Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025: Phản ánh đúng chất lượng, thuận lợi xét tuyển vào đại học

Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025: Phản ánh đúng chất lượng, thuận lợi xét tuyển vào đại học
9 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
513 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 513 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, 141 thí sinh được điểm 10 môn tiếng Anh, không có điểm 10 môn Ngữ văn.
Cụ thể, môn Toán có trên 1,12 triệu thí sinh dự thi, trong đó có 513 thí sinh đạt điểm 10. Trong khi đó năm 2024, số điểm 10 là 0. Ninh Bình, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hưng Yên là các địa phương có nhiều điểm 10 môn Toán nhất.
Môn ngữ văn phổ điểm tương đối ổn định, nhưng không có điểm 10 (năm 2024 có 2 điểm 10).
Môn tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38, với 141 điểm 10. Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương có nhiều điểm 10 tiếng Anh nhất.
Trao đổi tại Hội nghị, các chuyên gia đánh giá phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phân hóa tốt, đề thi được cải tiến, học sinh thích ứng nhanh và các địa phương có sự tiến bộ rõ rệt. Kỳ thi không chỉ đánh giá năng lực của học sinh, phục vụ tuyển sinh, mà còn là căn cứ quan trọng để điều chỉnh chiến lược giáo dục quốc gia.
Không thể bằng lòng với phổ điểm đồng đều
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay phản ánh đúng chất lượng và có sự phân hóa tốt, đặc biệt ở hai môn Toán và tiếng Anh. Môn Toán có tính phân loại cao, đề thi được đánh giá là tốt nhất từ năm 2018 đến nay, giúp nhận diện rõ học sinh khá, giỏi và trung bình.
Môn tiếng Anh cũng có phổ điểm sáng, đề thi điều chỉnh chuẩn đầu ra từ A2 lên B1, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại Hội nghị
Cũng đánh giá phổ điểm có sự phân hóa tốt, GS.TS Phạm Hồng Quang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên khẳng định, giáo dục cần giữ nguyên tắc yêu cầu cao, không thể bằng lòng với phổ điểm đồng đều. Việc phân hóa là cần thiết để giúp học sinh tự nhận diện năng lực, từ đó chọn cho mình những con đường phù hợp.
Về phương pháp xây dựng đề thi và đánh giá, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, không cần tranh luận đề dễ hay khó, mà quan trọng là phải có một hệ thống thang đo năng lực phù hợp, giúp nhận diện chính xác tiềm năng của học sinh. Việc này sẽ đảm bảo đào tạo ra người tài thực sự, không chỉ dựa vào điểm số tuyệt đối.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay thú vị và bất ngờ, nhất là với môn Toán và tiếng Anh, với phổ điểm rất hài lòng. Đề thi môn Toán đã giúp phân tích, đánh giá năng lực học sinh rõ ràng hơn.
“Dường như khả năng thích ứng của học sinh tốt hơn nhiều so với cách người lớn đánh giá bằng cảm tính. Với dữ liệu phổ điểm như hiện nay đã hạn chế được các nhận xét cảm tính, điều đó rất lạc quan”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
GS.TS Phạm Hồng Quang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên
Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành cũng cho rằng, phổ điểm rất đúng thực chất, đồ thị phân hóa đẹp, mượt mà. Nhờ sự chỉ đạo từ Bộ GDĐT, địa phương chuẩn bị kỹ về đề minh họa, cấu trúc đề, phân hóa đối tượng, dạy học theo năng lực nhóm học sinh nên kết quả phản ánh đúng năng lực.
Qua phổ điểm các môn, GS.TS Phạm Hồng Quang đặc biệt ấn tượng khi nhiều địa phương khó khăn có kết quả nổi bật. Điều này cho thấy học sinh vùng khó khăn vẫn có thể đạt kết quả tốt, tạo sự hưng phấn và tự tin cho người học.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh sự vươn lên của các tỉnh như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang. Đặc biệt, An Giang từ vị trí 64 đã tiến bộ rõ nhờ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục. Các môn thi khó như tiếng Anh, nhiều học sinh ở các tỉnh này vẫn đạt điểm cao, thậm chí điểm 10, nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tốt hơn.
