Bắc Ninh duyệt đất công cộng làm chung cư sai quy định
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về việc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng giai đoạn 2015-2022. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng UBND tỉnh Bắc Ninh đã duyệt hai dự án sai mục đích sử dụng đất, vi phạm quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bắc Ninh duyệt đất công cộng làm chung cư sai quy định/Ảnh minh họa
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và căn hộ chung cư New Melboume trên diện tích 2.160 m², do Công ty TNHH Hoàng Gia làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khu đất này theo Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh được Thủ tướng phê duyệt và Bản đồ quy hoạch sử dụng đất do Bộ Xây dựng thẩm định lại là đất công cộng, không phải đất được phép xây dựng các công trình thương mại và chung cư. Điều này vi phạm Luật Quy hoạch đô thị.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định hành vi này vi phạm Điều 5 và Điều 61 của Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh để rà soát lại quy hoạch và xử lý các dự án vi phạm này.
Hà Nội yêu cầu xử lý hơn 700 dự án chậm triển khai, lãng phí đất đai
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trọng tâm về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí trong năm 2025 và các năm tiếp theo, tập trung vào ba lĩnh vực chính: đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai và quản lý tài sản công.
Trong lĩnh vực đầu tư công, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài chính tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc đối với 109 dự án đầu tư công đang gặp khó khăn, chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án tồn đọng và dừng thi công kéo dài. Mục tiêu là hoàn thành các dự án này vào năm 2025. Cùng với đó, Sở Tài chính cũng sẽ rà soát và xử lý dứt điểm các dự án BT (dự án xây dựng - chuyển nhượng quyền sử dụng đất) đang triển khai dở dang, đảm bảo thủ tục chặt chẽ và hoàn thành sớm trong năm 2025.
Về quản lý đất đai và các dự án sử dụng đất, UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, cập nhật tình hình các dự án sử dụng đất chậm triển khai. Dự kiến việc rà soát này sẽ được thực hiện trong quý 1 và quý 2 năm 2025. Đồng thời, Sở Tài chính sẽ tiến hành đánh giá tổng thể các dự án đầu tư có sử dụng đất từ năm 2008 đến nay, nhằm đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp. Trong đó, trước mắt sẽ tập trung vào 712 dự án (kèm theo 117 dự án bổ sung) chậm tiến độ và chậm triển khai, dự kiến được xử lý trong quý 2 và quý 3 năm 2025.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ tiếp tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Quảng Nam phát hiện nhiều sai phạm tại 5 dự án bất động sản
Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa công bố kết luận thanh tra đối với 5 dự án bất động sản tại các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Quế Sơn, với nhiều vi phạm trong công tác giải phóng mặt bằng, nghiệm thu và quyết toán.
Ảnh minh họa
Các dự án bị thanh tra gồm: Khu phố chợ Chiên Đàn (Phú Ninh), Khu Thương mại - Dịch vụ Đông Cầu Chìm (Duy Xuyên), Khu dân cư số 2 (Quế Sơn), Khu phố chợ Đông Phú (Duy Xuyên), và Khu dân cư Bà Rén (Quế Sơn). Các sai phạm chủ yếu liên quan đến việc lập hồ sơ hoàn công không đúng thực tế thi công, thanh toán vượt mức, và việc thực hiện nghĩa vụ thuế chưa đầy đủ.
Cụ thể, tại dự án Khu phố chợ Chiên Đàn, Thanh tra phát hiện sai sót trong thanh toán hơn 334 triệu đồng và việc kê khai thuế chưa hoàn chỉnh với tổng số tiền 352 triệu đồng. Dự án Đông Cầu Chìm cũng có 5 hạng mục công trình vượt mức thanh toán hơn 1,28 tỷ đồng. Tương tự, dự án Khu dân cư số 2 và Khu phố chợ Đông Phú cũng có nhiều vấn đề trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và nghiệm thu không đúng thực tế thi công.
Thanh tra tỉnh yêu cầu thu hồi số tiền chưa nộp thuế hơn 1,8 tỷ đồng và giảm trừ giá trị quyết toán tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng. Các chủ đầu tư cần khắc phục các tồn tại để đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án.
Đề xuất đầu tư 1.200 tỉ đồng hầm Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Mới đây, Ban Quản lý Dự án 85 đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo đề xuất đầu tư hoàn thiện ống hầm thứ 2 xuyên qua Núi Vung trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.
Hầm Núi Vung dài 2,25km, gồm hai ống hầm, mỗi ống rộng 14m và có 3 làn xe. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 1 ống hầm (hướng Bắc - Nam) được đưa vào khai thác, trong khi ống hầm còn lại chỉ được sử dụng làm hầm lánh nạn và chưa được đầu tư mặt đường. Điều này đã tạo ra một điểm thắt cổ chai trên toàn tuyến cao tốc, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, khi giao thông tại khu vực này thường xuyên ùn tắc.
Theo đề xuất, việc hoàn thiện ống hầm thứ 2 sẽ bao gồm các hạng mục như bê tông mặt đường, hệ thống thông gió, chiếu sáng, an toàn giao thông và các thiết bị kỹ thuật khác, đảm bảo đồng bộ với ống hầm đã hoàn thiện trước đó. Ngoài ra, dự án cũng sẽ xây dựng mới một cầu và đường dẫn ở cả hai phía bắc và nam của hầm Núi Vung, với quy mô 6 làn xe.
Dự án sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 và dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2025, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2027.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Giai đoạn 1 của cao tốc này được thiết kế với quy mô 4 làn xe và tốc độ khai thác 90 km/h. Tuyến cao tốc có 3 nút giao và 34 cầu, trong đó có 22 cầu trên đường cao tốc và 11 cầu vượt, cầu vượt tại nút giao. Hầm Núi Vung, dài 2,25km, là hầm dài nhất trên toàn tuyến.
Bộ Xây dựng giải thích về sự chênh lệch giá nhà ở xã hội tại các địa phương
Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà ở xã hội hiện nay có sự chênh lệch giữa các địa phương và có xu hướng tăng lên, từ mức dưới 20 triệu đồng/m2 lên khoảng 25 triệu đồng/m2. Nguyên nhân của sự tăng giá này là do tác động của chi phí dự toán, nhân công và giá vật liệu xây dựng đầu vào.
Ảnh minh họa
Theo quy định, suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dưới 20 tầng dao động từ 5,6 đến 8,8 triệu đồng/m2, phân theo 8 vùng trên cả nước, với mức chênh lệch giữa các vùng có thể lên đến 10%. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại Hà Nội cho thấy giá bán các căn hộ nhà ở xã hội tại các quận như Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh đã dao động từ 18,4 đến 25 triệu đồng/m2.
Một số dự án nhà ở xã hội đã được sử dụng từ 5-7 năm, giá bán hiện nay đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm mở bán. Ví dụ, dự án Đồng Mô Đại Kim (quận Hoàng Mai) ban đầu có giá khoảng 15 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 55-60 triệu đồng/m2.
Giải thích về sự khác biệt giá giữa các dự án, ông Chử Văn Hải - Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, giá bán nhà ở xã hội được xác định dựa trên chi phí đầu tư xây dựng cộng với lợi nhuận định mức 10%, và mức giá này được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Sự khác biệt giữa các dự án cũng do yêu cầu thiết kế, quy mô và việc áp dụng thiết kế mẫu, nhà lắp ghép.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có định mức lợi nhuận cho nhà ở xã hội, nhưng việc kiểm soát giá bán vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến đề xuất nên có biện pháp như đặt giá trần để kiểm soát giá nhà ở xã hội trong tương lai.
Huy Tùng (T/h)