Diễn biến bão số 3: Nước ngập đến cổ, người dân Nghệ An chạy lũ trong đêm

Diễn biến bão số 3: Nước ngập đến cổ, người dân Nghệ An chạy lũ trong đêm
6 giờ trướcBài gốc
Nghệ An: Mường Xén chìm trong biển nước, người dân chạy lũ trong đêm
Theo cán bộ UBND xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An), đến khoảng 21h đêm 22/7, mực nước nhiều điểm tại xã Mường Xén đã ngập đến cổ người lớn (khoảng 1,6m).
Nước sông Nậm Mộ dâng cao cộng với việc các thủy điện xả lũ, nhiều khu vực tại xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ) và dọc Quốc lộ 7 đã bị ngập lụt nghiêm trọng.
Nhiều hộ dân ở xã Mường Xén (khu vực trung tâm, thuộc xã Mường Xén cũ) không kịp dọn đồ đạc vì nước lên quá nhanh (ảnh cắt từ clip).
Dọc Quốc lộ 7 nhiều địa phương cũng đang trong tình trạng "báo động đỏ", người dân sẵn sàng di dời trong đêm.
Quốc lộ 7 đoạn qua Làng Nhùng , xã Tam Quang đã ngập.
Tối 22/7, UBND xã Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An) cho biết, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm một trường hợp mất tích do lũ cuốn.
Nạn nhân là bà Lỳ Y Dinh (70 tuổi), trú tại bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, bị nước lũ cuốn trôi lúc 16h cùng ngày tại khe Huồi Yên. Hiện chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Cắn, các lực lượng chức năng và gia đình khẩn trương tổ chức tìm kiếm.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn xã Nậm Cắn tổ chức tìm kiếm người mất tích nhưng chưa có kết quả.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 19h ngày 22/7, ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mưa lớn kéo dài, khiến nhiều địa phương trong tỉnh thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, hạ tầng giao thông và điện.
Toàn tỉnh ghi nhận 161 nhà dân bị thiệt hại tại các xã Bạch Ngọc, Quang Đồng, Vĩnh Tường, Yên Thành, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm và Mường Xén; trong đó 48 nhà bị ngập tại các xã Châu Bình, Nghĩa Hưng và Nhôn Mai.
Về sản xuất nông nghiệp, có 174,7 ha lúa, 286 ha mạ, 437 ha hoa màu và 114 ha cây lâu năm bị ảnh hưởng; 24,8 ha ao hồ bị ngập. Mưa bão cũng làm gãy 30 cột điện (gồm: 1 cột trung và cao thế, 29 cột hạ thế). Hàng chục điểm trên quốc lộ, tỉnh lộ xảy ra sạt lở taluy dương và âm; nhiều cầu tràn bị ngập sâu, giao thông gián đoạn. Hai cầu dân sinh tại xã Nhôn Mai và Mường Quàng bị lũ cuốn hư hỏng nghiêm trọng.
Người dân xã Mường Xén chạy lũ trong đêm
Phú Thọ: Nguy cơ xuất hiện lũ quét, sạt lở
Do ảnh hưởng của bão số 3, xã Kim Bôi (tỉnh Phú Thọ) xuất hiện mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Nhiều nhà dân trên địa bàn đã xuất hiện vết nứt.
Lực lượng chức năng xã Kim Bôi, tỉnh Phú Thọ đưa các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Công an xã Kim Bôi (Phú Thọ) đã khẩn trương triển khai lực lượng, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời có mặt tại các điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét để di dời dân, hỗ trợ cứu hộ và khắc phục hậu quả ban đầu, đồng thời giữ gìn an ninh trật tự.
Công an xã cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực xung yếu, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm an toàn cho người dân.
Nhiều hộ gia đình được đưa đến nơi an toàn.
Tính đến 21h ngày 22/7, Công an xã Kim Bôi đã huy động 45 lượt cán bộ chiến sĩ, 40 áo phao, 10 lượt xe ô tô, chia thành 3 tổ công tác đến các địa bàn trọng yếu, hỗ trợ di dời 34 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu đến nhà cộng đồng và nhà người thân ở khu vực an toàn.
Cùng với đó, lực lượng công an xã phối hợp với tổ an ninh cơ sở cắm biển cảnh báo, chốt chặn tại các điểm ngập sâu, ngầm tràn; trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở người dân không di chuyển qua vùng nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.
