Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 1/5: Thanh tra Bắc Ninh chỉ rõ loạt sai phạm tại Dự án Khu nhà ở xã Phù Khê

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 1/5: Thanh tra Bắc Ninh chỉ rõ loạt sai phạm tại Dự án Khu nhà ở xã Phù Khê
7 giờ trướcBài gốc
Thanh tra Bắc Ninh chỉ rõ loạt sai phạm tại Dự án Khu nhà ở xã Phù Khê
Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quá trình thực hiện Dự án Khu nhà ở xã Phù Khê (nay là phường Phù Khê, TP Từ Sơn). Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm, hạn chế liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng và trật tự đô thị.
Phối cảnh tổng dự án
Dự án có tổng diện tích gần 7,85 ha, do Công ty TNHH Đại An trúng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng. Dù hạ tầng đã được nghiệm thu, bàn giao, song quá trình thực hiện dự án bộc lộ nhiều tồn tại. Trong đó, việc lấy ý kiến cộng đồng về điều chỉnh quy hoạch không đúng quy trình; đánh giá về phòng cháy chữa cháy không đầy đủ; chưa công khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết; chưa thực hiện cắm mốc quy hoạch.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng chưa di dời mộ theo phương án đã phê duyệt; thậm chí đề nghị giao đất đấu giá khi chưa hoàn tất bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định. Quản lý đầu tư xây dựng cũng có sai sót về khối lượng, đơn giá, quyết toán chi phí. Giá trị chênh lệch phát hiện qua thanh tra là hơn 843 triệu đồng, trong đó Công ty Đại An phải nộp bổ sung hơn 316 triệu đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách. Đơn vị đã nộp đủ số tiền theo yêu cầu.
Ngoài ra, còn có trường hợp xây dựng sai mẫu nhà được duyệt nhưng chưa bị xử lý theo đúng thẩm quyền. Trách nhiệm thuộc về nhiều đơn vị như UBND phường Phù Khê, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Từ Sơn, các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp thực hiện dự án.
Thanh tra tỉnh kiến nghị xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan, yêu cầu nhà đầu tư phối hợp di dời mồ mả, bố trí vốn thanh toán cho nhà thầu và thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục theo quy định.
Hà Nội phạt đến 400 triệu đồng nếu tự ý chuyển đất trồng lúa thành đất ở
Ngày 29/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trái phép sẽ bị phạt tới 400 triệu đồng.
Nghị quyết quy định mức phạt gấp 2 lần so với quy định tại Nghị định số 123 của Chính phủ, nhưng không vượt quá giới hạn tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa thành đất ở với diện tích từ 0,1 ha trở lên tại địa bàn cấp xã sẽ bị phạt từ 300 – 400 triệu đồng. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhóm đất nông nghiệp mà không được phép, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 20 – 60 triệu đồng nếu diện tích từ 3 ha trở lên.
Ngoài ra, hành vi chuyển đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở, cũng có thể bị phạt từ 300 – 400 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5 ha trở lên. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký, các vi phạm trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ.
UBND TP. Hà Nội khẳng định việc tăng mức phạt nhằm nâng cao tính răn đe, siết chặt kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đồng thời cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, hướng tới phát triển đô thị bền vững và hiện đại.
TPHCM đề xuất giao cấp xã được quyền cấp sổ hồng và giao đất cho cá nhân
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa đề xuất chuyển thẩm quyền giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ hồng) cho cá nhân từ cấp huyện xuống cấp xã, nhằm đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và tạo thuận lợi cho người dân.
Ảnh minh họa
Đề xuất này nằm trong báo cáo gửi Sở Tư pháp để tham mưu UBND TP trình Chính phủ, liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: thành phố và xã/phường.
