Điện ảnh Việt - Hàn cùng viết giấc mơ châu Á

Điện ảnh Việt - Hàn cùng viết giấc mơ châu Á
một ngày trướcBài gốc
Từ Cannes đến Seoul, từ Venice đến Đà Nẵng, viễn cảnh về những bộ phim mang dấu ấn chung hai nền điện ảnh không còn là giấc mơ xa vời, mà là bước đi tất yếu của một hành trình phát triển sâu sắc, bền vững và đầy cảm hứng.
Mẫu hình lý tưởng cho Việt Nam
Nhiều góc nhìn thực tế đã được đưa ra tại Hội thảo “Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh”, điểm nhấn trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III).
Nhiều thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã có sức ảnh hưởng lớn, và ở Việt Nam, số lượng phim Hàn được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và các nền tảng VOD luôn đứng đầu các bảng xếp hạng. Mức độ phổ biến của phim ảnh Xứ sở Kim chi đối với khán giả đại chúng cũng như ảnh hưởng của phong cách làm phim Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam là không thể phủ nhận.
Điện ảnh Hàn Quốc có thể nói là tấm gương sáng, mẫu mực cho điện ảnh Việt Nam và khu vực để nghiên cứu, học tập, phấn đấu... Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả về nghệ thuật đỉnh cao và thị trường. Sự phát triển đó được tích lũy từ chính sách, nỗ lực của người làm phim, các địa phương, tầm nhìn nhà quản lý, làm sao để đưa nền điện ảnh của họ ra thế giới...
(TS NGÔ PHƯƠNG LAN, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) gia điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ nhiều kinh nghiệm, góc nhìn trong phiên tọa đàm tại Hội thảo
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), Giám đốc DANAFF III chia sẻ, khi chọn chùm phim trong Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, bản thân bà có rất nhiều suy nghĩ, vì khi xem lại những phim thuộc 1960 và phim kinh điển Việt Nam cùng thời cho thấy sự tương đồng đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, với trào lưu Hallyu được mở rộng và toàn cầu hóa, điện ảnh Hàn Quốc đã tiến những bước dài.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cao cấp Công ty BHD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến sự thành công của điện ảnh Hàn ngày hôm nay. Trong đó có sự hỗ trợ và đồng bộ của chiến lược quốc gia, chính sách nhà nước từ trên xuống dưới một cách rất cụ thể, logic. Họ lập ra một cơ quan phát triển điện ảnh Hàn Quốc, quy tụ những người giỏi để nghiên cứu chiến lược phát triển.
Chia sẻ từ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam phần nào lý giải thêm nguyên nhân thành công “nhanh như một cơn gió” của điện ảnh xứ Hàn: “Trong nhiều thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã khẳng định vị thế tiên phong trong làn sóng văn hóa Hàn (K-culture), được công nhận không chỉ ở tính nghệ thuật mà còn ở sức hút đại chúng, trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển này không đơn thuần là kết quả của công nghiệp điện ảnh mà còn là thành quả của sự sáng tạo, đam mê từ các nhà làm phim, và trên hết là những nỗ lực hợp tác, giao lưu thông qua các LHP quốc tế”.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam lý giải nguyên nhân thành công “nhanh như một cơn gió” của điện ảnh xứ Hàn
Đưa phim Việt ra thế giới
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Han Sang Jun nhấn mạnh, điện ảnh Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển ấn tượng. Cảm xúc, phong cảnh riêng biệt của Việt Nam cùng thế hệ sáng tạo trẻ đầy tài năng sẽ làm phong phú thêm tương lai của điện ảnh châu Á.
Tuy nhiên, Chủ tịch KOFIC cũng lưu ý, đã đến lúc chúng ta cần tiến thêm, không chỉ dừng lại ở giao lưu, mà cùng nhau mở ra một sân khấu mới của đồng sáng tạo và đồng sản xuất. Hy vọng Đà Nẵng sẽ là nơi khởi đầu cho hành trình mới của những nhà làm phim Hàn - Việt cùng bước đi.
Những chia sẻ, kinh nghiệm về xây dựng phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ những tên tuổi bậc thầy của nền điện ảnh xứ Hàn; hay nỗ lực vượt thoát ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ để hướng đến phong cách làm phim mang đặc sắc Hàn Quốc, qua các phim giải trí xuất sắc những năm 2000… được xem là bài học giá trị cho điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, bài học được nhấn mạnh còn là sự học hỏi trong việc nâng cao nội lực của nền điện ảnh dân tộc, nỗ lực đưa phim Việt Nam ra thế giới.
Điều phối phiên tọa đàm, đạo diễn Phan Đăng Di đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, Hàn Quốc lại có thể phát triển vượt bậc cũng như sản sinh ra nhiều đạo diễn kiệt xuất đến thế?”. Nhà sáng lập, nguyên Chủ tịch LHP quốc tế Busan Kim Dong Ho cho biết, có nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc trong những năm 80, trong đó nổi bật là sự xuất hiện của một “làn sóng mới” với những đạo diễn tài năng như Park Kwang-su, Jang Sun-woo…
Họ là những đạo diễn trẻ, mang trong mình tham vọng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thực sự. “Sau năm 1996, điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục xuất hiện các gương mặt đạo diễn mới như Kim Ki-duk, Hong Sang-soo, Lee Chang-dong… Đó là giai đoạn liên tục xuất hiện những nhân tài.
Đạo diễn, NSX, biên kịch Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về những trải nghiệm thực tế khi anh từng trực tiếp thực hiện các bộ phim remake từ Hàn Quốc, cũng như hợp tác và sản xuất phim với nước bạn.
Anh nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn học hỏi một mô hình điện ảnh nào đó trên thế giới, dù đã có nhiều tranh luận về vấn đề này, và nhiều mô hình điện ảnh kiểu mẫu đã được đưa ra như Hollywood, Iran, Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng, mô hình của điện ảnh Hàn Quốc là gần gũi nhất với thị trường Việt Nam…”.
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Hàn Quốc đã bắt tay hợp tác sản xuất cùng Việt Nam trong lĩnh vực truyền hình từ rất sớm, nhưng với điện ảnh thì có lẽ chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây mới trở nên rõ nét hơn. Kể từ Em là bà nội của anh, với vai trò của một người “học hỏi” qua việc làm lại các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc, giờ đây Việt Nam đã có thể tự tin để “làm cùng” phía Hàn, từ khâu kịch bản, sản xuất đến khâu quảng bá phim.
“Xu hướng tương lai cho việc hợp tác không chỉ dừng ở mặt sản xuất, mà còn là phát triển IP chung và cạnh tranh quốc tế nhờ kết hợp điểm mạnh của hai nền điện ảnh. Điều này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nội dung, chuyên môn kỹ thuật mà còn đưa được văn hóa Việt đến với thế giới. Hợp tác song phương trở thành chiến lược phát triển bền vững cho cả hai quốc gia”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận định.
PHƯƠNG ANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/dien-anh-viet-han-cung-viet-giac-mo-chau-a-148343.html