Lào Cai: Xuyên đêm hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét
Trong đêm mưa, các lực lượng chức năng tại Lào Cai đã tích cực hỗ trợ người dân di dời khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Tại xã Đông An, dù đã gần 22h, tổ xung kích của xã vẫn túc trực tại nhà văn hóa các thôn để nắm tình hình, sẵn sàng ứng phó mưa bão. Nhiều thành viên tổ công tác phối hợp cùng lực lượng công an đội mưa đến vận động các hộ dân sống dưới ta luy cao, có nguy cơ sạt lở, nhưng chưa di dời đến nơi an toàn.
Vào 22h cùng ngày, Chính quyền xã Phong Dụ Thượng đã huy động lực lượng công an xã dân quân tự vệ và cán bộ thôn hỗ trợ di dời khẩn cấp 2 hộ dân đến nhà văn hóa thôn Khe Dẹt để tránh trú.
Ngay khi có thông tin về bão số 3, xã đã thành lập các tổ xung kích trực 24/24 tại nhà văn hóa thôn để chủ động ứng phó với nguy cơ bão lũ. Ngoài ra, địa phương cũng in pano, áp phích treo tại các điểm cộng đồng, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu sạt lở đất và kỹ năng an toàn khi xảy ra sạt đất.
Tương tự, tại xã Châu Quế (tỉnh Lào Cai) - một địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, công tác di dời dân được triển khai khẩn trương.
Trong đêm 21/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã cùng lực lượng thôn bản đã vận động di dời 98/154 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Phạm Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế, cho biết, chính quyền xã đã huy động lực lượng dân quân, công an và thôn bản chia thành hai hướng để hỗ trợ người dân di chuyển đồ dùng sinh hoạt và bố trí nơi ở tạm thời, đảm bảo điều kiện sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó 11 điểm ở các trục đường giao thông có nguy cơ sạt lở ta luy dương và điểm nguy cơ ngập úng đã được địa phương cắm biển cảnh báo.
Tại xã Tân Hợp, tỉnh Lào Cai nắm bắt địa bàn có nhiều ngòi, khe, đường giao thông nông thôn sau cơn bão số 3 năm 2024 gây ra còn nhiều vị trí chưa được gia cố. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tiến hành gia cố các vị trí xung yếu tại các bờ kè.
Còn tại xã Mường Khương, vận động 21 gia đình nằm trong vùng nguy cơ thiên tai sơ tán đến nơi an toàn. Trước mức độ nguy hiểm, khó lường của bão số 3, ngay chiều và tối 21/7, lãnh đạo xã Mường Khương đã vận động 21 hộ gia đình thôn Chúng Chải B với 91 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ thiên tai cao sơ tán đến nơi an toàn.
Lãnh đạo xã Mường Khương trực tiếp đến chỉ đạo, kiểm tra, vận động 21 hộ gia đình có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cao sơ tán đến nơi an toàn hơn.
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã trực tiếp đến đôn đốc, kiểm tra và vận động các hộ nằm trong khu vực nguy cơ thiên tai cao tự nguyện khẩn trương sơ tán.
Trong số 21 hộ trong khu vực nguy cơ thiên tai cao của thôn Chúng Chải B phải sơ tán, có 11 hộ với 41 nhân khẩu đã đến ở nhờ nhà người thân tại nơi an toàn, 10 hộ với 50 nhân khẩu đã được UBND xã sắp xếp chỗ nghỉ tạm thời tại Trường Tiểu học Sả Hồ.
Ninh Bình: Vận hành 345 máy bơm, căng mình cứu 74.000ha lúa giữa tâm bão
Chiều 22/7, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Wipha), toàn tỉnh có hơn 74.000 ha lúa bị ngập úng. Trong đó, trên 65.000 ha ngập trắng hoàn toàn, khoảng 6.000 ha ngập phất phơ và hơn 2.400 ha ngập đến 2/3 thân cây.
Cánh đồng lúa bị ngập sâu do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha).
Ngay trong sáng 22/7, toàn tỉnh đã khẩn trương vận hành đồng loạt 345 máy bơm tại 110 trạm bơm, hoạt động hết công suất để tiêu úng, cứu nguy cho sản xuất nông nghiệp. Công tác bơm tiêu được triển khai khẩn trương dưới mưa lớn, nhằm kịp thời giải thoát nước khỏi đồng ruộng, tránh thiệt hại lan rộng.
Ngoài lúa, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng lâu năm và khu nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề, song thống kê cụ thể vẫn đang được cập nhật.
Chính quyền địa phương túc trực 24/24h để ứng phó các tình huống bất ngờ xảy ra.
