Điểm sáng Lục Sơn

Điểm sáng Lục Sơn
3 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, diện mạo xã Lục Sơn có nhiều đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng; các công trình trường học, giao thông được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện cho việc học tập, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Dẫn chúng tôi tham quan một số công trình giao thông mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, đồng chí Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Để giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc họp, xác định chỉ có tháo gỡ “nút thắt” giao thông mới giúp người dân khai thác lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Cầu Hổ Lao được xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH xã Lục Sơn.
Với tinh thần đó, năm 2020, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng năm. Phát huy tinh thần nêu gương, từng cán bộ, đảng viên vận động gia đình, người thân hiến đất, cây xanh để mở rộng các tuyến đường. Nhờ đó từ năm 2020 đến nay, 220 hộ trong xã hiến hơn 12,2 nghìn m2 đất, hàng chục hộ tự nguyện phá dỡ tường rào, lùi một phần đất sản xuất để mở rộng đường, xây ngầm và cầu dân sinh. Điển hình như bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Hổ Lao hiến hơn 418 m2 đất, chặt hơn chục cây nhãn, vải thiều, tạo điều kiện để địa phương xây dựng ngầm dân sinh suối Đầu Bè, giúp nắn thẳng đoạn đường đấu nối với ngầm, giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Gia đình ông La Văn Vành phá 30 m tường bao, 1 gian công trình phụ, hiến 100 m2 đất thổ cư để thi công cầu Hổ Lao. Ông Bàn Văn Thắng, người có uy tín cùng 25 hộ ở thôn Đồng Vành 1 hiến đất để mở rộng trục đường chính của thôn… “Nếu như trước đây, chỉ cần một trận mưa kéo dài 1-2 giờ, gần như cả xã bị chia cắt thì nay người dân vẫn có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. các công trình giao thông đã tạo “cú hích” cho địa phương phát triển kinh tế, xã về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch”, ông Phạm Văn Thể nói.
Ghé thăm xưởng chế biến, sản xuất đồ gỗ nằm ven tỉnh lộ 293 của gia đình ông Phạm Văn Hùng (SN 1967), thôn Vĩnh Tân, chúng tôi được ông kể về hành trình vươn lên thoát nghèo. Học xong lớp 12, ông Hùng ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, lấy vợ và ra ở riêng. Bằng sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông mạnh dạn từ bỏ cây trồng truyền thống của bà con quê mình như ngô, sắn để chuyển sang trồng keo, bạch đàn. Đến năm 2013, ông chuyển hướng, dành toàn bộ vốn liếng để đầu tư mở xưởng gỗ bóc bởi tại địa bàn có nguồn nguyên liệu dồi dào. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, xưởng chế biến gỗ của gia đình ông ngày càng phát triển.
Hiện trên diện tích gần 1 ha, ông Hùng đầu tư 1 dây chuyền bóc gỗ, một xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng. Không chỉ ông Phạm Văn Hùng, ở xã Lục Sơn xuất hiện nhiều gương làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Mô hình trồng rừng kinh tế và kinh doanh giống cây lâm nghiệp của gia đình bà Trương Thị Hậu (SN 1960), thôn Văn Non; mô hình trồng rừng, cây ăn quả của gia đình anh Trạc Văn Vinh (SN 1985), thôn Vĩnh Ninh; mô hình nuôi lợn của vợ chồng anh La Văn Hùng (SN 1977), thôn Đèo Quạt…
Từ thay đổi từ nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, người dân xã Lục Sơn đã thiết thực nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Qua thống kê, kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 7,48%, giảm 3,8% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng; tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ sinh kế; duy trì, nhân rộng mô hình thoát nghèo bền vững, hiệu quả.
Bài, ảnh: Sơn Quang
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/diem-sang-luc-son-153826.bbg