phẩm của mình với những lời lẽ mỹ miều cũng rất dễ khiến cho khách hàng, người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng "thần thánh" của sản phẩm.
Nhóm thuốc corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch; được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau, như: Khớp, dị ứng, thận, hô hấp...
Bên cạnh những mặt lợi, corticoid còn có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ bất lợi, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận nếu lạm dụng.
Sử dụng thuốc chứa corticoid lâu ngày còn gây ức chế tuyến thượng thận, mất khả năng tiết hormone cortisol dẫn đến suy tuyến thượng thận.
Khi ngừng uống thuốc corticoid đột ngột, cơ thể sẽ thiếu hormone cortisol do chức năng suy tuyến thượng thận đã bị ảnh hưởng từ trước. Điều này gây rối loạn điện giải, đường huyết và huyết áp. Nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh sẽ mất nước nghiêm trọng, hạ natri dẫn đến sốc, co giật, hôn mê, tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, Corticoid ẩn mình trong một số thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng nghĩ là thần dược chữa được bách bệnh. Ngoài ra, corticoid còn có trong kem bôi da trị viêm, ngứa, thuốc giảm đau… Để tránh biến chứng do lạm dụng corticoid, người dân nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự mua thuốc uống, không dùng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có kiểm định của Bộ Y tế.
Bảo Hân