Tại khu vực đê Ninh Cơ, mưa lớn gây ra nước dâng cao sát đê. Cùng thời điểm, một điểm sạt lở đất đá xuất hiện tại núi Vái Giời, đe dọa đến tuyến dân cư phía dưới. Các lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để khắc phục bước đầu và lập biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân.
Trong nhiều giờ qua, lượng mưa tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ghi nhận dao động từ 150–300mm, kèm theo gió giật mạnh cấp 6-7. Toàn tỉnh hiện có 66 điểm đê điều trọng yếu đang được các địa phương tổ chức tuần tra, trực gác 24/24h để chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Các cơ quan chức năng tại Ninh Bình vẫn đang theo dõi sát diễn biến thời tiết và diễn biến mực nước trên đồng ruộng để kịp thời điều tiết, ứng phó và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.
Thanh Hóa: Mưa lớn, nhiều khu vực ngập cục bộ, hàng trăm xe ngập nước giữa phố
Tối 22/7, thông tin từ Trạm CSGT Quảng Xương (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, tại khu vực TP Thanh Hóa (cũ), nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước sâu.
Lực lượng CSGT Thanh Hóa hỗ trợ người dân đẩy xe ô tô bị ngập nước vào nơi khô ráo trong chiều ngày 22/7.
Tính đến tối ngày 22/7, còn một số điểm trên đường Nguyễn Trãi, Đại Lộ Lê Lợi, Dương Đình Nghệ và một số tuyến đường nhỏ ở các phường đang bị ngập, giao thông hầu như bị chia cắt.
Mưa lớn kéo dài, trong khi hệ thống thoát nước không đáp ứng đã khiến các tuyến đường bị chìm trong "biển nước". Đã có hàng trăm phương tiện như ô tô, xe máy bị ngập dẫn đến chết máy phải gọi cứu hộ.
Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường ở phường Hạc Thành bị ngập trong "biển nước", nhiều phương tiện chết máy.
"Về số lượng phương tiện bị ngập, chết máy thì khó có thể thống kê. Nhưng chỉ tính riêng lực CSGT làm nhiệm vụ trên đường đã hỗ trợ giúp người dân đẩy xe, gọi cứu hộ khoảng 20 chiếc, chưa nói các phương tiện ở các phường, tại khu chung cư", một lãnh đạo Trạm CSGT Quảng Xương cho hay.
Theo tìm hiểu được biết, riêng tại phường Hạc Thành (khu vực nội thành có nhiều điệp ngập) thống kê sơ bộ có khoảng hơn 60 phương tiện bị ngập tại các vị trí ở khu chung cư, Quảng Trường, BigC...
Hiện nay, tại các điểm có nước ngập sâu, lực lượng chức năng đã tổ chức cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng cảnh giới cho người và phương tiện lưu thông qua lại.
Trước đó, do ảnh hưởng bão số 3, đêm 21 và sáng 22/7, địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập cục bộ, cây xanh bật gốc, chắn ngang đường.
Cây xanh bật gốc, đổ chắn ngang đường Dương Đình Nghệ trong sáng 22/7.
Ghi nhận trên địa bàn phường Hạc Thành, một số tuyến đường như Dương Đình Nghệ, đại lộ Lê Lợi, nhiều cây xanh bật gốc, chắn ngang đường gây cản trở giao thông.
Tại khu vực bưu điện tỉnh Thanh Hóa và dọc tuyến đường Quang Trung, Bà Triệu, nước ngập tràn mặt đường, các phương tiện đi lại khó khăn.
Để tránh gây tắc đường, lực lượng chức năng đã cưa, cắt và di chuyển cây xanh bị đổ gãy, khơi thông dòng chảy, tránh bị ngập sâu.
Còn tại xã ven biển Ngư Lộc (cũ), nay là xã Vạn Lộc, mưa lớn khiến nhiều đường bị ngập, có nơi sâu hơn 40cm. Không ít người dân đi xe đến nơi có nước sâu, bị chết máy, gây hư hỏng.
"Từ sáng sớm nay, các tuyến đường giao thông trong xã bị ngập nước sâu đến đầu gối, nước tràn vào nhà tôi", anh Vũ Văn Bình ở xã Vạn Lộc cho biết.
Các tuyến đường giao thông ở xã Ngư Lộc (cũ) bị ngập nước sâu khiến việc đi lại gặp khó khăn.
