Điểm tên những quốc gia đã cấm ứng dụng AI DeepSeek của Trung Quốc

Điểm tên những quốc gia đã cấm ứng dụng AI DeepSeek của Trung Quốc
4 giờ trướcBài gốc
DeepSeek là gì?
Ảnh: REUTERS/TTXVN
DeepSeek là một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Hàng Châu. Công ty được doanh nhân Liang Feng thành lập vào năm 2023. Người này đã sáng lập quỹ đầu tư phòng hộ High-Flyer trị giá 7 tỷ USD vào năm 2016.
Vào tháng 1/2025, DeepSeek ra mắt DeepSeek R1, một chatbot AI miễn phí có giao diện và cách hoạt động tương tự như ChatGPT của OpenAI (Mỹ). Chatbot này có thể giải toán, soạn thảo văn bản, viết email, dịch thuật và lập trình.
DeepSeek khác gì so với ChatGPT và các chương trình tương tự?
Điểm nổi bật của DeepSeek là chi phí phát triển thấp hơn nhiều so với các đối thủ.
DeepSeek tuyên bố trong một báo cáo hồi tháng 12/2024 rằng công việc huấn luyện mô hình AI của họ chỉ tốn chưa đến 6 triệu USD, sử dụng chip Nvidia H800.
Trong khi đó, OpenAI phải chi hơn 100 triệu USD để huấn luyện mô hình GPT-4.
Sau khi ra mắt vào ngày 20/1/2025, ứng dụng DeepSeek nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng App Store của Apple vào ngày 27/1.
Tin tức này đã khiến cổ phiếu Nvidia mất gần 600 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường do giá cổ phiếu giảm 17%.
Những quốc gia nào đã cấm DeepSeek?
Một số cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia đã chặn hoặc đang xem xét chặn DeepSeek trên thiết bị của nhân viên chính phủ.
Mỹ
Ngày 6/2, tờ Wall Street Journal đưa tin các nghị sĩ Mỹ đang lên kế hoạch đưa ra dự luật cấm DeepSeek trên các thiết bị chính phủ.
Ngày 31/1, Cơ quan Hàng không – Vũ trụ Mỹ (NASA) chặn DeepSeek khỏi hệ thống và thiết bị của nhân viên.
Trước đó, Hải quân Mỹ cảnh báo binh sĩ không sử dụng DeepSeek do lo ngại về an ninh và đạo đức..
Hàn Quốc
Ngày 7/2, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tuyên bố tạm thời cấm DeepSeek trên thiết bị của nhân viên do lo ngại về an ninh.
Chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo các bộ ngành cẩn trọng khi sử dụng các chương trình AI nói chung, bao gồm cả ChatGPT và DeepSeek.
Trước đó, ngày 31/1, Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc cho biết họ sẽ gửi yêu cầu bằng văn bản tới DeepSeek để làm rõ cách công ty xử lý dữ liệu người dùng.
Korea Hydro & Nuclear Power, công ty vận hành điện hạt nhân của Hàn Quốc, cũng đã chặn DeepSeek từ tháng 1.
Australia
Ngày 6/2, chính phủ Australia cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị của nhân viên chính phủ, viện dẫn rủi ro an ninh.
Lệnh cấm này đã được áp dụng cho tất cả các cơ quan chính phủ Australia. Bộ Nội vụ Australia ra tuyên bố yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ ngăn chặn sử dụng hoặc cài đặt các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek, đồng thời gỡ bỏ ứng dụng DeepSeek đã được cài đặt khỏi toàn bộ hệ thống và thiết bị của chính phủ Australia.
Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke nói rằng lệnh cấm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Australia.
Italy
Ngày 30/1, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy (Garante) yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu của người dùng Italy trên DeepSeek do thiếu minh bạch về quyền riêng tư.
Hai ngày trước đó, cơ quan này đã yêu cầu DeepSeek làm rõ cách lưu trữ và sử dụng dữ liệu người dùng.
