Điểm thi vào 10 không nhân hệ số 2 giúp học sinh nhận rõ năng lực

Điểm thi vào 10 không nhân hệ số 2 giúp học sinh nhận rõ năng lực
7 giờ trướcBài gốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Tại khoản 6, Điều 13 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông quy định: “Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 (mười) với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi”.
Lãnh đạo một số Phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quy định bỏ nhân hệ số giúp điểm thi thể hiện chính xác năng lực của học sinh.
Góp phần phản ánh thực chất điểm số của học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Thế Đông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã áp dụng cách tính điểm xét tuyển với 3 môn thi, bài thi trên thang điểm 10 mỗi môn thi, bài thi từ năm 2019.
Theo thầy Đông, cách tính điểm nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn có thể tạo ra cảm giác ngộ nhận cho học sinh là đạt điểm cao 3 môn thi. Tuy nhiên, nếu không nhân hệ số, điểm của học sinh sẽ thấp hơn thực tế rất nhiều.
“Những năm trước, tỉnh Bắc Giang tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Đơn cử nếu môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, môn Tiếng anh có hệ số 1 thì tổng hệ số là 5. Giả sử điểm chuẩn là 20, thì điểm trung bình thực tế của từng môn chỉ là 4 điểm, thay vì là trên 6,5 điểm trung bình mỗi môn thi như nhiều phụ huynh hay lầm tưởng. Mặc dù tổng điểm cao hơn vì nhân hệ số, nhưng nếu không xét đến hệ số, điểm trung bình thực sự của các môn lại thấp hơn. Do đó, cách tính điểm có nhân hệ số không phản ánh rõ ràng năng lực thực tế của học sinh, dẫn đến sự hiểu nhầm về chất lượng điểm số”, thầy Đông lý giải.
Vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng, trên thực tế, khi áp dụng cách tính điểm nhân hệ số cũng có thể xảy ra trường hợp học sinh giỏi môn tiếng Anh mất lợi thế do học kém môn Toán, Ngữ văn vì 2 môn này nhân hệ số 2. Ngược lại, những học sinh kém tiếng Anh vẫn có thể trúng tuyển do có thế mạnh môn Toán, Ngữ văn vì môn tiếng Anh có hệ số 1, trong khi 2 môn còn lại nhân hệ số 2.
“Do đó, Thông tư 30 đã đơn giản hóa cách tính điểm, đảm bảo sự công bằng trong đánh giá năng lực học sinh và tạo cơ hội ngang bằng cho tất cả các em. Chưa kể, việc nhân hệ số trong điểm xét tuyển vào lớp 10 chỉ góp phần làm gia tăng việc học lệch môn. Bởi học sinh chỉ lo tập trung học môn Toán, Ngữ văn, đồng thời dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan với các lớp luyện thi môn Toán, Ngữ văn.
Tuy nhiên, đối với các địa phương vẫn đang áp dụng cách tính điểm nhân hệ số, việc áp dụng quy định mới cũng cần có thời gian để chuẩn bị, tránh gây khó khăn cho học sinh và giáo viên. Bởi, khi áp dụng theo quy định mới, giáo viên cần điều chỉnh lại phương pháp giảng dạy để giúp học sinh nắm bắt toàn diện kiến thức. Đồng thời, học sinh cũng cần thời gian để thích nghi với cách tính điểm mới, đặc biệt là những em đang chuẩn bị thi vào lớp 10 trong năm tới”, thầy Đông bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, thầy Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nhận định, những năm qua, ngành giáo dục huyện Than Uyên đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng các tiêu chí về phổ cập giáo dục cũng như phát triển toàn diện học sinh. Trước khi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục được ban hành, tỉnh Lai Châu đã áp dụng cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 bằng tổng điểm 3 môn tính trên thang điểm 10 mỗi môn thi, bài thi.
Thầy Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Than Uyên.
Theo thầy Đạt, một trong những điểm hạn chế của việc áp dụng cách tính điểm có nhân hệ số là dễ khiến học sinh đối diện với tình trạng học lệch. Các em có xu hướng chỉ tập trung chú trọng môn Toán, Ngữ văn mà xem nhẹ các môn học khác.
Tuy nhiên, với quy định mới của Thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất một cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 và áp dụng trên cả nước từ ngày 14/2/2025. Xét về tổng quan, quy định điểm xét tuyển vào lớp 10 không nhân hệ số mang ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá toàn diện và thực chất năng lực của học sinh. Theo đó, quy định sẽ góp phần khuyến khích học sinh chú trọng học đều các môn, tránh tình trạng học lệch.
Đối với huyện Than Uyên, quy định này sẽ thúc đẩy cách học tích cực hơn, đồng thời học sinh không chỉ tập trung vào Toán và Ngữ văn mà còn quan tâm đến các môn khác, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngoài ra, quy định công bố điểm chuẩn cùng với điểm thi giúp học sinh và phụ huynh dễ dàng đối chiếu và đánh giá, góp phần hướng đến sự minh bạch trong tuyển sinh.
“Ngoài ra, quy chế mới không gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức kỳ thi tại địa phương, vì trước đây chúng tôi đã áp dụng cách tính điểm xét tuyển tương tự như quy định hiện tại của Thông tư 30. Bên cạnh đó, việc lựa chọn môn thi thứ 3 sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu thống nhất trong toàn tỉnh”, thầy Đạt nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm qua, địa phương tính điểm xét tuyển vào lớp 10 bằng tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng anh. Trong đó, điểm bài thi môn Ngữ văn và môn Toán được tính hệ số 2, điểm bài thi môn Tiếng Anh tính hệ số 1.