Cũng trong sáng nay, thông tin từ UBND xã Hoằng Châu, khu vực cống Đồng Đền 2 (thuộc xã Hoằng Thắng cũ) xuất hiện hiện tượng sạt trượt mái đê với chiều dài khoảng 8m. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, vật tư xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tuyến đê và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng sản xuất, đời sống của nhân dân khu vực.
Xả lũ hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy I
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 và việc Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy I tiến hành xả lũ, chính quyền xã Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Xả lũ hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy I.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Tiến Lực, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thủy cho biết: "Xã đã huy động toàn bộ hệ thống truyền thanh, phối hợp với các tổ trưởng thôn, xóm để thông tin kịp thời đến từng hộ dân.
Lực lượng công an, dân quân tự vệ được bố trí túc trực 24/24 tại các điểm xung yếu như kè, tràn, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cao".
Đồng thời, cho dựng tạm barie, đặt biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm; sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp. Lực lượng xung kích được phân công kiểm tra các tuyến đê, cầu cống, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Với tinh thần "bốn tại chỗ", xã Cẩm Thủy đang quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai, chủ động kiểm soát tình hình xả lũ và diễn biến của bão số 3, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Chính quyền xã Cẩm Thủy đã cho dựng tạm barie, đặt biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm.
Anh Phạm Văn Thơ, trú tại xã Cẩm Vân, chia sẻ: "Cán bộ thôn phát thanh thông báo liên tục và đến tận nhà nhắc nhở không đi lại tại các khu vực nguy hiểm, gia cố lại mái nhà, thu dọn đồ đạc lên chỗ cao để tránh ngập, sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu từ chính quyền".
Bà Lê Thị Thu, một hộ dân sinh sống gần suối, cho biết: "Chính quyền đã cắm biển cảnh báo ở những điểm nước sâu, nguy cơ sạt lở. Người dân tuyệt đối không đi vớt củi, đánh bắt cá hay tụ tập ở các khu vực nước chảy xiết. Ai cũng hiểu nếu chủ quan thì hậu quả sẽ rất lớn".
Hiện nay, trên sông Mã, mực nước đang đổ về hồ Thủy điện Cẩm Thủy I với lưu lượng từ 1.600 m³/s đến 3.000 m³/s. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) thông báo việc tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa Thủy điện Cẩm Thủy I.
Mực nước dâng hồ chứa Thủy điện Cẩm Thủy I trong mùa mưa hiện tại là 25,5 m/25,5 m. Nhà máy tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ để duy trì mực nước hồ dưới mức mực nước chết (25,5 m).
Thời gian xả lũ dự kiến từ 11h ngày 22/7 đến 19h30 ngày 29/7. Lưu lượng xả dao động từ 1.600 m³/s đến 3.000 m³/s (tùy theo lượng nước về hồ) và đảm bảo mực nước hồ duy trì ở mức 25,5 m (mực nước dâng bình thường).
UBND các xã: Thiệu Hóa, Thiệu Trung, Thiệu Toán, Thiệu Tiến, Thiệu Quang, Yên Định, Yên Trường, Yên Phú, Quý Lộc, Yên Ninh, Định Tân, Định Hòa, Vĩnh Lộc, Tây Đô, Biện Thượng, Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Tú, Cẩm Tân và Cẩm Vân cần thông báo khẩn cấp đến người dân và các thôn nằm dọc bờ sông Mã, để chủ động có phương án bảo vệ người, tài sản, cây cối, hoa màu, trâu bò, cá, vật nuôi, thủy hải sản, nhà cửa, công trình kiến trúc.
Nghệ An: Nước dâng khiến một số nơi bị cô lập
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Nghệ An từ chiều tối qua đến sáng nay, nhiều nơi có mưa lớn kéo dài. Mực nước trên các sông suối, đặc biệt ở khu vực các huyện miền núi dâng cao. Các tuyến đường tỉnh 543 và 543B vùng quốc lộ 46B xảy ra tình trạng ngập nước trên cầu tràn. Ngoài ra, tuyến quốc lộ 16 và đường tỉnh 543D sạt lở, gây mất an toàn giao thông.
Khối lượng lớn đất đá sạt xuống mặt đường tại Km 71+600 trên đường tỉnh 543D khiến giao thông chia cắt. Phải chờ khi đá ngừng rơi, lực lượng chức năng mới có thể san gạt.
