Chương trình ERAM do Mỹ khởi xướng, đang tập trung phát triển loại bom tên lửa hiện đại cho Ukraine, với khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên biển.
Dù phần lớn thông tin vẫn được bảo mật, dữ liệu công khai cho rằng loại vũ khí này có tầm bắn lên tới 463 km và mục tiêu sản xuất 1.000 đơn vị mỗi năm từ năm 2026.
Điểm nổi bật của chương trình ERAM là việc tích hợp hệ thống dẫn đường Quicksink, công nghệ tiên tiến có khả năng tiêu diệt tàu chiến và các mối đe dọa hàng hải khác. Hệ thống này sử dụng đầu dò kép, kết hợp radar và hồng ngoại, đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm cùng bom thông minh GBU-31/B JDAM.
Đặc biệt, Quicksink có khả năng chống lại các biện pháp chiến tranh điện tử của đối phương trong giai đoạn bay cuối cùng, đảm bảo độ chính xác cao.
Ảnh mô phỏng bom tên lửa ERAM. Ảnh: Không quân Mỹ.
Chương trình ERAM được tiết lộ lần đầu vào tháng 7-2024 nhưng đã bắt đầu phát triển từ đầu năm 2023, sử dụng cơ chế tài trợ OTA của Lầu Năm Góc để đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, các nhà phát triển đang nghiên cứu hệ thống dẫn đường không phụ thuộc GPS, tăng khả năng ứng phó linh hoạt của loại vũ khí này.
Chương trình là nỗ lực hợp tác giữa Mỹ, Ukraine, Đan Mạch và Hà Lan. Lực lượng Không quân Mỹ đã yêu cầu ước tính lịch trình và báo giá cho 10 nguyên mẫu Quicksink đầu tiên, đồng thời xem xét khả năng tích hợp công nghệ này với các loại vũ khí khác.
Hiện tại, chi phí sản xuất mỗi đơn vị Quicksink ước tính là 200.000 USD nhưng mục tiêu trong tương lai là giảm xuống còn 50.000 USD mỗi đơn vị.
Lạc Chi