Tuy nhiên, theo thầy Hiền, cách tính điểm này không còn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi việc nhân đôi môn Toán, Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vô hình chung đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên 2 môn, dẫn đến tình trạng môn chính, môn phụ rõ nét.
Chưa kể, nếu nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn, thí sinh rất có thể ngộ nhận là đạt điểm cao. Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng am hiểu tường tận về bản chất của kết quả thi, dẫn đến nắm chưa đúng thực lực của con em mình.
Thầy Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan)
"Mục tiêu giáo dục hiện nay không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, mà còn tập trung vào phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, hướng đến đánh giá một cách toàn diện. Vì vậy, kỳ thi vào lớp 10 cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do đó, quy định tính điểm xét tuyển vào lớp 10 không nhân hệ số trong Thông tư 30 sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, thay đổi này khuyến khích học sinh học đều các môn, thay vì chỉ tập trung vào Toán và Ngữ văn. Khi không còn sự ưu tiên về điểm số, học sinh sẽ chú trọng hơn đến việc phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, cách tính điểm mới giúp học sinh phân bổ thời gian học tập hợp lý, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đánh giá. Với cách tính điểm mới, kết quả thi sẽ phản ánh chính xác năng lực thực tế của học sinh ở cả 3 môn thi. Đây cũng là cách tính này phù hợp hơn với bối cảnh giáo dục hiện nay, nơi năng lực toàn diện của học sinh được đặt lên hàng đầu.
“Cách tính điểm thi trên thang điểm 10 mỗi môn thi, bài thi sẽ giúp việc đánh giá trở nên khách quan và hợp lý hơn. Phụ huynh cũng có thể dễ dàng theo dõi kết quả học tập của con em mình mà không cần phải tính toán phức tạp như trước đây. Đặc biệt, sự thay đổi trong cách tính điểm thi cũng góp phần giảm thiểu tình trạng luyện thi tràn lan chỉ tập trung ở môn Toán và Ngữ văn. Thay vào đó, học sinh sẽ được khuyến khích học tập một cách cân đối và khoa học hơn, hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài thay vì chỉ đạt được kết quả ngắn hạn”, thầy Hiền nêu quan điểm.
Hướng tới kỳ thi minh bạch, công bằng với thí sinh trên cả nước
Để thực hiện quy chế tuyển sinh mới hiệu quả, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, địa phương đã triển khai một loạt các hoạt động như: Tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về nội dung Thông tư 30; phổ biến quy định mới đến từng trường và phụ huynh học sinh; chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Đồng thời, địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị truyền thông để giải thích rõ ràng, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của quy định mới.
“Do đó, việc không nhân hệ số là một bước tiến quan trọng để đảm bảo tính công bằng giữa các môn học, giúp định hướng lộ trình giáo dục toàn diện hơn cho học sinh. Đồng thời, với quy định mới, phụ huynh có thể nắm rõ về lực học hiện tại của con em mình, từ đó có định hướng phù hợp”, thầy Đạt khẳng định.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng cho học sinh và phụ huynh nắm rõ về Thông tư 30 là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa: PM)
Còn theo quan điểm của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, do tỉnh đã triển khai cách tính điểm thi vào 10 như Thông tư 30 ban hành nên phương pháp giảng dạy, lộ trình ôn luyện gần hầu như sẽ không bị xáo trộn, thay đổi nhiều. Tuy vậy, địa phương đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyên, phổ biến cho học sinh và phụ huynh về Thông tư 30. Bởi ngoài điểm mới về cách tính điểm thi, Thông tư 30 còn nhiều nội dung đã được điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Theo tôi, việc điều chỉnh các quy định của Thông tư 30 là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các phòng giáo dục, giáo viên và phụ huynh trên cả nước để đưa ra những chính sách giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương”, thầy Đông bày tỏ.
Theo thầy Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng, tỉnh Lạng Sơn, một trong những khó khăn khi triển khai Thông tư 30 là công tác tuyên truyền về quy định mới cho học sinh và phụ huynh nắm rõ. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều hộ gia đình là người dân tộc, do đó khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Để truyền đạt thông tin một cách hiệu quả và tối ưu, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học thường xuyên chủ động giữ liên lạc với phụ huynh để kịp thời thông báo.
Bên cạnh đó, địa phương đề nghị các trường học cần tăng cường giáo dục định hướng cho học sinh, giúp các em hiểu rõ ý nghĩa của cách tính điểm không nhân hệ số và chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10. Đồng thời, khuyến khích phụ huynh đồng hành cùng con em mình trong việc điều chỉnh thói quen học tập.
“Tóm lại, sự thay đổi này hướng tới một kỳ thi minh bạch, công bằng và phản ánh đúng năng lực của học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai cần được thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo tính hiệu quả và nhận được sự đồng thuận từ các bên liên quan”, thầy Hiền bày tỏ.
Thu Thủy
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/diem-thi-vao-10-khong-nhan-he-so-2-giup-hoc-sinh-nhan-ro-nang-luc-post248645.gd