Trẻ có thể phải đối mặt với căng thẳng ở trường hoặc thậm chí ở nhà mà cha mẹ không hề hay biết. Ảnh: INT.
Đi tìm “gốc rễ” của vấn đề
“Điểm số bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống ngoài trường học của tôi vào cuối năm lớp Tám. Tôi là một đứa trẻ rất bất hạnh và điểm số của tôi bắt đầu phản ánh thực tế đó. Vào thời điểm đó, tôi sống với cha. Cha tôi nói rằng, điểm số kém đã gây ra căng thẳng trong mối quan hệ của chúng tôi”, Zach Aleba, sinh viên năm cuối tại Đại học Binghamton (Mỹ), chia sẻ.
Nam sinh này cho biết đã bị cha phạt nặng mỗi khi đạt điểm kém. Không ít lần, Zach Aleba bị buộc rời khỏi câu lạc bộ hoặc môn thể thao mà anh tham gia. Vấn đề này đã xảy ra trong phần lớn trải nghiệm trung học của Aleba. Nam sinh này bày tỏ, anh hoàn toàn không có mối quan hệ lành mạnh với điểm số và bảng điểm.
“Cuối cùng, tôi đã kiềm chế được cảm xúc đủ để hoàn thành chương trình trung học một cách xuất sắc và theo học tại một trong những trường đại học công lập hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng, trải nghiệm trung học và cách nhìn của tôi với việc học có thể đã được cải thiện, nếu cha tôi phản ứng khác đi với những điểm số của tôi. Đây là cách tôi mong muốn các phụ huynh sẽ phản ứng khi đọc kết quả học tập của con. Đó là hãy lắng nghe con mình”, Zach Aleba chia sẻ.
Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, trường học và điểm số thường không phải là ưu tiên hàng đầu của phần lớn thanh thiếu niên. Trẻ có thể đang phải đối mặt với căng thẳng ở trường hoặc thậm chí ở nhà mà cha mẹ không hề hay biết. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ trong lớp học. Hoặc, trẻ cũng có thể đang vật lộn với một khuyết tật học tập chưa được chẩn đoán, khiến bản thân gặp khó khăn hơn dự kiến.
Do đó, điều quan trọng là cha mẹ hãy nói chuyện với con về điểm số. Phụ huynh cũng cần hỏi tại sao con gặp khó khăn, sau đó lắng nghe mà không phán xét hay suy diễn. Điều cần thiết là phải lắng nghe và tiếp thu những gì con nói.
Thông thường, cha mẹ có thể cảm thấy như thể mình đang phải nói chuyện, thay vì thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện riêng tư với con. Theo nam sinh Aleba, cách tiếp cận đồng cảm hơn từ cha anh chắc chắn sẽ làm giảm bớt gánh nặng của những yếu tố gây căng thẳng mà anh phải đối mặt hằng ngày.
“Tôi sẽ dễ dàng nhờ cha giúp đỡ trong việc học hơn, nếu tôi cảm thấy ông ấy đang lắng nghe những lo lắng của mình. Thay vì sợ hãi về ngày nhận được bảng điểm, tôi sẽ có thể yên tâm rằng, nỗi lo lắng về trường học và điểm số của mình đã được giải quyết thông qua cách giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với phụ huynh”, nam sinh nhận định. Các chuyên gia cho rằng, khi con đạt điểm số không như ý muốn, cha mẹ cần có cách ứng xử phù hợp:
Một đứa trẻ cảm thấy áp lực phải hoàn hảo thường bị thúc đẩy bởi nỗi sợ thất bại. Ảnh: INT.
Bao dung với con
Phụ huynh thường đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai thanh thiếu niên. Không ít cha mẹ hy vọng, con mình phải thể hiện tốt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đôi khi, trẻ có thể cảm thấy khó chịu nếu tiêu chuẩn cha mẹ đặt ra quá cao.
Giống như bất kỳ ai, thanh thiếu niên cũng sẽ mắc sai lầm. Phần lớn thời gian, đối với họ, đó sẽ là thất bại thảm hại. Tuy nhiên, thất bại là một phần của cuộc sống và là nền tảng cho thành công sau này. Điều quan trọng là phải chấp nhận thất bại. Trong tình huống đó, cha mẹ cần sẵn sàng bao dung trước thất bại của con.
Khi phụ huynh tranh luận về hình phạt dành cho trẻ do đạt điểm kém, điều cần nhớ là: Có rất nhiều kỹ năng khác quan trọng hơn mà trẻ cần học ở trường, chứ không chỉ là điểm số. Thực tế, các nghiên cứu đã chứng minh điều đó.
“Các kỹ năng xã hội tốt đã được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ hơn với sự thành công trong sự nghiệp ở tuổi trưởng thành của trẻ, thay vì điểm số. Thanh thiếu niên cũng cho biết, họ có sức khỏe tâm lý và động lực nội tại tốt hơn khi cha mẹ tập trung nhiều hơn vào nỗ lực hoặc quá trình học tập của con, thay vì điểm số”, bà Emily Edlynn, Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và là cây bút chuyên mục “Hỏi mẹ” của Parents.com, cho biết.
Tiến sĩ Edlynn nói thêm rằng, hiện nay, chúng ta đang thấy mối liên hệ giữa văn hóa trường học có thành tích cao và nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất kích thích cũng như hành vi phạm pháp cao hơn đáng kể. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thậm chí còn xếp những học sinh ở các trường có thành tích cao vào nhóm nguy cơ mắc vấn đề này.
