Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 12/4: Loạt sai phạm trong thẩm định các dự án lớn tại Nha Trang

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 12/4: Loạt sai phạm trong thẩm định các dự án lớn tại Nha Trang
7 ngày trướcBài gốc
Loạt sai phạm trong thẩm định các dự án lớn tại Nha Trang
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng giai đoạn 2015–2022. Qua đó, nhiều thiếu sót nghiêm trọng đã được chỉ ra tại các dự án lớn trên địa bàn thành phố Nha Trang và thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa).
Dự án The Arena Nha Trang.
Tại dự án The Arena (phường Cam Nghĩa, Cam Ranh), do Công ty CP Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã thẩm định thiết kế cơ sở các tòa A1 và A2 khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt. Nhiều thông số kỹ thuật bị điều chỉnh sai lệch, giảm so với quy hoạch ban đầu, như diện tích xây dựng, số căn hộ, diện tích sàn… Đồng thời, việc thẩm định được tiến hành khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.
Tương tự, tại dự án khách sạn Thành Đạt (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang), do Công ty TNHH Thành Đạt làm chủ đầu tư, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã căn cứ vào giấy phép xây dựng và phương án kiến trúc thay vì căn cứ quy hoạch chi tiết, dẫn đến nhiều chỉ tiêu sai lệch, như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tổng số phòng.
Đối với dự án khách sạn cao cấp Vân Phong do Công ty TNHH Forio Nha Trang làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ kết luận quá trình thẩm định diễn ra chậm và không đúng quy định. Đặc biệt, chủ đầu tư đã xây dựng xong công trình và đưa vào sử dụng trước khi trình thẩm định thiết kế điều chỉnh – hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về xây dựng và quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và chấn chỉnh công tác thẩm định, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Lâm Đồng thu hồi hơn 15.000 m² đất của dự án cà phê Trung Nguyên Legend
Ngày 9/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thu hồi 15.529 m² đất tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm – khu đất trước đó được giao cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên thuê để triển khai dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend.
Dự án từng được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận từ tháng 10/2017 với thời hạn hoạt động 50 năm, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm người đại diện pháp luật. Theo kế hoạch, các hạng mục chính như khu trưng bày, nhà chòi, khu ở cho nhân viên... dự kiến hoàn thành vào quý III năm 2019. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, dự án chỉ được đầu tư một số hạng mục nhỏ rồi bỏ hoang, để cỏ mọc um tùm.
Lý do thu hồi được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra là do chủ đầu tư vi phạm khoản 8 và 9, Điều 81, Luật Đất đai 2024, cụ thể là không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục kể từ ngày bàn giao, đồng thời chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng so với cam kết ban đầu.
Trước đó, ngày 19/9/2022, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định chấm dứt dự án. Theo Kết luận số 9097/KL-BKHĐT ngày 23/12/2021 của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án vi phạm Luật Đầu tư các năm 2014 và 2020 do chậm tiến độ và không sử dụng đất đúng quy định.
Đến tháng 12/2023, Trung Nguyên từng gửi văn bản xin tiếp tục sử dụng phần diện tích 4.337 m² còn lại của dự án, nhưng đề xuất này đã bị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh bác bỏ.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ đất trúng đấu giá 20 năm chưa có sổ đỏ
Tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4, tổ chức tại trụ sở Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc và kết nối trực tuyến đến các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã trực tiếp lắng nghe kiến nghị của ông Nguyễn Văn Dũng và một số hộ dân xã Vĩnh Phú (huyện Vĩnh Tường) về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã trúng đấu giá từ năm 2005.
Ảnh minh họa
Đánh giá đây là vụ việc tồn đọng kéo dài suốt 20 năm, Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND huyện Vĩnh Tường và xã Vĩnh Phú khẩn trương phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho người dân trước ngày 30/5. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời để được tháo gỡ, đảm bảo tiến độ và quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo Ban Tiếp công dân tỉnh, đến nay, các cơ quan chức năng đã giải quyết xong 2 vụ việc trong tổng số 20 kiến nghị, khiếu nại, còn lại 18 vụ việc đang tiếp tục được xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ vụ việc tồn đọng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai, phải xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất, tránh để kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các cấp, ngành được yêu cầu siết chặt kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm, không để phát sinh các trường hợp sai phạm mới trên địa bàn.
Bộ Xây dựng lấy ý kiến về ‘siêu dự án’ đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 203.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chiến lược trong kết nối giao thông liên vùng và liên vận quốc tế với Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này có tổng chiều dài quy hoạch khoảng 461,5km, bắt đầu từ cửa khẩu Lào Cai – nơi kết nối với hệ thống đường sắt Trung Quốc – và kết thúc tại ga Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Ngoài ra, phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh cũng được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Dự án đi qua 10 tỉnh, thành gồm: Lào Cai (65,01km), Yên Bái (76,8km), Phú Thọ (60,05km), Vĩnh Phúc (41,75km), Hà Nội và Bắc Ninh (43,76km), Hưng Yên (16,87km), Hải Dương (40,97km), Hải Phòng (83,97km) và Quảng Ninh (35,54km).
Đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch 38 ga dọc tuyến, bao gồm: 5 ga lập tàu chính như Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân; 16 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa tại các trung tâm tỉnh, thành phố; 6 ga hàng chuyên dụng và 11 ga kỹ thuật phục vụ công tác vận hành, điều độ.
Trong đó, ga Lào Cai sẽ đóng vai trò là điểm giao liên vận quốc tế; ga Hạ Long chỉ đón tàu khách, còn ga Cái Lân là nơi chuyên lập tàu hàng.
Dự án đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối vùng và hội nhập quốc tế.
Cưỡng chế nhiều vụ bao chiếm đất trái phép ở Phú Quốc
Ngày 11-4, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND TP Phú Quốc tiếp tục ra quân cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Phú Quốc.
Ảnh minh họa
Lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với bà T.T.H. và bà Đ.H.P. vì có hành vi bao chiếm hơn 30 ha đất do nhà nước quản lý ở xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.
Hiện khu đất bị chiếm đã xây dựng một số công trình, nhà ở, trồng cây xanh và san lấp mặt bằng. Lực lượng chức năng đã tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, tài sản để trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước đó, trong các ngày 9 và 10-4, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi lại cho nhà nước phần đất bị người dân bao chiếm trái phép gần 2 ha tại xã Dương Tơ xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc.
Trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần đến vận động thuyết phục các cá nhân vi phạm tự nguyện tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất ban đầu nhưng những hộ này không chấp hành tự nguyện tháo dỡ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường TP Phú Quốc, việc cưỡng chế thu hồi đất bị người dân bao chiếm sẽ tiếp tục tiến hành trên địa bàn tất cả các xã, phường có xuất hiện tình trạng này.
Huy Tùng (T/h)
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-124-loat-sai-pham-trong-tham-dinh-cac-du-an-lon-tai-nha-trang-726299.html