Tăng cường giáo dục, truyền thông
Có 258,939km đường biên giới với Vương quốc Campuchia, lại là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, dân cư từ mọi miền Tổ quốc về lập nghiệp nên công tác quản lý xã hội, trong đó có công tác phụ nữ ở Bình Phước gặp nhiều khó khăn. Nhận thức rõ đặc thù của địa phương, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; vừa trực tiếp thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 10 văn bản triển khai, đồng thời quán triệt nội dung chương trình phòng, chống bạo lực gia đình đến Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, cán bộ chuyên trách Tỉnh hội, chủ tịch hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc nhằm đề ra nội dung, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Sau khi được tuyên truyền, giải thích, vợ chồng chị Đ.T.E ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đều nhận thấy mình sai và cùng cam kết không gây bạo lực cho nhau
Theo đó, từ đầu mỗi năm Hội LHPN tỉnh đã đưa vào nội dung ký kết giao ước thi đua với hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em như: tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục làm cha mẹ, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục tiền hôn nhân; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em. Thông qua các hội nghị tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, tuyên truyền hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam (28-6)… nhằm vun đắp giá trị gia đình, xây dựng tiêu chí ứng xử, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội. Các cấp hội chú trọng tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, quyết định liên quan đến chiến lược phát triển gia đình, phụ nữ, trẻ em… Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức 432 hoạt động với hơn 37 ngàn lượt hội viên, phụ nữ tham dự, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như hệ thống thông tin nội bộ của hội về những nội dung này.
Nhằm xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, các cấp hội duy trì 115 mô hình thực hiện theo chủ đề “An toàn cho phụ nữ - trẻ em” tại 111 cơ sở, có 3.295 thành viên tham gia. Triển khai các mô hình tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ - trẻ em. Hội đã phối hợp với các trường học tổ chức truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh, từng bước giúp giảm thiểu các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Nhiều mô hình trợ giúp, bảo vệ phụ nữ
Đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều ban hành các văn bản triển khai đến các cấp hội, tranh thủ sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, chỉ đạo các cơ sở hội duy trì và nhân rộng những mô hình: “An toàn cho phụ nữ - trẻ em”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”… Qua đó, các cấp hội đã chủ động nắm bắt tình hình hội viên, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực và phối hợp với các ngành chức năng xử lý, hỗ trợ kịp thời 27/27 vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn chỉ đạo điểm xây dựng “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Từ mô hình điểm của Trung ương Hội, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh có thêm 10 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, trong đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức thêm 6 địa chỉ, Hội LHPN huyện tổ chức thêm 4 địa chỉ với 211 thành viên, nâng tổng số lên 358 địa chỉ tin cậy trên địa bàn toàn tỉnh.
“Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập do Hội LHPN tỉnh thành lập tháng 3-2023 đã trở thành điểm tựa của phụ nữ bị bạo hành ở địa phương. Ngay sau khi thành lập, địa chỉ này đã tiếp nhận chị Đ.T.E (SN 1991) tại thôn 3, xã Đắk Ơ, bị chồng bạo hành nhiều lần, mỗi lần bị bạo hành chị Đ.T.E chỉ biết trốn chạy. Sáng 29-3-2023, khi bị chồng bạo hành, chị Đ.T.E đã tìm đến địa chỉ tin cậy cộng đồng tại thôn 3, là gia đình chị Lê Thị Thơm để tạm lánh. Hay tin, Hội LHPN xã Đắk Ơ phối hợp với tổ truyền thông thôn 3 đã mời vợ chồng chị lên để hòa giải, tuyên truyền nhưng chồng chị Đ.T.E không hợp tác nên Hội LHPN xã cùng tổ truyền thông cộng đồng thôn 3 đưa chị E về nhà để tuyên truyền, giải thích hậu quả của bạo lực gia đình. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, vợ chồng chị Đ.T.E đều nhận ra sai lầm của mình. Hai vợ chồng cam kết không tái phạm để từng bước xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trong quá trình triển khai và vận hành “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Gia đình và Xã hội Hội LHPN Việt Nam, Ban công tác phía Nam tổ chức 23 hoạt động tại tỉnh và xã Lộc Phú. Các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức 127 lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức cho thành viên mô hình và tuyên truyền viên nòng cốt tại địa phương. “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” không chỉ có phụ nữ mà còn có sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng. Những hoạt động phong phú, thiết thực của mô hình đã thu hút nhiều nam giới tham gia các chương trình cùng phụ nữ. Qua đó giúp những vấn đề xã hội, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt hơn, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến về giới, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.
Thảo Linh