Trong khi đó, nam sinh Zach Aleba cho biết, nếu cha coi điểm kém của anh là một sự thất bại tạm thời, với những nguyên nhân tiềm ẩn thay vì một khiếm khuyết cá nhân về tính cách hoặc trí thông minh, thì có lẽ, kết quả học tập của anh đã được cải thiện đáng kể.
Trẻ thường có kết quả học tập tốt hơn khi phụ huynh thể hiện sự đồng cảm. Ảnh: INT.
Hãy cổ vũ nhiệt tình nhất
Có thể hơi sáo rỗng, nhưng quan điểm này hoàn toàn đúng. Trẻ em học cách đối xử với bản thân theo cách cha mẹ đối xử với chúng. Vì vậy, việc cha mẹ trao quyền cho con sẽ giúp trẻ tự đánh giá cao bản thân. Zach Aleba chia sẻ, khi được tiếp xúc nhiều với những người tích cực và ủng hộ, cuộc sống cũng như điểm số của anh đã được cải thiện đáng kể.
Trở thành chuyên gia góp ý
“Điều quan trọng nhất từ góc độ tâm lý là nếu điểm số của con bạn đột nhiên giảm sút, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những lo lắng tiềm ẩn khác, chẳng hạn như trầm cảm. Tôi khuyến khích các cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến những gì khác có thể đang xảy ra với con mình. Từ đó, tìm hiểu về nguyên nhân khiến trẻ bị điểm số thấp trong học tập.
Việc có cuộc đối thoại cởi mở mà không phán xét hay trừng phạt có thể tạo điều kiện để cha mẹ và con cùng nhau giải quyết vấn đề. Qua đó, giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, hỗ trợ và trao quyền”, Tiến sĩ Edlynn cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, trẻ thường có kết quả học tập tốt hơn khi phụ huynh thể hiện sự đồng cảm, hiểu được quan điểm và tập trung vào khả năng tự giải quyết vấn đề của con. Ngoài ra, những trẻ này cũng có động lực nội tại cao hơn, thái độ tích cực đối với trường học. Đồng thời, sở hữu năng lực cao hơn và sự nỗ lực lớn trong mọi việc.
Nỗi sợ thất bại
Các chuyên gia lưu ý, có sự khác biệt lớn giữa một đứa trẻ cố gắng hết sức và đứa trẻ phấn đấu vì sự hoàn hảo. Tuy hai điều này có vẻ giống nhau, nhưng chúng lại xuất phát từ những động lực khác nhau. Một đứa trẻ có tham vọng và chăm chỉ hiểu rằng, sai lầm là một phần của quá trình. Song, một đứa trẻ cảm thấy áp lực phải hoàn hảo thường bị thúc đẩy bởi nỗi sợ thất bại.
“Tất cả chúng ta đều muốn con cố gắng hết sức, quan tâm đến công việc và cảm thấy tự hào về những thành tích của mình. Tuy nhiên, trong nền văn hóa ám ảnh thành tích ngày nay, nhiều trẻ em đang tự mặc định rằng, bản thân mình làm chưa đủ”, bà Jennifer Breheny Wallace, tác giả của cuốn sách “Không bao giờ đủ: Khi văn hóa thành tích trở nên độc hại và chúng ta có thể làm gì về điều đó”, cho biết.
Các chuyên gia đã phân tích những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy, trẻ cảm thấy áp lực phải trở nên hoàn hảo và luôn sợ thất bại. Theo Tiến sĩ Y khoa Evita Limon-Rocha, bác sĩ tâm thần chuyên khoa nhi, thanh thiếu niên và người lớn tại Tập đoàn Chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente, nhu cầu phải hoàn hảo thường xuất phát từ sự kết hợp giữa các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài và tính cách bên trong. Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình đang cảm thấy áp lực, phụ huynh có thể xem xét dựa vào một số dấu hiệu rõ ràng.
Trong đó, những trẻ này thường dành nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành nhiệm vụ. Tiến sĩ Limon-Rocha cho biết, ví dụ cụ thể là một đứa trẻ dành hàng giờ để tô màu vì chúng muốn bức tranh phải thật hoàn hảo. Hoặc, chúng có thể từ chối chuyển sang các nhiệm vụ khác như ăn uống hoặc tắm rửa cho đến khi tô được một bức tranh “hoàn hảo”. Trẻ cũng có xu hướng tự phê bình bản thân quá mức.
Theo tác giả Wallace, những đứa trẻ đang gặp khó khăn với chủ nghĩa hoàn hảo có thể bỏ qua lời khen ngợi. Thay vào đó, chúng lại tập trung vào những lỗi nhỏ. Trẻ thậm chí có thể nói những điều như: “Con thật ngốc nghếch” về một điều nhỏ nhặt.
Ngoài ra, những trẻ này thường thể hiện rõ nhu cầu về sự hoàn hảo trong công việc. Tiến sĩ Limon-Rocha cho biết, cha mẹ có thể thường xuyên nghe thấy con mình bày tỏ nhu cầu hoặc mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Những trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có các cơn suy sụp hoặc tức giận, khóc lóc khi không đạt được điều bản thân muốn.
Tiến sĩ Limon-Rocha cho biết, một đứa trẻ cầu toàn có thể thể hiện cảm xúc mạnh mẽ nếu không tự hoàn thành hoạt động hoặc nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Đặc biệt, những cơn tức giận, thất vọng có thể xuất hiện thường xuyên ở trẻ.
Theo Parents
Kim Dung