Điểm tựa cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng tại Hà Nam

Điểm tựa cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng tại Hà Nam
10 giờ trướcBài gốc
Anh Nguyễn Văn Hà, trú ở tổ dân phố Non, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) chấp hành xong án phạt tù năm 2018. Mặc dù có tay nghề đã được đào tạo chuyên sửa chữa điện tử, thế nhưng để mua sắm công cụ, phương tiện mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện tử anh Hà cũng đành chịu vì không có vốn.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam phối hợp Công an huyện tuyên truyền về ý nghĩa Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, nguyện vọng vay vốn mở cửa hàng điện tử của anh Hà đã thành hiện thực. Căn cứ Quyết định 22, tháng 12/2023, Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Liêm đã cùng chính quyền, lực lượng Công an cơ sở rà soát, tạo điều kiện cho anh Hà vay 100 triệu đồng trong thời hạn 5 năm. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, anh Hà đầu tư mua phương tiện, thiết bị. Với tay nghề cao, cửa hàng sửa chữa điện tử của anh Hà đã thu hút được nhiều khách hàng bà con nhân dân trên địa bàn, các vùng lân cận, đem lại cho anh nguồn thu nhập ổn định từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Cùng nguồn lương của vợ lao động ở một công ty may trên địa bàn, cuộc sống gia đình của vợ chồng anh Hà hiện nay đã ổn định, chăm lo, nuôi 2 con ăn học.
Cũng trở về sau 2 năm chấp hành án phạt tù do cải tạo tốt, năm 2018 anh Phạm Văn Thành về địa phương. Thời điểm đó, không có tay nghề trong tay, anh Thành bươn chải vất vả làm đủ công việc cũng không gom đủ nguồn vốn để thực hiện mong ước đầu tư làm trang trại. Mấy năm loay hoay khó khăn với nguồn vốn đầu tư, rất may tháng 6/2024 vừa qua, anh Thành được các ban ngành địa phương giới thiệu, tư vấn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đối với những người lỡ lầm tái hòa nhập cộng đồng.
Với sự hỗ trợ hướng dẫn của chính quyền và Công an địa phương, anh Thành đã tiếp cận được nhận nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Liêm. Từ khu trang trại được địa phương giao gia đình đấu thầu, với nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách, anh Thành cùng bố mẹ đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, vịt, thả cá, ốc nhồi... mùa nào giống đấy để thu hoạch, gối sóng các loại gia súc, gia cầm chăn nuôi. Dù thời gian vay vốn chưa lâu, nhưng bước đầu cũng đã ổn định được nguồn vốn và bắt đầu sinh lời, với thu nhập ban đầu cả chục triệu đồng/tháng.
Tương tự, anh Lương Văn Tuấn, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm là một trong những cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những ngày lầm lỡ, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Từng nhận bản án 36 tháng tù về tội “Đánh bạc, năm 2021, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh Tuấn gặp không ít khó khăn. Những biến cố trong gia đình cùng sự kỳ thị của ít nhiều người xung quanh khiến anh luôn mặc cảm. Nhờ sự động viên của người thân, sự giúp đỡ từ chính quyền, lực lượng Công an đã luôn gần gũi, động viên, tạo điều kiện giúp anh Tuấn tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, định hướng cho anh cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện tại, anh Tuấn đã có một cửa hàng bán hoa và thịt lợn, bảo đảm thu nhập thường xuyên hằng tháng.
Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023 nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người hoàn lương.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm, để bảo đảm công tác rà soát, hỗ trợ cho vay vốn đúng người, đúng quy định và chú trọng công tác kiểm soát nguồn vốn vay sau giải ngân, thời gian qua, Phòng Giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã trên địa bàn huyện để chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn sau đầu tư; tăng cường cán bộ thăm gặp, kiểm tra và định hướng việc đầu tư vốn vào các mô hình kinh tế. nhằm đảm bảo phù hợp với người vay, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và mang lại giá trị kinh tế thật sự. Từ những nỗ lực trong triển khai vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng, đến nay huyện Thanh Liêm đã giải ngân được 18 trường hợp, với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Với mục tiêu giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người từng lầm lỡ để họ tái hòa nhập cộng đồng, thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm sẽ tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thủ tục để người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi. Qua đó, giúp những người từng một thời lỡ lầm nhanh chóng ổn định cuộc sống, làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và ANTT tại địa phương.
P. Tâm - L. Phượng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doi-song/diem-tua-cho-nhung-nguoi-tung-lam-lo-tai-hoa-nhap-cong-dong-tai-ha-nam-i748483/