Thị trường chứng khoán phục hồi ấn tượng
Tính đến ngày 11-7-2025, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi nhận nhịp phục hồi khá mạnh mẽ sau giai đoạn điều chỉnh sâu trong tháng 4-2025. Chỉ số VN-Index hiện giao dịch quanh mốc 1.460 điểm, tăng khoảng 36% so với mức thấp nhất ngày 9-4-2025 và tăng 15,2% từ đầu năm 2025. Thanh khoản thị trường trong tháng 7-2025 (đến ngày 11-7) đạt trung bình khoảng 27.700 tỉ đồng/phiên, tăng trên 15% so với mức trung bình 19.265 tỉ đồng/phiên trong sáu tháng đầu năm 2025.
Đáng chú ý là nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng khoảng 11.545 tỉ đồng chỉ trong chín phiên từ ngày 1-7 đến 11-7-2025, trong khi trước đó - trong sáu tháng đầu năm - đã bán ròng hơn 39.836 tỉ đồng. Hoạt động mua ròng diễn ra rất quyết liệt, với lực mua trung bình khoảng 1.300 tỉ đồng/phiên, đã khiến cho thị trường tăng khoảng 5,9% chỉ trong chín phiên đầu tháng 7-2025. Các mã được mua ròng nhiều nhất tập trung ở nhóm vốn hóa lớn như VCB, HPG, SSI, VPB và FPT.
Câu chuyện thuế quan đã rõ ràng hơn
Một trong những chất xúc tác quan trọng cho đà phục hồi của TTCK hiện nay chính là tín hiệu rõ ràng hơn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận sơ bộ ban đầu về khung thuế quan song phương ngày 2-7-2025, tâm lý giới đầu tư nước ngoài đã cải thiện đáng kể, do mức thuế dự kiến được đánh giá là cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Dù chi tiết thỏa thuận chưa được công bố và vẫn còn nhiều nội dung phải tiếp tục đàm phán, việc xác lập một khuôn khổ rõ ràng đã giúp nhà đầu tư định hình cụ thể hơn mức độ tác động của chính sách thuế đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Ngay sau khi có thông tin sơ bộ ban đầu về mức thuế quan mới, nhiều tổ chức tài chính và công ty chứng khoán đã nhanh chóng cập nhật báo cáo chiến lược, phần lớn có đánh giá tích cực và điều chỉnh tăng mục tiêu đối với TTCK Việt Nam. Trong báo cáo “ASEAN Equity Strategy” ngày 9-7-2025, JP Morgan khuyến nghị nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam, cho rằng thỏa thuận thuế quan đạt được là tích cực hơn kỳ vọng. Cùng với đó, chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ tăng trưởng GDP nhanh và dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhờ đồng đô la Mỹ suy yếu sẽ giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động. Theo đó, JP Morgan đã nâng dự báo VN-Index lên 1.500/1.600 điểm trong kịch bản cơ sở/lạc quan (so với dự báo trước đó là 1.300/1.450 điểm).
Triển vọng nào cho dòng tiền ngoại trong thời gian tới?
Thuế quan là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn nhất từ giới đầu tư trong thời gian qua, do ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Khi yếu tố này dần được làm rõ, trọng tâm của nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang các yếu tố quan trọng khác. Trong đó, đánh giá triển vọng tích cực của TTCK trong thời gian tới có thể đến từ ba yếu tố chính sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục ở mức cao, hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp và là nền tảng cho tăng trưởng ổn định của thị trường. GDP nửa đầu năm 2025 tăng 7,52% và dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao nhờ môi trường lãi suất thấp và các hoạt động thúc đẩy đầu tư công cũng như cải cách thể chế mạnh mẽ. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 9,9% trong sáu tháng đầu năm nay, vượt trội so với cùng kỳ ở mức 6,1%, trong khi lãi suất huy động và cho vay thấp hơn cả giai đoạn 2020-2021.
Thứ hai, đó là sự kỳ vọng TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9-2025. Nếu được nâng hạng, không chỉ thu hút dòng vốn thụ động từ các quỹ ETFs giải ngân lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ mà còn tạo hiệu ứng niềm tin đối với nhà đầu tư chủ động, thúc đẩy dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Thứ ba, áp lực tỷ giá và lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm dần từ cuối quí 3-2025 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9-2025. Diễn biến này giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng mà không quá lo ngại về rủi ro tỷ giá như trước đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng tích cực, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của dòng vốn ngoại trong thời gian tới:
Thứ nhất, thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ hiện mới chỉ dừng ở mức khung sơ bộ. Các điều khoản chi tiết, đặc biệt liên quan đến quy tắc xuất xứ và kiểm soát hàng trung chuyển vẫn cần được cụ thể hóa. Vấn đề này ảnh hưởng tới mức thuế mà Việt Nam có thể phải chịu và sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các đối tác.
Thứ hai, triển vọng giảm lãi suất của Fed vẫn chưa chắc chắn. Nếu Fed duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến, sẽ khiến tỷ giá trong nước biến động mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc duy trì chính sách lãi suất thấp, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và ổn định môi trường đầu tư.
Thứ ba, quá trình nâng hạng TTCK vẫn đối mặt với một số điểm nghẽn. Dù hệ thống KRX đã được triển khai, nhưng các vướng mắc về room ngoại, giao dịch T+0 hay thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong trường hợp xấu, FTSE Russell có thể cần thêm thời gian để đánh giá và việc nâng hạng có thể bị hoãn tới kỳ tháng 3-2026, cũng tác động tới tâm lý thị trường.
Lão Trịnh