Phát biểu sau cuộc họp nội các đầu tiên của năm 2025, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức nào phá vỡ sự thống nhất của Syria. Nếu thấy có rủi ro, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết".
Tổng thống Erdoğan cũng nhấn mạnh Ankara có đủ năng lực và sức mạnh để ngăn chặn nguy cơ Syria bị chia cắt. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara có thể "bất ngờ hành động vào một đêm" mà không cần báo trước để ngăn chặn nguy cơ chia rẽ nước láng giềng.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đang nắm chính quyền mới tại Syria, đưa Ankara vào vị thế có thể gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi lực lượng người Kurd tại Syria là mối đe dọa trực tiếp. Khu vực người Kurd quản lý tại Syria do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) giám sát, trong đó Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) đóng vai trò nòng cốt.
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố, cáo buộc YPG có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức chiến đấu chống lại cuộc nổi loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ những năm 1980.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: EFE/EPA
Ông Erdoğan nhấn mạnh: "Số phận duy nhất đang chờ đợi những kẻ chọn khủng bố và bạo lực là bị chôn vùi dưới lòng đất cùng vũ khí của chúng. Không thế lực nào ngăn cản được điều này".
Ông Erdoğan nhiều lần nói rằng nhóm người Kurd gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và hứa sẽ ngăn chặn việc thành lập một "hành lang khủng bố" ở biên giới phía Nam của nước này.
Tháng trước, Tổng thống Erdoğan kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đưa ra lựa chọn giữa việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc YPG. Trong khi đó, SDF do YPG dẫn đầu đã kêu gọi Mỹ bảo vệ lãnh thổ Syria khỏi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt sự hiện diện của Ankara tại phía Bắc Syria.
Theo tờ Politico, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng tuyên bố rằng việc xóa sổ YPG khỏi Syria là "sắp xảy ra". Ông Hakan Fidan khẳng định Ankara sẽ không cho phép lực lượng này tiếp tục hiện diện tại Syria.
Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành nhiều chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Syria kể từ khi nội chiến bùng phát năm 2011.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất giáp biên giới Syria bày tỏ mối quan ngại về an ninh.
Sau khi chính quyền ông Assad sụp đổ, Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria, và giành quyền kiểm soát vùng đệm phi quân sự được thiết lập theo lệnh ngừng bắn năm 1974.
Nhiều người chỉ trích Israel đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực biên giới.
Huệ Bình