Các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đang có một nguồn công việc khổng lồ nhờ đầu tư công được đẩy mạnh
Theo kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, năm nay, cả nước sẽ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và thêm 2.000 km nữa cho đến năm 2030. Trong lĩnh vực đường sắt, tại Hà Nội có 10 tuyến metro tổng chiều dài 417,8 km; trong đó, dự kiến khởi công 2 tuyến trong năm 2025 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc). Trong 10 tuyến đường sắt đô thị có kế hoạch triển khai ở TP.HCM, với tổng chiều dài hơn 510 km, có tổng mức đầu tư 77,2 tỷ USD, giai đoạn 2025 - 2027 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến metro tổng chiều dài 355 km. Dự án lớn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lập nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu đến năm 2035 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, có 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc sẽ triển khai trong năm nay. Để chuẩn bị cho việc triển khai các dự án đường sắt, Tập đoàn Hòa Phát sẽ khởi công nhà máy sản xuất đường ray vào ngày 19/8 tới.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Đèo Cả (mã HHV) nhận định, một nguồn công việc khổng lồ cho các nhà thầu trong giai đoạn tới, yêu cầu các nhà thầu, nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai dự án lớn có năng lực về vốn, kỹ thuật và nguồn nhân lực.
Hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả tham gia các dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 100.000 tỷ đồng. Đầu tư hạ tầng Đèo Cả có thế mạnh độc quyền là vận hành khai thác các tuyến cao tốc và hầm nên khi các dự án cao tốc đi vào vận hành là cơ hội cho Công ty. Ông Huy cho biết, Đầu tư hạ tầng Đèo Cả sẽ tăng trưởng từ 10 - 15% mỗi năm và doanh thu đã ký khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp thi công hạ tầng niêm yết đều có được giá trị backlog ở mức cao so với doanh thu xây dựng năm 2024, đảm bảo nguồn công việc cho cả năm 2025 và các năm sau. Theo ông Huy, Đèo Cả có tổng giá trị hợp đồng hơn 40.000 tỷ đồng, còn khối lượng chưa thi công là 34.000 tỷ đồng. So với 9.375 tỷ đồng doanh thu năm 2024 thì giá trị hợp đồng đã ký đảm bảo khối lượng công việc đến năm 2028.
Tổng công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) có tổng giá trị backlog là 21.300 tỷ đồng, gấp 3,2 lần doanh thu xây dựng năm trước. Con số này ở Công ty cổ phần Lizen (mã LCG) là 5.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm ngoái. Ở Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G), giá trị backlog là 4.200 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm ngoái. Ở Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) là 3.800 tỷ đồng, gấp 1,3 lần.
Ông Cao Ngọc Phương, Tổng giám đốc Lizen cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 ở mức 140 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở Công ty tập trung nguồn lực để hoàn thành nhiều dự án trọng điểm đã ký kết từ năm 2024 và chuyển tiếp sang năm 2025, bao gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Vành đai 4 Hưng Yên, Tân Phúc - Võng Phan. Công ty chủ động nắm bắt cơ hội từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ bằng việc tích cực tham gia đầu thầu các dự án cao tốc mới được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Báo cáo của Vinaconex cũng cho biết, ngay từ năm ngoái, tổng giá trị hợp đồng trúng thầu ký mới đã đảm bảo tạo nguồn việc ổn định cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Vinaconex đã trúng thầu nhiều dự án xây dựng dân dụng và hạ tầng giao thông quy mô lớn, điển hình như các gói thầu thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án vành đai 3.5 Hà Nội, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, gói thầu 4.7 và gói thầu 4.8. Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Dự án xây dựng cầu Ba Lai 8.
Điểm chung của những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng là có mảng bất động sản công nghiệp hoặc dân dụng đóng góp lợi nhuận đột biến. Như Vinaconex, ngoài lợi nhuận từ mảng xây lắp, các dự án bất động sản do Tổng công ty đầu tư đều khá hiệu quả. Đặc biệt, tới đây, doanh nghiệp này sẽ thoái vốn khỏi dự án Cát Bà Atima, dự kiến thu về 5.100 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ước đạt 2.100 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tập đoàn Cienco 4 cho biết sẽ tiếp tục đầu tư một số hạng mục theo tiến độ của dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An), với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư một số dự án bất động sản tại Nghệ An, Hà Nội và TP.HCM.
Trong tháng 8 tới, Lizen sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua chủ trương góp 36% cổ phần vào dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên). Theo thông tin Thái Nguyên kêu gọi đầu tư, khu công nghệ thông tin này có diện tích gần 198 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; UAV - thiết bị bay không người lái; rô-bốt, phần mềm, nội dung số; đồ họa, nghệ thuật số…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 6/2025, tổng vốn giải ngân đầu tư công đạt hơn 268.000 tỷ đồng, tương đương gần 30% kế hoạch năm và 32% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Xác định đầu tư công là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường nỗ lực để giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2025, với khoảng 630.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm.
Theo Công ty Chứng khoán MB, dự báo tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ chững lại để thích nghi với các chính sách thuế quan mới. Vì vậy, đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu kinh tế cả năm và cả các năm sau khi mà các vấn đề của đầu tư công đang được tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, thủ tục, thiếu nguyên vật liệu…
Trong tháng 6/2025, Chính phủ đã ban hành đồng loạt 28 nghị định về phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong triển khai đầu tư công, đặc biệt là ở những nơi vừa sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Ông Huy đánh giá, sau sáp nhập các địa phương, sửa đổi hành lang pháp lý cho đầu tư công và xu thế cải cách hành chính mạnh mẽ thì thủ tục đầu tư, thanh quyết toán của các dự án đầu tư sẽ thông thoáng hơn, giúp các doanh nghiệp xây lắp giảm thiểu rủi ro và triển khai các dự án thuận lợi hơn.
Tự tin với xu thế tăng trưởng đầu tư công trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng đều lên kế hoạch chi trả cổ tức ở tỷ lệ khá hấp dẫn so với thị giá. Đơn cử, Vinaconex trả cổ tức năm 2024 tỷ lệ 8% bằng tiền và 8% bằng cổ phiếu; năm 2025 dự kiến cũng chi trả cổ tức 16%. Ở mức thị giá 24.000 đồng/cổ phiếu, VCG có tỷ lệ cổ tức/thị giá là 13% cho thời gian nắm giữ đến giữa năm sau.
Lizen sẽ chi trả cổ tức 7% bằng cổ phiếu năm 2024 và dự kiến 7% cho năm 2025. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đang giao dịch quanh vùng giá 10.400 đồng/cổ phiếu, dưới giá trị sổ sách (hơn 13.000 đồng/cổ phần). Lợi nhuận của Lizen hoàn toàn ghi nhận từ mảng xây dựng hạ tầng, chưa tính đến các dự án bất động sản dân cư, khu công nghiệp mà doanh nghiệp đang triển khai.
Điểm chung của Vinaconex và Lizen là đều có chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn.
Trong khi đó, xét về định giá, HHV đang định giá thấp hơn so với mức trung bình của các chu kỳ trước. Theo Công ty Chứng khoán MB, chỉ số P/B và P/E hiện tại lần lượt đạt 0,8 và 7,5 lần (mức trung bình của 2 chu kỳ trước là 1,1 và 8,5 lần).
Với chu kỳ tăng trưởng của ngành và đà tăng tích cực của thị trường chung, các cổ phiếu xây dựng hạ tầng có thể bước vào chu kỳ tăng trưởng sau nhiều năm trầm lắng.
Thành Nam