Điểm tựa từ chiến công lịch sử

Điểm tựa từ chiến công lịch sử
2 giờ trướcBài gốc
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã khu Tây Ba Tơ, nhất là xã Ba Vìss đã đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bản hùng ca vang mãi
Trong chiến tranh, cụm cứ điểm Giá Vực nằm giữa thung lũng xã Ba Vì, huyện Sông Re. Phía tây giáp với huyện Kon Plông (Kon Tum). Đây không chỉ là vị trí án ngữ trên đường 5 (từ Kon Tum đi Quảng Ngãi) được quân Mỹ đặt căn cứ biệt kích chỉ điểm tiến công “tìm diệt” lực lượng chủ lực của ta (trong chiến tranh cục bộ), mà còn được quân đội Sài Gòn mở rộng xây dựng kiên cố (trong Việt Nam hóa chiến tranh) để liên kết bảo vệ phía tây Quảng Ngãi. Ở Giá Vực có 16 cứ điểm và chốt do Tiểu đoàn 70 biệt động biên phòng (thuộc liên đoàn 11, Quân khu 1 Sài Gòn) đóng giữ, quân số khoảng 550 tên. Mặc dù Tiểu đoàn 70 biệt động biên phòng còn đủ quân, hỏa lực mạnh, công sự vật cản kiên cố, vững chắc, nhưng chúng ở vào tình thế bị cô lập hoàn toàn, chỉ trông chờ tiếp tế bằng đường không và dễ bị ta khống chế. Bên cạnh đó, những tin bại trận liên tiếp của quân ngụy ở Nông Sơn, Thượng Đức, Quế Sơn (tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam), Minh Long (Quảng Ngãi) và toàn miền Nam càng làm cho địch ở Giá Vực thêm dao động, bạc nhược.
Hạ tầng đô thị ở xã Ba Vì ngày càng được đầu tư hoàn thiện.
Để tiêu diệt cụm cứ điểm Giá Vực, ngày 6/9/1974, Bộ Tư lệnh C22 họp bàn quyết tâm tiến công Chi khu quân sự Giá Vực. Các đơn vị đã huy động lực lượng bộ binh, đặc công, đại đội pháo các loại, đại đội cối, đại đội xe tăng, đoàn công binh, trinh sát, bộ phận hậu cần Khu 5, bộ đội địa phương và huyện Sông Re, một số dân quân du kích tiến công cụm cứ điểm Giá Vực.
Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Đúng 6 giờ ngày 19/9/1974, các lực lượng của ta đã bắn phá mục tiêu bên trong và các chốt điểm bao quanh trung tâm căn cứ Giá Vực. Ngày 20/9/1974, bằng một trận tiến công hiệp đồng binh chủng mạnh, 2 Tiểu đoàn 8 và 406 có xe tăng từ 2 hướng ồ ạt đánh chiếm toàn bộ khu trung tâm Giá Vực, phần lớn quân địch ở đây bị tiêu diệt. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 20 kịp thời vượt sông, vây, diệt và bắt toàn bộ tàn binh. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, địch ở Hoen Mòm và các chốt khác sợ hãi ra hàng. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tích cực truy lùng, diệt và bắt nhiều toán địch chạy trốn.
Trận đánh Giá Vực là một trận đánh hiệp đồng binh chủng mạnh, bao vây chặt, dứt điểm nhanh, tiêu diệt, bắt sống và xóa sổ Tiểu đoàn 70 biệt động biên phòng, loại khỏi vòng chiến đấu 536 tên địch, thu 324 súng các loại và nhiều đạn dược quân dụng. Trận đánh đã giải phóng hoàn toàn lưu vực Sông Re, tạo thế liên hoàn cho vùng giải phóng từ đồng bằng đến miền Tây Quảng Ngãi.
Cán bộ Bộ phận một cửa xã Ba Vì (Ba Tơ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết, chiến thắng Giá Vực là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng toàn tỉnh Quảng Ngãi và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Giá Vực mãi mãi đi vào lịch sử; âm vang chiến công giải phóng Giá Vực vẫn vang vọng và luôn khơi dậy niềm tự hào của quân và dân huyện Sông Re cho đến hôm nay.
“Từ ngày 20/9/1974, trên mảnh đất Giá Vực nói riêng và huyện Sông Re nói chung hoàn toàn sạch bóng quân thù, Đảng bộ và đồng bào ta đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", ông Vỹ khẳng định.
Xây dựng quê hương giàu đẹp
"Thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi sự hy sinh anh dũng của các đơn vị bộ đội, dân công, du kích, đồng bào các dân tộc trong huyện đã kiên cường, bất khuất, kề vai sát cánh, đồng lòng vượt qua gian khổ làm nên chiến thắng Giá Vực oai hùng. Để hôm nay, trên mảnh đất Giá Vực - Ba Vì được hồi sinh, phát triển, mang diện mạo của một đô thị mới phía tây huyện Ba Tơ”.
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ
ĐINH NGỌC VỸ
Những ngày này, trên con đường về trung tâm cụm xã Ba Vì rợp bóng cờ đỏ sao vàng chào mừng sự kiện 50 năm ngày Chiến thắng Giá Vực. Người dân xã Ba Vì phấn khởi, tự hào vì quê hương ngày càng đổi mới, cuộc sống ngày càng ấm no. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lê Hữu Trinh cho biết, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, quân và dân xã Ba Vì một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, bắt tay xây dựng cuộc sống mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Phát huy lợi thế của trung tâm cụm xã khu Tây, xã Ba Vì đã khuyến khích tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn xã có gần 240 hộ kinh doanh buôn bán. Qua đó, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển.
Để phát triển đô thị ở khu vực trung tâm cụm xã Ba Vì, huyện, tỉnh và xã Ba Vì đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với nhiều công trình, dự án được đầu tư. Trong đó, năm 2023, UBND tỉnh phân bổ kinh phí gần 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình chỉnh trang đô thị, nhằm đưa Ba Vì đạt một số tiêu chí đô thị loại V. Ngoài ra, thông qua Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn của tỉnh, xã đã tiếp nhận 591 tấn xi măng để làm 38 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 5,27km. Đến nay, 99% các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm được nhựa hóa, bê tông. Ba Vì hiện đã đạt 34/49 tiêu chí đô thị loại V; dự kiến đến năm 2025, Ba Vì đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Thi công nâng cấp đường giao thông ở trung tâm xã Ba Vì.
Bên cạnh đó, việc triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo động lực cho Ba Vì phát triển. Nếu năm 2020, tổng giá trị sản xuất của xã đạt hơn 75 tỷ đồng, thì đến năm 2024 đã tăng lên trên 95 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra). Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2024 ước đạt 51 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Ngoài ra, lĩnh vực GD&ĐT luôn được chú trọng, chất lượng dạy và học được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy...
Đã 50 năm qua đi, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân trên quê hương Ba Tơ anh hùng.
Bài, ảnh: BÁ SƠN
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-ba-to/202409/diem-tua-tu-chien-cong-lich-su-e920c54/