Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 10/2, trong số đó, có ít nhất hai vụ kiện mà các nguyên đơn cáo buộc chính quyền Mỹ không tuân thủ lệnh của các thẩm phán liên bang, dù chưa rõ điều này có phải là cố ý hay không.
Sau đây là những diễn biến pháp lý mới nhất nhằm vào các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Nhân viên USAID: Các nhân viên liên bang đã khai với một thẩm phán ngày 10/2 rằng chính quyền của ông Trump chưa phục chức cho các nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bị cho tạm nghỉ, mặc dù tòa án đã ra lệnh thực hiện điều này vào cuối tuần trước. Lời khai của họ được đưa ra trong một hồ sơ mới tại tòa án liên bang ở Washington, D.C.
Đóng băng viện trợ liên bang: Trước đó cùng ngày, trong một vụ kiện khác, một thẩm phán liên bang ở Rhode Island xác định rằng chính quyền Mỹ đã vi phạm trực tiếp một lệnh yêu cầu dỡ bỏ tình trạng đóng băng hàng tỷ USD viện trợ liên bang. Đây là lần thứ hai thẩm phán này ra phán quyết yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump không được cắt các khoản trợ cấp và vay vốn. Trước đó, một số bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cáo buộc chính quyền không tuân theo các lệnh trước đó của tòa án và vẫn giữ lại một số quỹ liên bang.
Trợ cấp nghỉ việc cho nhân viên liên bang: Một thẩm phán liên bang khác đã gia hạn lệnh tạm dừng thời hạn mà chính quyền Mỹ đặt ra để nhân viên liên bang chấp nhận từ chức và cũng tạm thời cấm chính phủ tiếp tục đưa ra các đề nghị trợ cấp nghỉ việc cho nhân viên. Lệnh cấm tạm thời này sẽ có hiệu lực cho đến khi thẩm phán quyết định liệu có nên hoãn vô thời hạn thời hạn này trong khi chờ các thủ tục pháp lý tiếp theo hay không.
Nghiên cứu y tế công cộng: Một thẩm phán liên bang đã tạm dừng các khoản cắt giảm ngân sách nghiên cứu y tế công cộng do chính quyền Tổng thống Trump thực hiện, nhưng lệnh tạm dừng ngày 10/2 chỉ áp dụng đối với 22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo và đã đệ đơn kiện phản đối việc cắt giảm này. Các bang này lập luận rằng các khoản cắt giảm được đề xuất sẽ làm gián đoạn vô số nghiên cứu y tế quan trọng và các sáng kiến công nghệ tiên tiến.
Quyền công dân theo nơi sinh: Ngày 10/2, một thẩm phán liên bang thứ ba đã chặn sắc lệnh hành pháp của ông Trump nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với con cái của những người cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Phán quyết của thẩm phán ở New Hampshire được đưa ra sau hai phán quyết tương tự từ các thẩm phán ở Seattle và Maryland. Có ít nhất 9 đơn kiện phản đối sắc lệnh này.
Hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính: Chính quyền Tổng thống Trump đang chống một lệnh mà một tòa án đưa ra vào ngày 7/2, theo đó hạn chế các quan chức tiếp cận hệ thống thanh toán quan trọng của Bộ Tài chính, vốn chịu trách nhiệm xử lý hàng nghìn tỷ USD quỹ liên bang. Ông Tom Krause, quan chức cấp cao nhất tại Bộ Tài chính và là đồng minh quan trọng của tỷ phú Elon Musk, đã viết thư cho thẩm phán khẳng định rằng ông chưa bao giờ có quyền trực tiếp hoặc cá nhân tiếp cận hệ thống, nhưng ông có thể xem dữ liệu thông qua các nhân viên Bộ Tài chính có quyền truy cập vào hệ thống này.
Theo NCB News, những ngày đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump được đánh dấu bằng hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm tái định hình một cách căn bản chính phủ, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và cuộc sống hằng ngày của người dân trong nước.
Tính đến ngày 7/2, ông Trump đã ký số sắc lệnh hành pháp nhiều nhất trong 100 ngày đầu tiên so với mọi tổng thống trong hơn 40 năm qua.
Theo những người chỉ trích, các sắc lệnh này đã vượt quá thẩm quyền hiến pháp của ông. Các sắc lệnh bao gồm từ áp thuế đối với Mexico, Trung Quốc và Canada, tạm dừng viện trợ nước ngoài, trấn áp nhập cư bất hợp pháp cho đến cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội và cấm sử dụng quỹ liên bang cho các dịch vụ y tế xác định lại giới tính dành cho trẻ vị thành niên.
Thùy Dương/Báo Tin tức