Giới chức Ukraine thừa nhận quân đội nước này không có cơ hội trong tương lai gần để tái chiếm những vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát.
Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance về việc Washington sẽ "đóng băng ranh giới lãnh thổ... gần như ở vị trí hiện tại" chỉ đơn giản là thừa nhận một thực tế hiển nhiên, theo bài viết trên trang Responsible Statecraft của ông Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á-Âu tại Viện Quincy for Responsible Statecraft.
Mặt khác, theo ông Lieven, khi được cho là đã đồng ý ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như phát tín hiệu rằng Moscow sẵn sàng từ bỏ yêu cầu trước đó: Ukraine phải rút quân khỏi những khu vực thuộc các tỉnh mà Nga đơn phương tuyên bố sáp nhập nhưng Ukraine vẫn còn kiểm soát.
Ngay cả khi không có quyền phủ quyết của Mỹ, việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không thực tế, nhất là khi tất cả các thành viên NATO hiện tại đều đã tuyên bố rằng họ sẽ không trực tiếp tham gia xung đột để bảo vệ Ukraine.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có một điểm gây bất ngờ lớn: Đề xuất công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea.
Đây được xem hành động nhượng bộ lớn đối với Nga. Tuy nhiên, nó không lớn như truyền thông phương Tây mô tả, vì nó không bao gồm 4 tỉnh miền Đông Ukraine mà Nga đơn phương tuyên bố đã sáp nhập.
Liệu kế hoạch hòa bình của chính quyền Tổng thống Donald Trump có mang lại hòa bình không?
Nga dường như sẵn sàng chấp nhận - mặc dù kế hoạch hiện tại không đề cập đến những yêu cầu khác của Nga, bao gồm quyền lợi của người nói tiếng Nga ở Ukraine, hạn chế đối với lực lượng vũ trang Ukraine và trên hết là cấm triển khai "lực lượng đảm bảo an ninh châu Âu" ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vatican ngày 26-4. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Việc Ukraine và châu Âu từ chối hoàn toàn kế hoạch hòa bình của Mỹ, như những tuyên bố ban đầu gợi ý, sẽ là hành động điên rồ.
Các mục tiêu chính thức của Ukraine - gia nhập NATO và phục hồi các vùng lãnh thổ đã mất - là gần như không thể đạt được lúc này. Do đó, trên thực tế, Ukraine không mất gì khi đồng ý với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Hiện tại, phản ứng của Kiev và hầu hết các chính phủ châu Âu đối với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như là "không... nhưng." Tức là, họ sẽ bác bỏ kế hoạch hiện tại nhưng sẵn sàng đàm phán về một số khía cạnh nào đó.
Tổng thống Donald Trump không phải là người kiên nhẫn. Lời đe dọa của chính quyền ông về việc "để Ukraine và châu Âu tự lo liệu" đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Đối với Ukraine và các nước châu Âu, đây là một tình thế cực kỳ nguy hiểm. Nếu Mỹ ngừng viện trợ, khả năng Ukraine giữ vững phòng tuyến sẽ suy giảm nghiêm trọng, và nguy cơ Nga đột phá sâu vào lãnh thổ Ukraine sẽ tăng cao.
Trong trường hợp đó, châu Âu sẽ phải thừa nhận rằng những lời hứa "bảo vệ vững chắc" với Ukraine chỉ là lời nói suông, hoặc sẽ phải gửi quân vào Ukraine.
Họ có thể đồn trú ở Kiev và Odessa, tránh xa các chiến trường thực địa, nhưng điều đó sẽ giúp gì được cho Ukraine? Và nếu không có một thỏa thuận với Moscow, làm sao các lực lượng không quân châu Âu có thể tránh khỏi việc bị cuốn vào giao tranh trực tiếp?
Một đợt huấn luyện quân sự ở vùng Kharkiv - Ukraine, cuối năm 2024. Ảnh: EFE/EPA
Cao Lực