Điểm thi không như kỳ vọng, chuyên gia khuyên thí sinh điều gì?

Điểm thi không như kỳ vọng, chuyên gia khuyên thí sinh điều gì?
16 giờ trướcBài gốc
Nhiều thí sinh lo lắng khi điểm thi không đạt kỳ vọng, đối mặt với nguy cơ rớt ước mơ. Ảnh: Thùy Linh.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, điểm thi không như kỳ vọng - không phải là dấu chấm hết. Vấn đề quan trọng là thái độ nhìn nhận thực tế và sự chủ động thích ứng của mỗi học sinh trong bối cảnh tuyển sinh đại học ngày càng linh hoạt.
Giữ tỉnh táo giữa cú sốc điểm thi
Chia sẻ về tâm lý hoang mang của nhiều học sinh sau khi biết điểm thi, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định cho rằng, đây là phản ứng rất tự nhiên, nhất là với năm nay, lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo chương trình GDPT 2018, với đề thi có sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Anh.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một yếu tố trong rất nhiều phương thức xét tuyển hiện nay.
Thay vì để cảm xúc chi phối, học sinh nên bình tĩnh đánh giá lại năng lực, tìm hiểu kỹ các phương thức tuyển sinh mà các trường đại học đang áp dụng để mở rộng cơ hội trúng tuyển, thay vì chỉ tập trung vào một cánh cửa duy nhất.
TS Toàn cho rằng, đặt kỳ vọng vào một ngành hay một trường là điều đáng trân trọng, nhưng cũng dễ khiến thí sinh hụt hẫng nếu không đạt.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định. Ảnh: NVCC.
Trong trường hợp đó, cần giữ được sự tỉnh táo để tìm kiếm những sự lựa chọn khác phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân, đây không phải là dấu chấm hết, mà là một ngã rẽ.
Ông Toàn khuyên thí sinh nên đối chiếu điểm thi tốt nghiệp THPT của mình với điểm chuẩn 3 năm gần nhất của ngành/trường đã đăng ký, từ đó xác định mức độ khả thi.
Đồng thời, thí sinh có thể tìm đến các ngành gần với sở thích nhưng có yêu cầu điểm thấp hơn, miễn là vẫn giữ được định hướng nghề nghiệp ban đầu.
"Thí sinh cũng nên xem xét các phương thức xét tuyển bổ sung hoặc đăng ký vào các trường đại học có sử dụng kết quả học bạ THPT, điểm các kỳ thi đánh giá năng lực. Trong quá trình lựa chọn, thí sinh đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của thầy cô, chuyên gia tuyển sinh hoặc cựu sinh viên để có thêm góc nhìn thực tế", ông nói thêm.
Có nhiều con đường để đến với ngành nghề yêu thích, dù điểm thi không như ý. Ảnh: GDU.
Ngoài ra, theo TS Toàn, một trong những “phao cứu sinh” quan trọng giúp thí sinh tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển là tận dụng các phương thức xét tuyển thay thế.
Để tận dụng tốt các cơ hội này, điều quan trọng là học sinh phải đọc kỹ quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (đặc biệt là quy chế năm 2025 có nhiều điểm mới đáng chú ý) và đề án tuyển sinh của từng trường để hiểu rõ về mã ngành, mã trường, tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển cũng như các điều kiện phụ (nếu có).
Linh hoạt lối đi khác
Dưới góc nhìn tư vấn tuyển sinh nhiều năm, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng nhìn nhận, nhiều học sinh rơi vào "cú sốc điểm thi" vì đã đặt kỳ vọng quá cao vào một kết quả duy nhất.
“Khi điểm thấp hơn điểm chuẩn năm trước, lại thêm áp lực từ bạn bè, gia đình, xã hội, các em rất dễ mất phương hướng", ThS Sơn nói.
Thay vì hoảng loạn, ThS Sơn khuyên thí sinh nên dành thời gian đánh giá nguyên nhân khiến mình không đạt kỳ vọng: do học lực, tâm lý thi cử hay mức độ cạnh tranh của ngành.
Sau đó, vạch lại hướng đi phù hợp hơn, chọn ngành gần với đam mê, học hệ cao đẳng rồi liên thông lên đại học, hoặc thậm chí dừng lại một năm để ôn luyện, tích lũy kinh nghiệm.
“Gap year - một năm nghỉ để chuẩn bị lại đang là xu hướng phổ biến ở nhiều nước phát triển. Các em hoàn toàn có thể chọn con đường đó nếu cảm thấy chưa sẵn sàng. Đây không phải là thất bại, mà là khoảng thời gian quý giá để thí sinh khám phá bản thân, học kỹ năng và chuẩn bị tốt hơn cho năm sau", ông Phạm Thái Sơn gợi ý.
Một chiến lược thực tiễn được ThS Sơn đề xuất là phân tầng nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm trường vừa sức (tỷ lệ chọi an toàn), nhóm trường có thể đỗ nếu may mắn và nhóm trường mơ ước.
Điểm thi thấp chưa phải là thất bại, vấn đề là cách học sinh thích ứng và định hướng. Ảnh: HUIT.
Ngoài ra, với các ngành có tính liên thông cao, thí sinh có thể chọn những ngành đào tạo chung một khoa để sau này chuyển tiếp hoặc học bổ sung tín chỉ thuộc ngành yêu thích.
Ví dụ, nếu chưa đủ điểm ngành Công nghệ thực phẩm, có thể chọn ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Các ngành học này đều cùng khoa đào tạo, sinh viên có thể học thêm tín chỉ để trau dồi thêm sau này.
Không dừng lại ở giáo dục đại học trong nước, ông Sơn còn mở rộng góc nhìn về các hướng đi khác như học nghề, du học, khởi nghiệp sớm hoặc tích lũy kỹ năng thực chiến.
Không đỗ đại học không đồng nghĩa với thất bại, một năm “gap year” có thể mở ra lối đi mới. Ảnh: B.T.
"Không nên so sánh với người khác vì mỗi người có lộ trình riêng, thành công không phụ thuộc vào việc đỗ đại học ngay lần đầu, có thể năm sau cũng được, có thể học cao đẳng sau đó là liên thông đại học.
Nếu vào ngành không như ý thì học thêm tín chỉ đại học thuộc ngành yêu thích, đại học chỉ là một chặng đường chứ không phải là tất cả, các em có thể học nghề, tự khởi nghiệp hoặc tích lũy kinh nghiệm từ sớm. Miễn là các em có ý chí phấn đấu để học tập suốt đời", ThS Sơn nhấn mạnh.
Dù điểm thi không như ý, thí sinh không nên xem đó là thất bại. Ngược lại, đây có thể là bước ngoặt để các em học cách thích nghi, điều chỉnh và trưởng thành.
Trong thời đại mà giáo dục đại học đang ngày càng mở với hàng loạt phương thức xét tuyển đa dạng và linh hoạt, cơ hội vẫn luôn hiện hữu cho những ai biết nắm bắt.
Sau khi hoàn tất đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước 17h ngày 22/8. Thí sinh tra cứu kết quả tại Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng thông tin tuyển sinh của các trường đại học.
Thùy Linh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/diem-thi-khong-nhu-ky-vong-chuyen-gia-khuyen-thi-sinh-dieu-gi-post740036.html