Ông Phan Hải Châu, Phó Giám đốc Ban quản lý bảo trì đường bộ Nghệ An cho biết, đến nay, có 6 điểm ngập ngước, trong đó ba vị trí ở đường tỉnh 543 (xã Mỹ Lý) và 543B (xã Yên Na), nước dâng cao đã phải cấm đường. Hai vị trí trên đường tỉnh 541, 543B và một vị trí trên quốc lộ 46B (Km 53+800 xã Tuần Trung) có người trực gác, đảm bảo giao thông tại chỗ.
"Tuyến QL16 cũng xảy ra sạt lở ta luy dương làm tắc đường ở Km 308+500 (xã Nhôn Mai) và Km 404+130 xã Nậm Cắn. Ngoài ra, sáng nay, tại Km 298+180 QL16, mặt đường xuất hiện các vết nứt kéo dài, nghi do biến dạng địa chất. Ban đang chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến theo dõi, chuẩn bị đóng đường nếu tiếp tục bị nặng hơn.
Đối với những vị trí sạt lở, trên các đường tỉnh và quốc lộ, chúng tôi đã cho cắm biển cảnh báo từ xa, cấm đường, chờ đến khi mưa ngớt, đá không còn rơi sẽ cho máy san gạt để thông đường", ông Châu thông tin.
Nứt đường ở QL16 đoạn qua xã Tri Lễ.
Cũng trong sáng nay, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An phát đi thông báo hồ chứa thủy điện Nậm Mô (xã Mường Xén) xả nước với mức xả 500m3/s, từ 8h sáng.
Tổng lưu lượng xả dự kiến 140 - 500m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn, tổ máy phát điện và cống xả cát), có thể thay đổi tùy thuộc lưu lượng nước về hồ.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thông báo cho UBND các xã: Mường Xén, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, thủ trưởng sở, ban, ngành cấp tỉnh được biết để thông báo cho chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc hạ du Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, triển khai các công việc cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đồng Nai: Nhà tốc mái, cây đổ xuống đường do dông lốc
Ngày 22/7, lực lượng chức năng tại nhiều phường, xã ở tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục sự cố do mưa lớn kèm dông lốc gây ra vào ngày 21/7.
Lực lượng chức năng hỗ trợ cây ngã đổ do dông lốc tại Đồng Nai. Ảnh: Lý Việt
Theo đó, chiều 21/7, cơn giông lốc đã làm tốc mái 2 căn nhà của người dân tại xã Tân Quan (Đồng Nai) và làm nhiều cây cối ngã chắn ngang các tuyến đường ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Ngay sau khi nắm thông tin, lãnh đạo xã đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng công an, dân quân phối hợp cùng người dân địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả.
Lực lượng đã nhanh chóng dựng lại mái cho 2 căn nhà bị tốc, đồng thời thu dọn cây ngã trên các tuyến đường để bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn. May mắn sự cố trên không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết như mưa dông, dông lốc, lãnh đạo xã đã yêu cầu các lực lượng chức năng luôn trong tư thế sẵn sàng.
Khi có sự cố xảy ra, các lực lượng phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ người dân, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho mọi người và giảm thiểu thiệt hại.
Sáng 22/7, theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai bão số 3 không ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, trưa chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông cần đề phòng sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy nên người dân cũng cần đề phòng, cẩn thận.
Quảng Trị: Một nhà bị sập, 23 nhà tốc mái
Trưa 22/7, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã có một nhà dân bị sập hoàn toàn và 23 nhà bị tốc mái.
Một trong những nhà dân tại xã La Lay, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái.
Căn nhà bị sập hoàn toàn của hộ gia đình ông Hồ Văn Chiến ở thôn Hồ (xã Hướng Phùng).
Còn 23 nhà bị tốc mái thuộc địa bàn xã La Lay, trong đó có nhà bị tốc mái, sập tường, thiệt hại trên 70%, có nhà bị tốc mái 90%, các trường hợp còn lại nhà bị thiệt hại khoảng 30-70%.
Ngoài ra, ảnh hưởng bão số 3 cũng đã làm một số diện tích ao nuôi cá nước ngọt tại xã Hướng Phùng bị cuốn trôi, cây cối gãy đổ.
Kè ta luy âm bảo vệ tuyến đường vào bản 61, xã Thượng Trạch bị sạt lở mái khoảng 50m.
Ảnh hưởng của bão số 3 cũng đã làm mất điện hoàn toàn tại thôn Trĩa, Cát thuộc xã Hướng Phùng.
Nhóm PV
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/dien-bien-bao-so-3-mua-lon-gay-sap-nha-cay-do-chan-duong-ho-thuy-dien-phai-xa-lu-192250722101612519.htm