Điểm tên những vụ trục lợi bảo hiểm gây rúng động dư luận

Điểm tên những vụ trục lợi bảo hiểm gây rúng động dư luận
2 ngày trướcBài gốc
Theo kết quả điều tra, Tô Thị Ty Na (44 tuổi, trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Giết người” sau khi sát hại con trai ruột là bé Nguyễn Văn H. vào tối 2/1/2023. Mục đích của bà Na được xác định là nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ. Đáng chú ý, trước đó một người con khác của bà cũng đã tử vong vào năm 2021 với nguyên nhân được cho là “chết nước”. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ mối liên hệ giữa hai vụ việc.
Tô Thị Ty Na tại cơ quan công an
Cách đây gần một thập kỷ, vào năm 2016, dư luận cũng từng chấn động trước vụ việc của Lý Thị N. (sinh năm 1986, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội). Vì mắc nợ nần chồng chất, N. đã thuê người chặt đứt một phần bàn tay và bàn chân của mình với giá 50 triệu đồng, rồi dựng hiện trường giả giống như một vụ tai nạn tàu hỏa.
Kế hoạch của N. là yêu cầu bồi thường từ hàng loạt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với số tiền lên tới khoảng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hành vi gian dối này đã nhanh chóng bị cơ quan công an phát hiện khi các vết thương không phù hợp với mô tả của một vụ tai nạn đường sắt. Mặc dù vậy, vụ việc kết thúc bằng quyết định không khởi tố hình sự.
Không chỉ tự gây thương tích, nhiều đối tượng còn ra tay sát hại người khác để trục lợi bảo hiểm. Vụ án Đỗ Văn Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng), là một ví dụ điển hình.
Đầu năm 2020, vì thua lỗ trên sàn giao dịch cà phê và nợ nần chồng chất, Minh đã mua gói bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng chục tỷ đồng rồi lên kế hoạch giết người thế mạng.
Ngày 4/5/2020, Minh sát hại cháu vợ là anh Trần Nho Vương, đưa thi thể vào ô tô và đốt cháy nhằm ngụy tạo hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ý đồ của Minh là để được chi trả bảo hiểm khoảng 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự thật nhanh chóng bị phanh phui.
Tháng 1/2021, Minh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình về các tội “Giết người”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Hủy hoại tài sản” và “Xâm phạm mồ mả”.
Không dừng lại ở những cá nhân đơn lẻ, thời gian gần đây, các vụ việc gian lận bảo hiểm còn có sự tiếp tay của cả những người trong ngành. Cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã khởi tố 16 bị can trong đường dây lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm.
Hai đại lý bảo hiểm Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thị Loan, cùng một số cán bộ y tế tại các bệnh viện ở Thanh Hóa, đã phối hợp tạo dựng hồ sơ giả cho khách hàng để yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ. Trong số các bị can bị khởi tố, có cả lãnh đạo bệnh viện.
Một hình thức gian lận khác cũng gây xôn xao không kém là việc cố tình che giấu bệnh lý để ký hợp đồng bảo hiểm, như vụ việc “mua 19 hợp đồng bảo hiểm sau khi bị ung thư” bị phát hiện năm 2021.
Chỉ trong vòng hai tháng, một cá nhân đã nộp 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty khác nhau, mua được 19 hợp đồng trong khi cố tình không khai báo tình trạng bệnh tật của mình. Sau khi hết thời gian chờ, người này hợp thức hóa hồ sơ bệnh án và yêu cầu chi trả, bước đầu đã được giải ngân khoảng 4 tỷ đồng. Nếu không kịp thời bị phát hiện, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả có thể vượt 20 tỷ đồng.
Những vụ việc trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam. Từ hành vi tự gây thương tích, sát hại người thân, mua bảo hiểm khi đã mắc bệnh nặng đến việc lập khống hồ sơ y tế, các thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và có tổ chức. Thực trạng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Túc Mạch
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/diem-ten-nhung-vu-truc-loi-bao-hiem-gay-rung-dong-du-luan-139862.html