Điểm sàn giảm mạnh, xem xét điều chỉnh điểm tổ hợp môn

Điểm sàn giảm mạnh, xem xét điều chỉnh điểm tổ hợp môn
6 giờ trướcBài gốc
Ngay sau khi biết phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường ĐH ở TP.HCM tiếp tục công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) cũng như dự báo điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi này. Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thí sinh (TS) tránh mắc những sai lầm khi đăng ký xét tuyển trực tuyến để tránh đánh mất cơ hội trúng tuyển dù điểm thi không thấp.
Điểm sàn nhiều ngành hot giảm đến 4 điểm
Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), mức điểm sàn xét tuyển cho các ngành dao động từ 16 đến 24 theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp. Trong đó, ngành duy nhất có điểm 24 là thiết kế vi mạch.
So với năm 2024, mức điểm sàn này giảm mạnh, nhiều ngành giảm đến 4 điểm như trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu…
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NT
Còn Trường ĐH Công thương TP.HCM, điểm sàn xét tuyển là 16 cho tất cả ngành (tổng điểm ba môn trong tổ hợp, chưa nhân hệ số, chưa cộng ưu tiên), giảm khoảng 1-2 điểm, tùy ngành so với năm trước.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng đưa ra mức điểm nhận hồ sơ là 15 cho tất cả ngành đào tạo. Đại diện trường cho biết mức điểm sàn năm nay giảm so với năm 2024 từ 1 đến 4 điểm tùy theo ngành đào tạo.
Nhiều trường ĐH khác tại TP.HCM cũng đưa ra mức điểm sàn khá thấp, chỉ từ 15 đến 18 điểm như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn…
Đánh giá về phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết hầu hết các môn đều có điểm trung bình giảm đáng kể so với năm 2024, ngoại trừ môn lý tăng nhẹ. Đặc biệt, môn toán gây bất ngờ khi điểm trung bình sụt giảm mạnh, đến 56,4% TS dưới trung bình và chỉ khoảng 12% bài thi đạt từ 7 điểm trở lên.
Điểm chuẩn giảm không phải là lý do để thí sinh hoang mang, bởi năm nay các phương thức xét tuyển được thực hiện đồng thời, không phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức.
Ngược lại, môn tiếng Anh dù được đánh giá là đề khó nhưng lại có kết quả khá bất ngờ, cho thấy sự phân hóa tốt. Theo ThS Tiến, điều này một phần do tiếng Anh là môn tự chọn nên những em đăng ký dự thi chủ yếu là những TS đã xác định được năng lực và mục tiêu xét tuyển.
Từ thực tế này, ThS Tiến nhận định điểm chuẩn các ngành năm nay sẽ có xu hướng giảm, nhất là những ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn toán, tiếng Anh, hóa. Các tổ hợp khối A (A00, A01) dự kiến giảm 1-2 điểm, khối B (B00) có thể giảm 1,5-2,5 điểm. Riêng khối C (C00) với các môn văn, sử, địa ổn định nên ít biến động, còn khối D (D01, D07) dự báo giảm khoảng 1-2 điểm.
Xem xét điều chỉnh mức điểm giữa các tổ hợp môn
Trước tình hình phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều biến động, ThS Tiến cho biết các tổ hợp xét tuyển chính của Trường ĐH Kinh tế - Luật vẫn xoay quanh toán và tiếng Anh nên dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ giảm 0,5-1,5 điểm so với năm trước.
Tuy nhiên, một số ngành hot như kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, kinh tế quốc tế, marketing, Luật Kinh tế vẫn sẽ có mức cạnh tranh cao và điểm chuẩn có thể giảm không nhiều. Trong khi đó, những ngành mới như luật dân sự (tiếng Anh), toán ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính (tiếng Anh), công nghệ tài chính, hệ thống thông tin quản lý theo mô hình Co-operative Education là những cơ hội hấp dẫn cho TS tìm kiếm sự cạnh tranh nhẹ hơn.
ThS Tiến cũng lưu ý Trường ĐH Kinh tế - Luật đang xem xét điều chỉnh chênh lệch điểm giữa các tổ hợp để đảm bảo công bằng cho TS. Ngoài ra, trường sẽ áp dụng cách tính điểm có lợi nhất đối với những TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cho phép lựa chọn giữa quy đổi điểm tiếng Anh hoặc cộng điểm thưởng.
“Điểm chuẩn giảm không phải là lý do để TS hoang mang, bởi năm nay các phương thức xét tuyển được thực hiện đồng thời, không phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức. Điều quan trọng là TS cần tìm hiểu thật kỹ thông tin tuyển sinh của các trường, đặc biệt là ngưỡng điểm nhận hồ sơ, nguyên tắc quy đổi, yêu cầu minh chứng và sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý” - ThS Tiến lưu ý.•
Năm sai lầm khiến thí sinh vuột mất cơ hội trúng tuyển ĐH
Từ thực tế qua nhiều mùa tuyển sinh, có năm sai lầm mà TS rất dễ mắc phải khi đăng ký xét tuyển. Cụ thể:
Thứ nhất, đủ điều kiện trúng tuyển thẳng nhưng lại quên đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Lý do, năm nào cũng có TS chủ quan, nghĩ rằng mình đã trúng tuyển nên không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung, dẫn đến bị loại đáng tiếc.
Thứ hai, đăng ký nguyện vọng nhưng quên đóng lệ phí xét tuyển. Đăng ký thành công chỉ được ghi nhận khi TS hoàn tất nộp lệ phí. Nếu không, dữ liệu đăng ký xem như không hợp lệ.
Thứ ba, thiếu hoặc quên cập nhật minh chứng xét tuyển theo yêu cầu của các trường. Đây là lỗi phổ biến khiến TS mất quyền lợi được cộng điểm ưu tiên hoặc điểm thưởng.
Thứ tư, đăng ký nguyện vọng theo cảm tính, nghe theo lời khuyên thiếu căn cứ hoặc chạy theo trào lưu trên mạng xã hội mà không tìm hiểu kỹ ngành nghề, trường đào tạo và điều kiện thực tế của bản thân.
Thứ năm, đăng ký mà không cân nhắc điều kiện tài chính, sức khỏe. Có em thích ngành học nào đó nhưng không tính đến mức học phí cao so với khả năng của gia đình hoặc ngành nghề đó đòi hỏi thể chất, sức khỏe mà bản thân không đảm bảo.
ThS CÙ XUÂN TIẾN, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
PHẠM ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/diem-san-giam-manh-xem-xet-dieu-chinh-diem-to-hop-mon-post860951.html