2024: Năm kỷ lục của vàng
Năm 2024 chứng kiến vàng đạt hiệu suất hoạt động tốt nhất trong hơn một thập kỷ với mức giá ước tính sơ bộ tăng khoảng 28% tính theo đô la Mỹ, trong khi hiệu suất của vàng trên các loại tiền tệ cũng mạnh mẽ. Giá vàng đã lập 40 mức cao kỷ lục mới tính từ đầu năm 2024 và điểm đáng chú ý gần đây là tổng nhu cầu vàng trong quý III đã lần đầu tiên vượt qua mốc 100 tỷ USD.
Vàng đạt hiệu suất hoạt động tốt nhất trong hơn một thập kỷ với mức giá ước tính sơ bộ tăng khoảng 28% trong năm 2024, tính theo đô la Mỹ. Ảnh: AFP
Nhu cầu đầu tư, đặc biệt là thông qua các giao dịch không qua sàn, được hỗ trợ bởi dòng chảy ngầm của rủi ro địa chính trị và biến động trên nhiều thị trường tài chính khu vực.
Thật vậy, đà tăng giá vàng được thúc đẩy bởi lực mua vào của các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư - yếu tố này đã bù đắp cho sự giảm tốc đáng kể ở phía người tiêu dùng.
Các nhà đầu tư tìm kiếm cảm giác mạnh có thể hưởng lợi từ làn sóng dòng tiền đầu tư mạo hiểm, nhưng các cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn và các yếu tố lạm phát có thể phả hơi nóng và kéo tăng trưởng kinh tế xuống dưới mức dự kiến.
Sự đồng thuận của thị trường về các biến số vĩ mô chính như GDP, lợi suất trái phiếu và lạm phát, nếu xét theo giá trị thực, hứa hẹn kịch bản tăng trưởng tích cực nhưng khiêm tốn hơn nhiều đối với giá vàng năm 2025, theo Hội đồng vàng thế giới (WGC).
Xu hướng tăng giá vàng có thể đến từ lực mua mạnh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương hoặc từ sự suy giảm nhanh chóng của các điều kiện tài chính khiến dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư chất lượng hơn. Ngược lại, sự đảo ngược chính sách tiền tệ khiến lãi suất cao hơn có thể sẽ gây ra những thách thức cho thị trường vàng.
Ngoài ra, sự đóng góp của Trung Quốc sẽ là chìa khóa của thị trường vàng, bởi thời gian qua nhiều người tiêu dùng nước này đã đứng ngoài cuộc trong khi các nhà đầu tư nhập cuộc hỗ trợ đà tăng giá. Tuy nhiên, những động lực này phụ thuộc vào các tác động trực tiếp và gián tiếp của thương mại, biện pháp kích thích và nhận thức về rủi ro.
Hai kịch bản cần lưu ý cho năm 2025
Mọi con mắt đều đổ dồn vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump Trump với những quyết sách của ông chủ Nhà Trắng có thể thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới nhưng cũng có thể gây ra những lo âu đáng kể cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Ở kịch bản thứ nhất, bước vào năm 2025, thị trường đồng thuận rằng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản tính đến cuối năm khi lạm phát giảm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2%.
Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất ở mức tương tự. Đồng đô la Mỹ dự kiến sẽ vẫn ổn định hoặc yếu đi một chút khi các điều kiện trở lại bình thường, trong khi tăng trưởng toàn cầu vẫn tích cực nhưng vẫn tiếp tục dưới kỳ vọng.
Trong bối cảnh này, các động thái của Fed và hướng đi của đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục là động lực quan trọng đối với thị trường vàng. Nhưng giống như vài năm qua, hai yếu tố này không phải là duy nhất quyết định hiệu suất của vàng. Thay vào đó, các nhà phân tích của Hội đồng vàng thế giới dựa vào một khuôn khổ mạnh mẽ hơn, giúp họ nắm bắt được sự tác động của tất cả các lĩnh vực cung và cầu vàng.
Cụ thể, vai trò của 4 yếu tố dưới đây được xem xét tác động đến thị trường vàng, gồm: tăng trưởng kinh tế và tác động trực tiếp của nó đến nhu cầu của người tiêu dùng; rủi ro và sự không chắc chắn như một tác nhân kích hoạt dòng tiền từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa hiệu quả; chi phí cơ hội khiến vàng hấp dẫn hơn (hoặc kém hấp dẫn hơn) so với lợi suất trái phiếu; động lực có thể thúc đẩy xu hướng hoặc đảo ngược xu hướng.
Phân tích của Hội đồng vàng thế giới chỉ ra rằng, nếu nền kinh tế biến động theo dự báo đồng thuận cho năm 2025, vàng có thể tiếp tục giao dịch trong ngưỡng tương tự như đã thiết lập vào cuối năm 2024, với kịch bản tác động được dự báo theo các gam màu dưới đây:
Dự báo tác động của các biến số lên thị trường vàng năm 2025. Nguồn: Bloomberg, Oxford Economics, Hội đồng vàng thế giới
Ở kịch bản thứ hai, ông Trump bắt đầu nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai vào cuối tháng 1/2025 và thị trường chứng khoán Mỹ đặt cược vào chương trình nghị sự của ông có lợi cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ và đặc biệt 7 mã cổ phiếu công nghệ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường (Magnificent 7) sẽ có hiệu suất hoạt động tốt hơn.
