Sôi động
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết, đang hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 80% vốn tại dự án Thuận An 1 - 2 cho một đối tác nước ngoài.
Phối cảnh dự án Thuận An 1 - 2 mà Phát Đạt đang thương thảo bán.
Chưa tiết lộ danh tính cụ thể nhưng ông Đạt mô tả đây là một nhà đầu tư rất lớn, rất đặc biệt, có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và hiếm khi hợp tác với doanh nghiệp nội địa. Ông Đạt cũng nhấn mạnh, việc hai bên đi đến thỏa thuận là kết quả của quá trình làm việc bền bỉ và đầy tin cậy.
“Họ cho rằng việc yêu cầu đặt cọc là một sự xúc phạm, nhưng vẫn chấp nhận vì hiểu rằng đây là thông lệ tại Việt Nam”, ông Đạt nói.
Dự án Thuận An 1 hiện đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu phần móng và hoàn tất toàn bộ thủ tục pháp lý, sẵn sàng mở bán ngay trong năm nay. Dòng tiền từ thương vụ dự kiến sẽ được giải ngân từ tháng 11/2025. Còn dự án Thuận An 2 sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2026.
Tổng giá trị hai dự án khoảng 5.200 tỷ đồng. Với việc chuyển nhượng 80%, Phát Đạt dự kiến thu về hơn 4.000 tỷ đồng, giữ lại 20% cổ phần. Sau khi thanh toán các khoản vay liên quan, Phát Đạt vẫn có thể còn lại hơn 2.000 tỷ để tái đầu tư.
Tương tự, Công ty CP Gateway Thủ Thiêm - thành viên của Hướng Việt Holdings đã chi 2.612 tỷ đồng để mua lại 42% cổ phần Công ty Nam Rạch Chiếc từ Keppel Land (Singapore).
Nam Rạch Chiếc là chủ đầu tư dự án Palm City - khu đô thị mới rộng hơn 30 ha nằm dọc bờ sông Giồng Ông Tố và Mương Kinh tại phường Bình Trưng, TPHCM. Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc có vốn điều lệ 627 tỷ đồng, là liên danh ba bên gồm Keppel Land (công ty con của Tập đoàn Keppel) thông qua tổ chức là Công ty Flemmington Investments Pte Ltd nắm 42% vốn, Công ty CP Bất động sản Tiến Phước nắm 38% vốn và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái sở hữu 20% vốn điều lệ. Hiện dự án Palm City còn lại bốn lô đất chưa phát triển, gồm 2 lô nhà ở, 1 lô đất hỗn hợp và 1 lô đất y tế.
Một điểm đáng chú ý trong cuộc đua M&A bất động sản nửa đầu năm 2025 là hoạt động tích cực của các doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bcons mua lại thành công dự án 18.854 m2 tại tỉnh Bình Dương cũ. Dự án này trước đây là cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers, thuộc sở hữu của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House.
Năm 2021, Thuduc House bán cho 3 nhà đầu tư, gồm ông Bùi Ngươn Phong - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lê Phong, bà Trần Thị Hà và ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons. Ba nhà đầu tư này lập ra Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế để sở hữu dự án. Được biết, Dự án được Thuduc House bán cho các nhà đầu tư nói trên với giá 595 tỷ đồng. Đến nay, Bcons mua lại dự án này với giá 1.200 tỷ đồng và đổi tên thành The New Point.
Một góc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3.
Ở khu vực phía Bắc, Tập đoàn Sun Group cũng mua lại lô đất A1 - 2 rộng 2,5 ha tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) từ CTX Holdings để phát triển tổ hợp Sun Felia Suites. Tại Hưng Yên, Sunshine Group thâu tóm 55 ha đất thuộc Khu đô thị sinh thái Văn Giang (tên thương mại Alluvia City) từ Xuân Cầu Holdings.
Thị trường M&A bất động sản cũng ghi nhận thương vụ lớn từ khối ngoại khi CapitaLand (Singapore) mua lại 25 ha đất thuộc phân khu Hải Đăng trong Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên) từ Vinhomes.
Trước đó, CapitaLand đã mua lại một phần Vinhomes Smart City để phát triển khu căn hộ Lumi Hanoi. CapitaLand cũng chính là nhà đầu tư một phần tại Vinhomes Ocean Park 1 để phát triển dự án The Senique Hanoi.
Nhu cầu lớn
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng Giám đốc DKRA Group nhìn nhận, thị trường M&A đang có nhiều cơ hội bùng nổ với sự tham gia các doanh nghiệp mới nổi sở hữu nguồn tài chính ổn định, có kế hoạch, chiến lược bài bản.
Theo ông Thắng, trong thời gian tới, thị trường M&A sẽ khá sôi động. Hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu chào bán những dự án này ra thị trường. Đây sẽ là “điểm nổ” cho thị trường M&A trong 6 tháng cuối năm.
Các chuyên gia của Cushman & Wakefield cũng dự báo một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục “chiếm sóng” trên thị trường.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Trần Anh chia sẻ, giai đoạn trước, doanh nghiệp tìm mua quỹ đất thường không quan tâm nhiều tới tiền sử dụng đất phải đóng. Bởi khi đó, việc thẩm định giá khá ổn định và phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, giờ đây, khi muốn M&A dự án, một trong những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu chính là tiền sử dụng đất.
Theo Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
“Đường đua M&A sôi động với sự tham gia của hàng loạt “tay chơi” đến từ cả trong và ngoài nước hứa hẹn sẽ tạo nên những thương vụ “bom tấn” trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc bên bán có xu hướng đẩy giá dự án lên quá cao khiến các bom tấn nguy cơ biến thành bom xịt”, chuyên gia của Cushman & Wakefield nói.
Trong thời gian tới, thị trường M&A sẽ khá sôi động.
Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, thị trường M&A bất động sản đang khá sôi động. Điều đặc biệt của năm nay là bên bán nhiều, bên mua cũng rất lớn. Hầu hết dự án được chào bán đều có quỹ đất đẹp, vị trí tốt, pháp lý thuận lợi.
Khác với những năm trước, năm nay, doanh nghiệp không còn e ngại về việc dự án khó hoàn thiện pháp lý bởi Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho vấn đề này.
Trong 6 tháng đầu năm, không thể không nhắc tới hoạt động tái cơ cấu của Tập đoàn Novaland, khi liên tục chuyển nhượng cổ phần các công ty thuộc hệ sinh thái, như bán gần 19% cổ phần tại Công ty TNHH Thành phố Aqua với giá 973 tỷ đồng, bán 7,6% tại Công ty TNHH địa ốc No Va Mỹ Đình. Novaland cũng giảm tỷ lệ nắm giữ tại nhóm công ty liên quan, như Công ty Bất động sản Đỉnh Phát từ 67,1% còn 59,5%, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản 350 từ 67,1% còn 59,5%, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản CQ89 từ 66,8% còn 59,2%, Công ty CP Thạnh Mỹ Lợi từ 51,4% còn 47,2%. Tổng giá trị chuyển nhượng của Novaland là hơn 1.641 tỷ đồng.
Duy Quang