Hà Nội sắp có thêm dự án nhà ở xã hội gần 3.500 tỷ đồng
Ngày 5/5, Sở Tài chính Hà Nội thông báo mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Kim Giang, thuộc địa bàn xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Dự án có tổng vốn gần 3.478 tỷ đồng, quy mô hơn 49.700 m², triển khai từ năm 2025 đến 2028. Đây là một phần trong kế hoạch cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 và đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước.
Ảnh minh họa
Dự án hướng đến xây dựng đồng bộ khu nhà ở xã hội cao tầng, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đồng thời hoàn thiện hạ tầng khu vực theo quy hoạch.
Ngoài ra, Hà Nội đang tìm nhà đầu tư cho hai dự án nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (Đông Anh), với tổng vốn hơn 16.148 tỷ đồng và quy mô hơn 6.400 căn hộ. Trong đó, dự án Tiên Dương 1 có diện tích gần 44,6 ha, cung cấp hơn 3.500 căn hộ; dự án Tiên Dương 2 rộng gần 39,5 ha với khoảng 3.344 căn hộ, kèm theo hệ thống trường học, thương mại, bãi đỗ xe và hạ tầng đồng bộ. Tiến độ các dự án từ năm 2024 đến 2030, thời hạn hoạt động 50 năm.
Theo đề án Chính phủ giao, Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Tuy nhiên, 4 năm qua, thành phố mới đạt gần 21% chỉ tiêu. Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội hoàn thiện ít nhất 4.670 căn, trong bối cảnh nguồn cung vẫn còn rất hạn chế.
Lãi chuyển nhượng bất động sản có thể bị áp thuế 20%
Bộ Tài chính đang nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân mới đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trong đó đề xuất mức thuế suất 20% trên phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Đây là một trong hai phương án được cơ quan này trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, nếu có thể xác định rõ giá vốn và các chi phí liên quan, thuế sẽ tính trên phần thu nhập ròng, tức giá bán trừ chi phí, với thuế suất 20%. Phương án này nhằm phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch và tiệm cận với thuế suất doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Ngược lại, nếu không xác định được giá vốn và chi phí, thuế sẽ tính theo tỷ lệ 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Dù cơ quan thuế đã có dữ liệu giao dịch từ năm 2018, nhưng thực tế giá ghi trên hợp đồng thường thấp hơn giá thật, gây khó khăn trong xác định thu nhập chịu thuế. Thêm vào đó, nhiều khoản chi phí như môi giới, lãi vay, bồi thường... thiếu chứng từ rõ ràng, khiến việc tính toán lợi nhuận thực tế gặp vướng mắc.
Việc hoàn thiện chính sách thuế bất động sản không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn hướng tới sự minh bạch, công bằng và phản ánh đúng giá trị thực tế của các giao dịch. Quốc hội hiện yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan lĩnh vực này.
Bắc Ninh mời đầu tư dự án khu đô thị gần 17.000 tỷ đồng
UBND TP Bắc Ninh vừa công bố mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị mới tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn với tổng mức đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng. Dự án có quy mô gần 54 ha, dân số dự kiến khoảng 13.764 người, gồm các hạng mục nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng. Thời gian thực hiện khoảng 6,5 năm kể từ khi lựa chọn được nhà đầu tư.
Bắc Ninh mời đầu tư dự án khu đô thị gần 17.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa
Cùng thời điểm, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng mời đầu tư ba dự án khu đô thị khác tại huyện Tiên Du, TP Bắc Ninh và TP Từ Sơn với tổng vốn gần 22.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng tại huyện Tiên Du quy mô 85 ha, vốn đầu tư 13.680 tỷ đồng; khu đô thị mới phía Tây Bắc TP Bắc Ninh có vốn gần 4.074 tỷ đồng; và dự án khu đô thị thương mại dịch vụ tại phường Tam Sơn, Đồng Kỵ và Hương Mạc (TP Từ Sơn) với vốn gần 3.964 tỷ đồng.