Thuận lợi xét tuyển đại học
Về công tác xét tuyển đại học, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá đây là một bước tiến quan trọng, nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh và giúp các trường đại học yên tâm hơn khi tuyển sinh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của STEM và chuẩn đầu ra ngoại ngữ trong thời đại mới, đồng thời đánh giá cao công sức của Bộ GDĐT, Cục Quản lý Chất lượng trong việc chuẩn hóa kỳ thi. Việc này không chỉ phục vụ tốt cho tuyển sinh đại học mà còn góp phần thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục, đáp ứng xu thế quốc tế.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức trao đổi tại Hội nghị
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, dạng đề thi mới buộc học sinh phải có kiến thức thật mới giải được, không thể học mẹo hay tính ngược như trước. Đề tiếng Anh dù dài nhưng hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12. Điều này cũng phản ánh việc dạy ngoại ngữ cần thay đổi, các thầy cô cần dạy như một “sinh ngữ”, rèn luyện đầy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để học sinh sử dụng được trong thực tế.
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, phổ điểm giúp Nghệ An đánh giá lại từng môn, điều chỉnh cách dạy, tăng cường giải quyết vấn đề và ứng dụng thực tế để hoàn thiện chương trình GDPT 2018.
Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành trao đổi tại Hội nghị
Giáo dục phải đánh giá cả quá trình, không chỉ dựa vào điểm số
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã thành công tốt đẹp, đảm bảo các mục tiêu theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đó là, xét công nhận tốt nghiệp THPT, ghi nhận kết quả 12 năm học tập của học sinh. Đánh giá công tác quản lí, chất lượng dạy học phổ thông, từ đó làm căn cứ điều chỉnh chính sách về giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ cho giáo viên và học sinh. Cung cấp số liệu tin cậy cho công tác tuyển sinh đại học.
Để đạt được mục đích này, áp lực với Bộ GDĐT, với các Sở GDĐT trong tổ chức Kỳ thi là rất lớn; nhưng với quyết tâm cao, phải vượt qua áp lực, khó khăn để làm tốt, vì người học.
Chia sẻ khó khăn trong tổ chức Kỳ thi năm nay, Thứ trưởng nhắc đến việc chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực; nên độ khó, dễ của đề cũng phải có một chuẩn riêng. Thêm nữa, học sinh được lựa chọn môn thi để bảo đảm định hướng nghề nghiệp, giúp các em phát huy hết phẩm chất, năng lực; nên dù có môn rất ít học sinh lựa chọn (thậm chí có địa phương, có môn chỉ có 1 thí sinh dự thi), các em vẫn được tạo điều kiện tối đa. Buổi thi môn lựa chọn, tổ chức đồng loạt cho nhiều môn thi cũng là thử thách lớn… Đổi lại, học sinh rất phấn khởi vì được phát huy sở trường của mình. Đó là điều rất thành công.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
Về chất lượng và phổ điểm, Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định.
Về quá trình đổi mới giáo dục, Thứ trưởng đánh giá, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018, từ dạy học đến đánh giá, trang bị kiến thức cho học sinh là phù hợp với chương trình đổi mới. Học sinh phổ thông chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới. Giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. Dù điểm là thông số định lượng quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất. Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện.
“Ban đầu có những lo lắng, nhưng giờ đây, định hướng đổi mới là đúng đắn, phát huy hết sở trường, năng lực, nguyện vọng của các em học sinh. Ngành giáo dục và các thầy cô nỗ lực, tổ chức công tác coi thi thật, chấm thi thật, ra đề thật, nhưng giảm áp lực và giảm tốn kém cho gia đình học sinh, tăng cơ hội cho học sinh”, Thứ trưởng nói.
Về tuyển sinh đại học, Thứ trưởng khẳng định kết quả Kỳ thi năm nay đủ độ tin cậy để các trường yên tâm tuyển sinh. Lần đầu tiên quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục và toàn ngành giáo dục trong Kỳ thi lần này. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lí, để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
Sơn Hồng
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/diem-thi-tot-nghiep-thpt-2025-phan-anh-dung-chat-luong-thuan-loi-xet-tuyen-vao-dai-hoc-10379788.html