Điểm thu mua, tập kết phế liệu - nỗi lo cháy nổ trong lòng thành phố

Điểm thu mua, tập kết phế liệu - nỗi lo cháy nổ trong lòng thành phố
19 ngày trướcBài gốc
Cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có thể nói việc thu mua, tập kết phế liệu đã góp phần giảm bớt rác thải trong khu vực nội đô, tạo việc làm cho người lao động nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn trong thành phố ở những điểm thu gom, tập kết. Thực tế, đã có nhiều vụ cháy gây chết người bắt nguồn từ điểm tập kết, thu mua phế liệu.
Hiểm họa báo trước
Cuối năm 2023, vụ hỏa hoạn làm 3 mẹ con trong một gia đình tử vong tại thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì làm nhiều người dân Thủ đô day dứt, xót xa. Anh Y (hộ khẩu tại Nam Định) làm nghề thu mua phế liệu trong căn nhà khoảng 20m2 tại thôn Văn Điển, đã dùng máy ép các lon, hộp sắt, bình… Quá trình làm việc, máy nén đã ép vào bình xịt tóc gây hỏa hoạn. Anh Y kịp thoát ra ngoài nhưng vợ và 2 con anh đã bị ngọn lửa dữ cướp đi sinh mạng.
Mới đây, khoảng 7 giờ 50 phút ngày 10/12, người dân sinh sống gần ngõ 67, đường Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm phát hiện đám cháy từ bãi tập kết rác, phế liệu sau đó lan sang lán tạm gần đó. Do có nhiều chất dễ cháy, lại xảy ra ở vào thời điểm hanh khô nên ngọn lửa bùng lên dữ dội, kèm theo khói đen mù mịt. Sau hơn 30 phút, đám cháy cơ bản được khống chế; đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn, không gây thiệt hại về người.
Trước đó, vào 9 giờ 52 phút ngày 8/11, tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đã bất ngờ xảy ra vụ cháy tại bãi phế liệu, ngọn lửa nhanh chóng lan sang căn nhà cấp 4 gần đó. Công an quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với Công an quận Thanh Xuân huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng 4 xe chữa cháy tới hiện trường để dập lửa. May mắn vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.
Những vụ việc trên cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại các điểm tập kết, thu mua phế liệu là rất lớn; tính chất cháy rất phức tạp.
Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) hiện có khoảng 30 điểm tập kết, cơ sở thu mua phế liệu, phần lớn là phát triển tự phát theo quy mô gia đình với quy trình sản xuất thủ công. Sau khi thu mua nhựa, giấy, các loại vỏ bình bằng kim loại đến linh kiện điện tử..., các chủ cơ sở sẽ chế biến cắt, ép hoặc nấu để bán nguyên liệu thô. Quá trình sản xuất thô sơ, người sản xuất hầu hết là lao động thời vụ, thiếu kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy nên nguy cơ hỏa hoạn rất cao.
Theo quan sát của phóng viên, phần lớn các cơ sở tập kết, thu mua phế liệu đều của tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, nơi tập kết kết hợp nơi ở, sát nhà dân; cơ bản đều thiếu trang thiết bị cần thiết để dập lửa ngay khi phát hiện ra hỏa hoạn.
Chính từ việc thiếu kiến thức, thiết bị phòng cháy nên những điểm tập kết, thu mua phế liệu đang là ẩn họa khiến người dân xung quanh lo lắng.
Anh Nguyễn Thanh Dũng, người dân sống cạnh điểm tập kết, thu mua phế liệu tại xã Tân Triều chia sẻ, hằng ngày, nhìn hàng trăm kilogram phế liệu được thu mua rồi chất đống lẫn lộn khiến anh và nhiều người xung quanh vô cùng ái ngại. Nó không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, ô nhiễm môi trường mà đáng lo nhất là hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gia đình anh sống trong lo âu nhưng cũng không biết làm cách nào để ngăn việc tập kết, thu mua phế liệu trong khu dân cư.
Tăng cường quản lý từ cơ sở
Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thu mua phế liệu thực hiện các biện pháp PCCC.
Theo Công an thành phố Hà Nội, cơ sở tập kết, thu mua phế liệu hoạt động trong ngõ dẫn tới việc xe chữa cháy khó vào, chưa kể có rất ít trụ nước chữa cháy xung quanh, việc tập kết phế liệu chất thành đống cao, che bít lối thoát nạn… Khi cháy nổ xảy ra dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Công an thành phố Hà Nội đề nghị, chủ các điểm tập kết, thu mua phế liệu chủ động nâng cao ý thức, chấp hành tốt các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình và tại địa phương. Công an các địa phương cần kiểm tra các điểm tập kết, thu mua phế liệu.
Thượng tá Lã Công Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về điều kiện phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở tập kết, thu mua phế liệu còn chưa cụ thể, rõ ràng nên cơ quan chức năng không thể cấm các cơ sở này hoạt động. Để hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đơn vị đã lập chuyên đề kiểm tra các cơ sở, hướng dẫn, khuyến cáo chủ các cơ sở nâng cao ý thức và đầu tư thêm trang thiết bị phòng cháy. Những cơ sở quá gần với khu dân cư, nguy cơ cháy nổ cao, Công an huyện đã tham mưu với cấp có thẩm quyền di dời điểm tập kết, thu mua phế liệu tới nơi an toàn.
Về lâu dài, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lâm Thị Quỳnh Dao cho biết, thành phố đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2025 - 2030. Sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện Đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Thực hiện Đề án, thành phố sẽ tiến hành ập huấn nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, cháy, chữa cháy cho các hộ dân; cấp trang thiết bị phòng cháy cho cơ quan chức năng và khu dân cư và nhiều việc làm khác. Chính sách kịp thời, cùng với ý thức người dân được nâng lên sẽ góp phần giảm nguy cơ hỏa hoạn ở các cơ sở tập kết, thu mua phế liệu.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương cũng cần sớm có quy hoạch di dời các cơ sở thu mua phế ra khỏi khu dân cư theo quy định, tránh làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở thu mua phế liệu phải lấy yếu tố phòng cháy, chữa cháy là điều kiện kiên quyết.
Bài, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/diem-thu-mua-tap-ket-phe-lieu-noi-lo-chay-no-trong-long-thanh-pho-20241217140829390.htm