Những năm gần đây, Bắc Ninh nổi lên là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, T&T Group. Tháng 2/2025, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đã đề xuất loạt dự án lớn, bao gồm khu đô thị thể thao – sức khỏe thông minh 1.340 ha tại TP Bắc Ninh và hai khu đô thị dịch vụ, du lịch tại Tiên Du.
Không chỉ là trung tâm công nghiệp hàng đầu miền Bắc, Bắc Ninh còn đang trở thành "điểm nóng" đầu tư bất động sản với hàng loạt dự án quy mô lớn được triển khai.
Ninh Bình thu gần 500 tỷ đồng sau 6 phiên đấu giá đất
Chỉ trong tháng 4/2025, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương, thu về tổng cộng gần 500 tỷ đồng – vượt hàng trăm tỷ đồng so với tổng giá khởi điểm.
Cụ thể, tại xã Gia Tân (huyện Gia Viễn), 30 thửa đất thuộc khu nhà ở Thanh Bình đã được đấu giá thành công với số tiền hơn 70,5 tỷ đồng, tăng hơn 23,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tiếp đó, phiên đấu giá 38 thửa đất ở thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) ghi nhận giá trị trúng đấu giá đạt hơn 29,1 tỷ đồng, vượt gần 3 tỷ đồng so với khởi điểm.
Đáng chú ý, phiên đấu giá lớn nhất tại xã Phú Sơn (Nho Quan) với 134 thửa đất thu hút hơn 1.200 hồ sơ tham dự, đem về hơn 111,9 tỷ đồng – vượt hơn 25,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tại xã Khánh Nhạc (Yên Khánh), 50 thửa đất được đấu giá thành công với tổng giá trị 119,4 tỷ đồng, vượt gần 26 tỷ đồng. Tại xã Khánh Cường, gần 400 khách hàng tham gia phiên đấu 123 thửa đất, giúp địa phương thu về 155,1 tỷ đồng – cao hơn 52 tỷ đồng so với giá ban đầu.
Cuối cùng, phiên đấu giá tại xã Yên Phong (huyện Yên Mô) với 8 thửa đất cũng đạt kết quả tích cực, mang về hơn 12,5 tỷ đồng, vượt hơn 2,1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Sự sôi động của thị trường đấu giá đất tại Ninh Bình cho thấy sức hút lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, đồng thời khẳng định hiệu quả trong công tác tổ chức, minh bạch đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương
Hà Nội kiểm tra, xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Nguyễn Tuân mở rộng
Liên quan phản ánh của báo chí về tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra hiện trạng và công tác quản lý trật tự xây dựng tại dự án.
Xuất hiện nhiều nhà“siêu mỏng, siêu méo” trên đường Nguyễn Tuân mở rộng
Theo kết quả kiểm tra, sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án cải tạo, mở rộng tuyến phố Nguyễn Tuân, có 14 trường hợp đất còn lại nhỏ hơn 15m², không đảm bảo điều kiện về chiều rộng hoặc chiều sâu xây dựng. Trong đó, 3 công trình tại số 122, 124, 126 Nguyễn Tuân chưa phá dỡ, vẫn dựng cửa và quây tôn tạm trên phần tường cũ.
UBND phường Thanh Xuân Trung đã phối hợp với Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các hộ dân hợp thửa theo quy định. Đối với các trường hợp không thể hợp thửa, địa phương sẽ đề xuất thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật. Phường cũng đã ban hành 14 quyết định cắt điện, nước trong gần một tháng để yêu cầu các hộ tự giác tháo dỡ phần cơi nới vi phạm từ tầng 2 trở lên, đến nay toàn bộ các hộ đã chấp hành.
Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị UBND phường và các đơn vị liên quan báo cáo bằng văn bản, cung cấp hồ sơ dự án, kết quả xử lý vi phạm (nếu có), nhằm đảm bảo trật tự xây dựng đô thị tại khu vực.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng nhà "siêu mỏng" mọc lên ngay khi dự án đường Nguyễn Tuân dài 720m, tổng vốn đầu tư hơn 399 tỷ đồng chưa hoàn thành, gây phản cảm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đô thị.
Huy Tùng (T/h)