Hiện ngành tài nguyên và môi trường TP đang quản lý 304 thủ tục hành chính, trong đó 48 thủ tục thuộc cấp huyện. Sở đề xuất phân bổ lại: chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục về cấp xã và bãi bỏ 6 thủ tục trùng lặp. Lĩnh vực đất đai được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình tổ chức lại, đòi hỏi điều chỉnh nhiều nội dung theo Luật Đất đai năm 2024.
Ngoài việc phân quyền, Sở TN&MT cũng đề xuất tái cấu trúc hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai theo mô hình 9–12 cụm khu vực thay vì 22 chi nhánh như hiện tại, nhằm tinh gọn đầu mối, sử dụng hiệu quả nhân lực và giảm khoảng cách di chuyển cho người dân.
Đặc biệt, đội ngũ công chức, viên chức Phòng TN&MT quận, huyện sẽ được giữ lại và phân bổ về UBND cấp xã/phường để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý đất đai.
Vĩnh Phúc thu hồi gần 1,1 ha đất của 14 hộ dân để thực hiện dự án đô thị
UBND thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) vừa thông báo thu hồi gần 11.000m² đất của 14 hộ gia đình, cá nhân tại phường Hùng Vương để phục vụ Dự án Đầu tư phát triển đô thị do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà làm chủ đầu tư.
Phần lớn diện tích thu hồi là đất trồng lúa (hơn 9.800m²), còn lại là đất trồng cây lâu năm, đất giao thông, đất thủy lợi và đất hoang. Việc thu hồi đất sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 4/2025. Chính quyền yêu cầu các hộ dân phối hợp trong việc kiểm đếm, khảo sát để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp không chấp hành, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm đếm bắt buộc theo quy định.
Dự án Đầu tư phát triển đô thị tại phường Hùng Vương có tổng diện tích hơn 6,7 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 460 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất). Trước đó, UBND thành phố đã phê duyệt phương án bồi thường đối với hơn 5,6 ha của trên 100 hộ dân, song vẫn còn nhiều trường hợp chưa đồng thuận với mức đền bù, yêu cầu thương lượng lại về giá.
Ngoài dự án tại Hùng Vương, Công ty Thân Hà còn là chủ đầu tư hai dự án nhà ở xã hội tại Vĩnh Phúc và Hà Nội, gồm khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng (252 căn) và khu đô thị Kim Hoa, Mê Linh (720 căn), với tổng diện tích hơn 5 ha.
Hà Nội đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng xây tuyến đường mới kết nối cầu Tứ Liên
Sáng 29/4, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường mới dài hơn 5,6km, kết nối từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 5.076 tỷ đồng, được chia đều từ ngân sách thành phố và huyện Đông Anh.
Hà Nội đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng xây tuyến đường mới kết nối cầu Tứ Liên/Ảnh minh họa
Tuyến đường sẽ đi qua 4 xã của huyện Đông Anh gồm Đông Hội, Mai Lâm, Dục Tú và Liên Hà. Điểm đầu của tuyến nằm tại nút giao cầu Tứ Liên – đường Trường Sa, điểm cuối tại nút giao với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Tuyến đường có mặt cắt ngang 60m, với 3 nút giao quan trọng gồm Quốc lộ 3 cũ, đường sắt Hà Nội – Lào Cai, và Vành đai 3.
Dự kiến triển khai từ năm 2025 đến 2027, tuyến đường sẽ đồng bộ với tiến độ xây dựng cầu Tứ Liên – công trình quan trọng được khởi công ngày 19/5/2025. Ngoài vai trò giải tỏa áp lực giao thông khu vực, tuyến đường mới còn tạo động lực phát triển đô thị phía Bắc Thủ đô, tăng giá trị khai thác quỹ đất và kết nối hiệu quả với các dự án giao thông liên vùng như tuyến đường nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với Hà Nội.
Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông huyện Đông Anh, đồng thời góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững.
Huy Tùng (T/h)
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-15-thanh-tra-bac-ninh-chi-ro-loat-sai-pham-tai-du-an-khu-nha-o-xa-phu-khe-727011.html