Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ những người làm báo hôm nay. Ảnh: Nguyên Ngọc
Dấu ấn lịch sử trên vùng đất cách mạng
Những ngày tháng Tư đầy nắng, chúng tôi có chuyến hành trình về nguồn tại khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Bước vào khu di tích, chúng tôi cảm nhận không khí bỗng dịu hẳn. Giữa cái nắng bỏng rát ngoài kia, không gian nơi đây như một khoảng lặng bình yên đến lạ với những tán cây xanh xòe bóng mát.
Mọi người trong đoàn dừng lại, hít sâu, tận hưởng bầu không khí trong lành, rồi cùng nhau bước vào khu di tích. Cảm giác như thời gian đang chậm lại, đưa chúng tôi trở về những ngày tháng hào hùng của lịch sử, nơi báo chí cách mạng Việt Nam lớn mạnh trong gian khó.
Dõi mắt về phía trước, chúng tôi thấy ngôi nhà sàn đơn sơ như một chứng tích lịch sử. Thời điểm cuối năm 1949, đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu quốc... đã đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa).
Và ngày 21/4/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, trở thành mốc son đáng nhớ trong sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Các nhà báo chụp ảnh lưu niệm ở bia di tích địa điểm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, tại xã Điềm Mặc (Định Hóa). Ảnh: Nguyên Ngọc
Từng tấm ảnh tư liệu, từng trang sách cũ, từng mẩu chuyện kể của những nhân chứng lịch sử khiến chúng tôi - những người cầm bút hôm nay không khỏi xúc động. Nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng biên tập Báo Thái Nguyên chia sẻ: Xem những tư liệu chúng tôi thấy, chính nơi đây, giữa gian khó, báo chí đã chứng minh sức mạnh của mình. Ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt, mà tiếp tục cháy sáng hơn trong lòng các thế hệ làm báo hôm nay.
Đúng như chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, hành trình về Điềm Mặc không chỉ là cuộc trở về nguồn cội, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người làm báo về trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Càng trân trọng và hiểu thêm Điềm Mặc không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần, bản lĩnh người làm báo suốt chặng đường kháng chiến và xây dựng đất nước. Dẫu thời cuộc đổi thay, nhưng tinh thần báo chí cách mạng, từ nơi đây, vẫn luôn trường tồn.
Gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử
75 năm đã trôi qua, xã Điềm Mặc hôm nay không còn mang dáng vẻ của một vùng căn cứ cách mạng hoang sơ mà đã khoác lên mình một diện mạo mới. Cùng với sự đổi thay của mảnh đất này, di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ những người làm báo hôm nay.
Nhà trưng bày di tích lịch sử nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà. Ảnh: Nguyên Ngọc
Ngôi nhà sàn gỗ giản dị, nơi từng chứng kiến buổi ra mắt trọng đại của Hội, nay đã được phục dựng. Trong đó, trưng bày lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà, cùng hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, còn có hình ảnh về các nhà báo lão thành cách mạng Việt Nam, cả những bản thảo nhuốm màu thời gian, những dòng chữ viết tay vội vã giữa chiến khu năm xưa.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, phóng viên báo Thái Nguyên, cho biết: Tôi luôn tự hào vì quê hương mình là cái nôi của báo chí cách mạng. Còn chị Nguyễn Thị Kim Ngân, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên thì bảo: Tìm hiểu về lịch sử, tôi vô cùng xúc động và càng trân trọng hơn những thế hệ nhà báo kháng chiến năm xưa. Trong điều kiện khó khăn nơi rừng thiêng nước độc, các phóng viên vẫn nỗ lực tác nghiệp, in báo với tấm lòng nhiệt huyết, với tình yêu nước sục sôi.
Những năm qua, chính quyền địa phương và Hội Nhà báo Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy di tích. Các đoàn nhà báo, sinh viên báo chí vẫn thường xuyên về đây để tìm hiểu lịch sử, thắp hương tri ân những người đi trước.
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, xúc động chia sẻ: “Mỗi lần về Điềm Mặc, tôi lại thấy lòng mình lắng lại. Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ là địa điểm lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng để chúng tôi - những người làm báo hôm nay tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền.”
Còn chúng tôi, thế hệ những người làm báo trẻ của Thái Nguyên và nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều cảm nhận được, từ ngôi nhà sàn nhỏ bé ngày ấy, hạt giống của nền báo chí cách mạng đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước, để hôm nay, báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Thái Nguyên ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của mình trong dòng chảy xã hội hiện đại. Nhìn lên tấm biển di tích, tôi khẽ nhủ thầm: Báo chí Việt Nam đã bắt đầu từ đây - và sẽ còn tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang!
Năm 2004, di tích địa điểm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây, công trình Nhà trưng bày di tích lịch sử được xây dựng khang trang, bề thế, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ người làm báo.
Minh Hiếu