Diễn biến bầu cử Mỹ 2024: Câu 'thần chú' được niệm suốt cuộc song đấu, câu hỏi về 'bình yên' sau lá phiếu cuối cùng

Diễn biến bầu cử Mỹ 2024: Câu 'thần chú' được niệm suốt cuộc song đấu, câu hỏi về 'bình yên' sau lá phiếu cuối cùng
3 giờ trướcBài gốc
Ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông tại Van Andel Arena ở Grand Rapids, Michigan, sáng sớm ngày 5/11. (Nguồn: AFP)
“Tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống”
Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ 2024, người dân nước này thường xuyên được nhắc nhở về câu "thần chú" trên, liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực.
Đảng Dân chủ đang cảnh báo rằng, nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử, ông sẽ không tuân thủ các quy tắc và nghi thức chuyển giao quyền lực, tương tự lần trước khi ông thắng vào năm 2016.
Một trong những nguyên tắc của quá trình chuyển giao quyền lực là tổng thống đắc cử không làm suy yếu tổng thống sắp mãn nhiệm bằng cách can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn trước khi nhậm chức.
Điều này đặc biệt đúng đối với chính sách đối ngoại. Các tổng thống trước đây đã đảm bảo rằng tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống.
Năm 1992, Tổng thống Bill Clinton đã nhấn mạnh điểm này. Ngay sau khi giành chiến thắng, ông đã kêu gọi “các đối tác và kẻ thù của Mỹ công nhận, như tôi đã công nhận, rằng tại một thời điểm, Mỹ chỉ có duy nhất một tổng thống”.
Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama cũng đã làm như vậy.
Tuy nhiên, vào năm 2016, đã có sự phản đối kịch liệt khi ông Donald Trump mới đắc cử thực hiện một số động thái được coi là vi phạm truyền thống đã được ghi nhận trong luật.
Cụ thể, Đạo luật Logan năm 1799 cấm công dân Mỹ trao đổi thư từ hoặc đàm phán trái phép với các chính phủ nước ngoài làm suy yếu vị thế của chính phủ. Theo các nhà sử học về tổng thống, luật này nhằm bảo vệ quyền hạn của tổng thống theo Hiến pháp, nhất là trong quan hệ với các quốc gia nước ngoài.
Năm 2016, nghị sĩ Jared Huffman của đảng Dân chủ đã đưa dự luật mang tên "Đạo luật Một tổng thống tại một thời điểm" ra nghị viện để sửa đổi Đạo luật Logan nhằm "đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của Mỹ chỉ được chỉ đạo bởi tổng thống đương nhiệm" và áp dụng luật này cho các tổng thống đắc cử sau này.
Mặc dù nghị quyết không được thông qua, nhưng có thể hiểu rằng Đạo luật Logan được áp dụng cho các tổng thống đắc cử tương tự đối với công dân Mỹ. Nhiều người đã viện dẫn Đạo luật Logan khi chỉ trích Tổng thống đắc cử Trump về hai động thái mà ông từng thực hiện sau cuộc bầu cử năm 2016.
Đầu tiên là cuộc điện đàm vào tháng 12 giữa ông và lãnh đạo chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), cuộc điện đàm đầu tiên của một tổng thống đắc cử Mỹ kể từ năm 1979.
Thứ hai là sự phản đối của ông về việc chính quyền Barack Obama bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel chấm dứt các hoạt động chiếm đóng.
Tổng thống đắc cử Trump thời điểm đó đã can thiệp với tư cách cá nhân và chưa từng có tiền lệ, thông qua các cuộc điện đàm (được thư ký báo chí của ông xác nhận) với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mà ông được cho là đã thảo luận về nghị quyết này.
Theo Trung tâm chuyển giao quyền lực tổng thống, trong thời kỳ chuyển tiếp, tổng thống đắc cử "theo truyền thống chỉ giao thiệp hạn chế với các nhà lãnh đạo nước ngoài".
Trung tâm này nói thêm rằng, "điều quan trọng đối với tổng thống đắc cử và đội ngũ của người này là đảm bảo chính phủ luôn luôn chỉ có một lập trường, đặc biệt là về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại".
Cử tri xếp hàng để bỏ phiếu tại Smyrna, Georgia, ngày 5/11. (Nguồn: CNN)
Lập trường "kệ" của ông Trump
Nhiều người dân Mỹ lo ngại rằng trong cuộc bầu cử năm nay, nếu đắc cử, ông Trump không những sẽ lặp lại điều đã làm mà còn tăng cường đưa ra các quyết định và cam kết về chính sách đối ngoại mà không phối hợp với chính quyền Tổng thống Biden, qua đó làm suy yếu chính quyền tổng thống đương nhiệm.
Họ rút ra điều này từ các lập trường và tuyên bố gần đây của ông Trump.
Đầu tháng 11, ứng viên đảng Cộng hòa nói với những người ủng hộ mình rằng ông đã điện đàm với lãnh đạo Israel Netanyahu về tình hình ở Trung Đông. Báo chí đưa tin, khi được hỏi về cách ứng phó với cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel, ông Trump đã nói với ông Netanyahu rằng "hãy làm những gì ông phải làm".
Tạp chí Slate coi đây, nếu chính xác, "không chỉ là hành động liều lĩnh về mặt ngoại giao mà còn có khả năng là hành vi phạm tội cấp liên bang", ám chỉ đến Đạo luật Logan.
Bên cạnh đó, trong cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Trump đã cam kết sẽ giải quyết xung đột Nga-Ukraine "trước khi tôi trở thành tổng thống", đồng thời nói thêm rằng ông sẽ làm điều đó "nếu tôi thắng, khi tôi là tổng thống đắc cử".
Aaron Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegiek, nhận định, ông Trump không cần phải tiếp cận bất kỳ ai vì mọi người đều đang tiếp cận ông, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, ông Miller bày tỏ lo ngại rằng cựu Tổng thống Trump "sẽ tạo ra kỳ vọng và đưa ra những lời hứa và cam kết mà ông không được pháp luật trao quyền để thực hiện".
Những chia rẽ ở Mỹ về cuộc bầu cử và lập trường của ông Trump lan rộng đến mọi khía cạnh của quá trình chuyển giao quyền lực và quyền hạn của tổng thống. Sẽ không thực tế khi mong đợi quá trình chuyển giao sắp tới sẽ khác nếu ông Trump thắng cử. Washington đang nín thở và hy vọng Mỹ sẽ không bị lặp lại quá trình chuyển giao hồi đầu năm 2021.
(theo Eurasia Review)
Vy Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dien-bien-bau-cu-my-2024-cau-than-chu-duoc-niem-suot-cuoc-song-dau-cau-hoi-ve-binh-yen-sau-la-phieu-cuoi-cung-292719.html