Đài Loan (Trung Quốc)
Ngày 5/2, chính quyền Đài Loan cấm các cơ quan nhà nước sử dụng DeepSeek, cũng với lý do lo ngại về an ninh.
Tại sao các nước cấm DeepSeek?
Ảnh: REUTERS/TTXVN
Hầu hết các quốc gia và khu vực đưa ra lệnh cấm DeepSeek đều viện dẫn lý do rủi ro an ninh và thiếu minh bạch về dữ liệu người dùng.
Theo chính sách quyền riêng tư của DeepSeek, công ty thu thập dữ liệu người dùng, bao gồm: thông tin cá nhân như email, số điện thoại, mật khẩu, ngày sinh; lịch sử trò chuyện như nội dung tin nhắn văn bản và âm thanh mà người dùng nhập vào; thông tin thiết bị gồm địa chỉ IP, kiểu gõ phím, hệ điều hành.
DeepSeek tuyên bố họ chia sẻ thông tin này với các nhà cung cấp dịch vụ và đối tác quảng cáo, đồng thời lưu trữ dữ liệu chừng nào còn cần thiết.
Theo chính sách quyền riêng tư của ChatGPT, OpenAI cũng thu thập thông tin cá nhân như tên và thông tin liên hệ được cung cấp khi đăng ký, thông tin thiết bị như địa chỉ IP và dữ liệu đầu vào mà người dùng nhập vào chatbot chỉ trong thời gian cần thiết. Thông tin này cũng có thể được chia sẻ với các công ty liên kết của OpenAI.
DeepSeek có gửi dữ liệu về Trung Quốc?
Ngày 7/2, kênh ABC News dẫn báo cáo của Feroot Security, một công ty an ninh mạng tại Canada, cho biết DeepSeek có mã lập trình ẩn có thể gửi dữ liệu người dùng trực tiếp đến chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Ivan Tsarynny của Feroot Security khẳng định DeepSeek có thể gửi dữ liệu tới CMPassport.com, cổng đăng ký trực tuyến của China Mobile, một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
Việc thu thập dữ liệu này có bình thường không?
Ông Eddy Borges-Rey, Phó giáo sư tại Đại học Northwestern ở Qatar, cho biết tất cả các công ty công nghệ lớn như Meta, Google hay OpenAI đều khai thác dữ liệu người dùng cho quảng cáo, cải tiến thuật toán và huấn luyện AI.
Tuy nhiên, theo ông, DeepSeek bị phương Tây đối xử khác biệt do là công ty Trung Quốc. Các chính phủ lo ngại rằng theo Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc có thể yêu cầu DeepSeek chia sẻ dữ liệu.
Ông nói thêm: “Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng dữ liệu người dùng do các nền tảng Trung Quốc thu thập có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp, can thiệp hoặc giám sát. Việc này có thực sự diễn ra hay không vẫn còn tranh cãi, nhưng chỉ riêng khả năng đó cũng đủ để giải thích cho các lệnh cấm từ góc độ an ninh quốc gia”.
Ngược lại, các ứng dụng phương Tây không bị các chính phủ phương Tây coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo ông Borges-Rey, các công ty phương Tây thường bị xem là có vấn đề nhưng có thể khắc phục thông qua quy định, trong khi các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh trực tiếp, cần phải bị cấm.
Năm 2023, ChatGPT gây lo ngại về việc vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu. Ngày 1/4, Italy tạm thời chặn dịch vụ này đối với tất cả người dùng trong nước. Đến ngày 28/4/2023, ChatGPT được khôi phục tại Italy và OpenAI cho biết họ đã giải quyết hoặc làm rõ các vấn đề do Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy (Garante) nêu ra. Garante nói rằng họ hoan nghênh các biện pháp mà OpenAI đã thực hiện.
Trung Quốc cấm hoàn toàn các nền tảng phương Tây như Facebook, X và ChatGPT đối với tất cả người dùng trong nước.
Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/diem-ten-nhung-quoc-giada-cam-ung-dung-ai-deepseek-cua-trung-quoc-20250207150525066.htm