Một chính sách tài khóa thân thiện hơn với doanh nghiệp kết hợp với chương trình nghị sự lấy nước Mỹ làm trọng tâm có thể cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư và người tiêu dùng ở xứ cờ hoa. Điều này có thể sẽ thúc đẩy các giao dịch rủi ro trong vài tháng đầu năm 2025.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các chính sách này có dẫn đến áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng hay không. Ngoài ra, mối lo ngại về nợ công của châu Âu một lần nữa lại gia tăng, chưa kể đến tình trạng bất ổn địa chính trị liên tục, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xuất hiện các biến động ở Hàn Quốc và Syria vào đầu tháng 12.
Nhìn chung, điều này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn như vàng, để chống lại rủi ro.
Fed đang đi trên dây
Chính sách tiền tệ có phạm vi ảnh hưởng nhất định và tác động của nó cần thời gian để kiểm chứng rõ ràng và nó làm phức tạp thêm các quyết định của các quan chức ngân hàng trung ương về việc nên tiếp tục, tạm dừng hay đảo ngược tiến trình của một chính sách nhất định hay không.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hướng tới một cuộc hạ cánh mềm vốn được cho khó đối với nền kinh tế Mỹ trong năm tới. Cho đến nay, họ đã xoay xở để kéo giảm lạm phát mà không làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng năm 2025 có thể sẽ không dễ dàng cho các nỗ lực tương tự.
Có nhiều lý do khiến lạm phát có thể tái diễn nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa mạnh và việc đảo ngược chính sách có thể làm xấu đi các điều kiện tín dụng. Nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã dạy cho chúng ta bài học quý báu rằng khi các vấn đề trong hệ thống bắt đầu tan rã, chúng sẽ tan rã nhanh chóng.
Lịch sử cho thấy giá vàng đã tăng trung bình 6% trong 6 tháng đầu tiên của chu kỳ cắt giảm lãi suất. Hiệu suất sau đó của vàng bị ảnh hưởng bởi độ dài và độ sâu của chu kỳ đó.
Lợi nhuận từ đầu tư vàng và USD trong 6 tháng đầu tiên của chu kỳ cắt giảm lãi suất trong 40 năm qua. Nguồn: Bloomberg, ICE Benchmark Administration, Hội đồng vàng thế giới
Nhìn chung, một Fed ôn hòa hơn sẽ có lợi cho thị trường vàng, nhưng việc tạm dừng kéo dài hoặc đảo ngược chính sách tiền tệ có thể sẽ gây thêm áp lực lên nhu cầu đầu tư.
Nhu cầu vàng của châu Á sẽ tiếp tục tăng?
Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường lớn nhất của kim loại vàng, còn châu Á nói chung chiếm hơn 60% nhu cầu hàng năm (không bao gồm các ngân hàng trung ương). Đóng góp của khu vực châu Á vào hiệu suất của thị trường vàng trong năm 2025 có thể sẽ không thể thấp hơn.
Năm 2024, các nhà đầu tư châu Á đã đóng góp vào hiệu suất của vàng, đặc biệt là trong nửa đầu năm và nhu cầu của Ấn Độ được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, rủi ro về chiến tranh thương mại vẫn còn lớn. Nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của tăng trưởng kinh tế, thông qua các biện pháp thông thường hay các biện pháp kích thích của chính phủ.
Và trong khi các yếu tố tương tự ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vào năm 2024 vẫn hiện hữu, vàng có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh từ cổ phiếu và bất động sản.
Tại Ấn Độ, thị trường vàng có vẻ đang đứng trên một nền tảng tốt hơn. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vẫn ở mức trên 6,5% và bất kỳ mức tăng thuế quan nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nước này ít hơn so với các đối tác thương mại khác của Mỹ do thâm hụt thương mại của họ thấp hơn nhiều. Đổi lại, điều này có thể hỗ trợ nhu cầu của người tiêu dùng vàng. Chưa kể, các sản phẩm đầu tư tài chính vàng đã tăng trưởng đáng kể và mặc dù chúng chỉ chiếm một thị phần nhỏ nhưng lại là sự bổ sung đáng hoan nghênh cho hệ sinh thái vàng.
Phân tích của Hội đồng vàng thế giới đã xem xét đến các phản ứng tiềm ẩn của vàng đối với các điều kiện thị trường cơ bản, dựa trên sự đồng thuận hiện tại cũng như các kịch bản giảm giá và tăng giá hơn.
Vàng có khả năng vẫn nằm trong phạm vi tăng giá nếu dự báo hiện tại của thị trường là chính xác. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng và điều này có thể thấy rõ ở thị trường vàng châu Á. Ngược lại, lãi suất thấp hơn đáng kể hoặc tình hình địa chính trị hoặc điều kiện thị trường xấu đi sẽ cải thiện hiệu suất của vàng.
Một phép thử quan trọng cho năm 2025 là nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương vì nó sẽ tiếp tục thúc đẩy vàng nếu mức giá vẫn ở mức lành mạnh.
Đông Phong